Liên kết du lịch: Đã thực chất hơn

Ý Nhi| 27/11/2020 07:36

Chuẩn bị cho kế hoạch đón khách quốc tế khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát trên thế giới, nhiều chương trình mở rộng chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp và các tỉnh, thành đang mở rộng với nhiều chương trình, giải pháp thực tiễn và thực chất.

Tìm sản phẩm phù hợp

Liên kết du lịch đang là một trong những hoạt động trọng điểm được các địa phương chú trọng, bởi đây được xem là giải pháp quan trọng để tăng lượng khách nội địa, cùng nhau vượt khó trước ảnh hưởng của dịch Covid-19. 

Tuy nhiên, phát biểu tại Hội nghị Hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch Hà Nội và các tỉnh, thành phố được tổ chức mới đây tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, để việc liên kết và kích cầu du lịch hiệu quả, hoạt động quảng bá điểm đến cần phải đi vào thực chất và được đẩy mạnh tạo thành chuỗi điểm đến cho du khách. Cụ thể, các địa phương cần “ngồi lại” với nhau để bàn về những sản phẩm đặc trưng của từng vùng. Mỗi địa phương nên có sản phẩm riêng, tránh việc cạnh tranh sản phẩm giống nhau hoặc gây xung đột. Để làm được điều này, cần phải có cơ chế chính sách phối hợp để điều chỉnh sao cho phù hợp. 

dulichdongbac-1-1785-1606379537.jpg

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đại diện các lãnh đạo bộ, ngành, tỉnh, thành tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc trưng của TP.HCM và 8 tỉnh Đông Bắc

Đánh giá về hiệu quả của hoạt động liên kết du lịch thời gian qua, Phó tổng Cục trưởng Tổng Cục du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương nhìn nhận, hoạt động liên kết du lịch đang thực hiện theo hình thức luân phiên vai trò chủ trì, nhưng do các tỉnh, thành phố có nguồn ngân sách độc lập, tiềm lực khác nhau nên việc điều phối hoạt động liên kết không đồng đều. Nhiều hoạt động liên kết còn nặng tính hình thức, không mang lại hiệu quả như mong muốn.

"Để liên kết, hợp tác phát triển du lịch hiệu quả thì quan trọng nhất vẫn là làm sao để các doanh nghiệp tìm được sản phẩm du lịch phù hợp, giá cả cụ thể. Ngoài ra, các địa phương cần chú trọng hơn trong việc sử dụng nền tảng công nghệ số, nên có những ứng dụng công nghệ, phát triển du lịch thông minh trên cùng nền tảng thì sẽ dễ dàng kết nối hơn. Với bản chất của du lịch là hoạt động của tour, tuyến, vì vậy muốn đi xa các doanh nghiệp phải đi cùng nhau, bởi nếu không hợp tác sẽ rất khó phát triển”, bà Hương khẳng định (trích nguồn Đầu tư ngày 12/11/2020).

Với tinh thần đó, ngày 20/11/2020 tại Quảng Ninh, Hội nghị Liên kết phát triển du lịch với chủ đề “Kết nối tinh hoa” đã diễn ra nhiều hoạt động kích cầu du lịch giữa UBND TP.HCM, UBND tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh Đông Bắc (Bắc Kạn, Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc và Quảng Ninh). 

Đại diện Sở Du lịch TP.HCM cho biết, chương trình liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM và các tỉnh Đông Bắc góp phần quảng bá về miền đất, con người, văn hóa và tiềm năng du lịch của các tỉnh vùng Đông Bắc gồm: Bắc Kạn, Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh với TP.HCM và ngược lại; góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả; tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch trong nước và nước ngoài tham quan, tìm hiểu, khám phá cảnh quan, di sản thiên nhiên và văn hóa, tạo động lực phát triển du lịch bền vững của tất cả địa phương trong chương trình liên kết. 

Nhiều liên kết hiệu quả

Trong nỗ lực kích cầu du lịch, VietJet cũng tiên phong với nhiều chương trình kích cầu du lịch cùng các tỉnh, thành, đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi giá vé chỉ từ 0 đồng, giảm giá cước hành lý ký gửi, giới thiệu hạng vé SkyBoss nâng cấp, hạng vé Deluxe mới hay thẻ bay PowerPass SkyBoss... để thu hút người dân trở lại với hoạt động bình thường, với những hành trình an toàn, phát triển kinh tế, du lịch. 

tam-giac-mach-3754-1606379537.jpg

Tương tự, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2020-2022 với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2020-2025 với Tổng công ty Du lịch Sài Gòn.

