Sự trở lại của những tàu biển du lịch cao cấp thuộc các hãng tàu lớn như: Royal Caribbean International, Star Cruises, Costa Crociere S.p.A... trong 4 tháng đầu năm đã nâng tổng số tàu biển đến Việt Nam tăng gần 20% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, số các doanh nghiệp (DN) Việt Nam tham gia mảng dịch vụ này rất hạn chế.
Đọc E-paper
Thiếu hấp dẫn hay khó?
Dự báo về sự bùng nổ du lịch tàu biển tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, từng được Bộ phận Du lịch tàu biển ASEAN thuộc ASEAN Tourism đưa ra cách đây gần 3 năm dường như đã thành hiện thực. Minh chứng cho vấn đề này là sự xuất hiện ngày càng nhiều hãng tàu lớn trên thế giới ở Việt Nam.
Trong thông cáo phát đi mới đây, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết, Saigontourist đã đón tiếp hơn 3.500 du khách và thuyền viên (quốc tịch Mỹ, Anh, Úc, Canada, Singapore...) từ tàu biển cao cấp Voyager of the Seas thuộc Hãng Tàu biển Royal Caribbean International (chuyên phục vụ các hải trình châu Á và châu Đại Dương) tại cảng Tân Cảng Cái Mép (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Thống kê từ Saigontourist cũng cho hay, 3 tháng đầu năm, công ty này tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực du lịch tàu biển tại Việt Nam khi liên tục đón và phục vụ hơn 30 chuyến tàu biển quốc tế cao cấp đến Việt Nam, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2014, mang theo 50.000 du khách quốc tế đến từ các hãng du lịch tàu biển hàng đầu như Star Cruises, Costa Crociere S.p.A, Hapag-Lloyd Cruises, Royal Caribbean Cruise Lines...
Những ngày đầu năm 2015, các cảng biển du lịch nổi tiếng như Hạ Long (Quảng Ninh), Chân Mây (Thừa Thiên - Huế), Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nha Trang (Khánh Hòa), TP.HCM... liên tục đón những tàu du lịch đưa hàng ngàn du khách nước ngoài vào Việt Nam. Đây được xem là tín hiệu tốt cho các hãng lữ hành trong nước mở rộng dịch vụ ở mảng du lịch tàu biển.
Song, thực tế lại có quá ít đơn vị lữ hành tham gia vào lĩnh vực này, dù được đánh giá có thế mạnh trong lĩnh vực kinh doanh du lịch nước ngoài (outbound). Theo ông Lại Minh Duy, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TST Tourist, dù cùng chọn phát triển về dịch vụ lữ hành, nhưng mỗi DN đều có những dịch vụ khác nhau, tùy theo thế mạnh của từng đơn vị.
"Saigontourist khai thác mạnh mảng du lịch tàu biển là do trước đây đã có kinh nghiệm và nền tảng hạ tầng tốt về tàu biển. Còn thế mạnh của TST Tourist là tổ chức đến châu Âu, Úc, Mỹ cũng như các tour trong nước, nên chúng tôi tiếp tục phát huy thế mạnh này mà không làm du lịch tàu biển", ông Duy chia sẻ.
Trước đây, Công ty CP Du lịch Hòa Bình Việt Nam (Peace Tour) cũng từng khai thác mảng du lịch tàu biển khi hợp tác cùng Saigontourist, nhưng hiện Peace Tour cũng không còn phát triển mảng này.
Theo bà Lê Thị Như Hà, Phó tổng giám đốc Peace Tour, xu hướng khách quốc tế du lịch bằng đường biển hiện nay được đánh giá có tăng trưởng. Tuy nhiên, nếu so với khách quốc tế chọn du lịch bằng đường hàng không thì đây chưa phải là kênh cạnh tranh. Vì du lịch tàu biển là dịch vụ dành cho những người cao tuổi có tiền.
Công ty Tân Hồng là đơn vị chuyên tổ chức dịch vụ du lịch tại Việt Nam và Campuchia cho các hãng tàu biển nước ngoài như: P&O Cruises, Seetours, Seven Seas Cruises, Seabourn, Silversea Cruises, Peter Deilemann GmbH, Oceania, Crystal Cruises, Cunard Line, Tahitian, Balmoral and Princess Cruises...
Theo ông Phan Xuân Anh, cố vấn chuyên môn của Tân Hồng, du lịch tàu biển trước đây được dành cho những người giàu cao tuổi, nhưng nay do sự cạnh tranh ngày càng nhiều của các hãng tàu, nên họ mở rộng ra cho các khách hàng thuộc giới trung lưu cũng có thể tham gia.
Kéo theo đó là cạnh tranh giữa các hãng tàu, điểm đến như Thái Lan, Singapore, Hồng Kông..., những nơi mỗi ngày có hàng trăm chuyến bay liên tục đến và đi. Điều này cũng đã tạo ra những trở ngại cho các DN Việt Nam khi lấn sân vào mảng này.
Vì theo ông Xuân Anh, mỗi năm các hãng tàu luôn có tổ chức đấu thầu để xét năng lực của DN lữ hành tham gia đấu thầu. DN phải thỏa mãn các điều kiện như: lịch sử, kinh nghiệm, giá tốt...
Ngoài ra, DN phải đảm bảo gói bảo hiểm tai nạn giá 2 triệu USD/tàu/vụ. Hết một năm, DN lữ hành phải quay lại đấu thầu. "Chưa kể đến thâm niên, kinh nghiệm, việc mua bảo hiểm đối với du lịch tàu biển cũng được xem là trở ngại đối với các công ty lữ hành quy mô nhỏ”, ông Xuân Anh nhận định.
Tuy Tân Hồng đã có kinh nghiệm, cũng như có sự chuẩn bị nhân sự ở các cảng Việt Nam, Campuchia... nhưng cũng chỉ thắng thầu của các hãng tàu nhỏ, có sức chứa từ 250 - 2.500 người/tàu. "Những hãng tàu lớn, gần như các hãng lữ hành khối ngoại chiếm ưu thế.
Bởi vì họ có lợi thế về ngôn ngữ, mạng lưới văn phòng xuyên quốc gia (tour tàu biển thường kéo dài từ vài tháng đến cả năm, đi qua rất nhiều quốc gia, có khi lên đến 135 quốc gia/tour), tổ chức tiếp thị tốt, giá mềm... Vì thế, hãng tàu sẽ chọn những gì có lợi nhất, bằng cách ký hợp đồng với một đơn vị lữ hành lớn để được bao trọn gói cho khách khi tàu cập cảng tại các nước", ông Xuân Anh phân tích.
1 triệu Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, ngành du lịch Việt Nam sẽ phục vụ hơn 1 triệu du khách tàu biển trong năm 2015. |
Dù các hãng lữ hành đánh giá du khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường tàu biển không cạnh tranh với khách đi đường hàng không, nhưng xét cho cùng thì đây không phải là kênh đem lại doanh thu thấp. Bởi phần đông khách hàng chọn du lịch tàu biển là những người giàu.
"Họ thường đặt tour trước đó gần cả năm. Tuy nhiên, các hãng lữ hành chỉ có được lợi nhuận khi khách cập cảng và tiếp tục đặt tour ngắn ngày. DN nào chủ động được nhiều phương tiện, DN đó sẽ thắng", ông Anh nhấn mạnh.
Lượng khách đi tàu biển đến Việt Nam không phải có hằng ngày, hằng tuần mà chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 12 và kết thúc vào khoảng tháng 3 năm sau. Tuy nhiên, lượng khách đến mỗi lần đều rất lớn, có thể tới hàng chục ngàn người.
Chia sẻ về lĩnh vực du lịch tàu biển, ông Nguyễn Minh Quyền, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ Lữ hành Bến Thành Tourist, cho hay, nếu có hãng tàu đặt vấn đề hợp tác, Bến Thành Tourist rất sẵn sàng.
"Trước đây, Bến Thành Tourist cũng từng phát triển ở mảng du lịch tàu biển, cũng như có kinh nghiệm tổ chức du lịch bằng trực thăng... Vì vậy, cho đến thời điểm này, chúng tôi hoàn toàn tự tin về kinh nghiệm, nhân lực, khách sạn để hợp tác", ông Quyền nói.
>Ẩm thực khách sạn Grand đến với du khách tàu biển
>Du khách tàu biển xông đất Việt Nam
>Đội tàu biển Việt Nam mất thị phần trên sân nhà
>Có gì để bán cho du khách tàu biển?