Theo đó, Vietnam Airlines sẽ phối hợp cùng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai hàng loạt hoạt động như tổ chức và tham gia các hội chợ, sự kiện du lịch, các đoàn khảo sát đến tỉnh, trong đó đặt mục tiêu tổ chức  sự kiện du lịch kết hợp hàng không mang tầm quốc gia và quốc tế. Vietnam Airlines cũng hỗ trợ tỉnh trong các hoạt động giáo dục, văn hóa, thể thao, thương mại và các chương trình công tác, đồng thời tăng cường phối hợp truyền thông - quảng cáo trên hệ thống kênh phương tiện của cả hai bên.

Vietnam Airlines và Saigontourist Group cũng đã hợp tác xây dựng các gói chương trình kích cầu, phát triển các sản phẩm, tuyến điểm du lịch mới, đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực truyền thông - quảng cáo và trong các sự kiện, hoạt động xã hội phù hợp.

Là địa phương khởi xướng các chương trình liên kết du lịch với các tỉnh, thành, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, vừa qua TP.HCM đã kết nối thành công các chương trình kết nối du lịch với các tỉnh, thành như: Tây Bắc mở rộng, Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và dịp này là liên kết với 8 tỉnh Đông Bắc. Qua mỗi lần liên kết, TP.HCM và các tỉnh, thành lại xây dựng được hàng loạt tour, tuyến du lịch mang tính đặc trưng.  Vì vậy, chương trình liên kết hợp tác lần này sẽ tập trung vào các nội dung chính: quản lý nhà nước về du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến du lịch giữa các tỉnh Đông Bắc với TP.HCM và cùng nhau triển khai chương trình du lịch an toàn, bền vững trong mùa dịch bệnh Covid-19.

Để liên kết thực chất hơn

Nui-To-Thi-2-6971-1606379537.jpg

Đại diện lãnh đạo TP.HCM và 8 tỉnh Đông Bắc cũng đưa ra nhiều giải pháp thiết thực để đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch. Ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết, ngành du lịch Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp khôi phục ngành du lịch trong trạng thái bình thường mới. Tính đến ngày 15/11/2020, tỉnh Quảng Ninh đã đón được 8,3 triệu khách nội địa và đón được 535.000 khách quốc tế... Dự kiến, hết năm 2020 tỉnh Quảng Ninh sẽ đón được khoảng 10 triệu khách du lịch nội địa.

Nhấn mạnh đến yếu tố làm sao để thắt chặt liên kết, bà Trần Nguyên - Giám đốc Kinh doanh Sunworld (Tập đoàn Sungroup) đề xuất 4 nhóm giải pháp cho vùng Đông Bắc như: xây dựng cơ chế trưởng nhóm luân phiên; nghiên cứu và xây dựng các gói sản phẩm du lịch đặc trưng phù hợp với thị hiếu, tính cách của khách miền Nam; tổ chức triển khai các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch vùng Đông Bắc định kỳ tối thiểu 6 tháng một lần tại TP.HCM...

Bà Nguyên cũng  kiến nghị địa phương này cần phát động và khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp xây dựng các chuỗi sản phẩm, dịch vụ và các chương trình ưu đãi dành riêng cho thị trường khách vùng Đông Bắc; triển khai các chiến dịch quảng bá hàng đặc sản từ TP.HCM, miền Tây Nam bộ, Đông Nam bộ tại vùng Đông Bắc, tổ chức triển lãm giới thiệu các sản vật, vựa hoa quả từ miền Nam tại Hạ Long...

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, để phát huy tiềm năng du lịch, không chỉ cần rất nhiều tiền mà cần có cả sự hiểu biết. Đồng thời phải cố gắng nỗ lực khắc phục những tác động tiêu cực trong quá trình phát triển tới thiên nhiên, tới di sản; cần vận dụng tối đa yếu tố công nghệ, số hóa cho ngành du lịch để du khách có thể dễ dàng tìm hiểu điểm đến, sản phẩm du lịch, có thể mua vé, check-in điện tử tạo sự tiện ích, thoải mái nhất cho du khách... 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Liên kết du lịch: Đã thực chất hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO