Ước vọng của một tiến sĩ người Êđê

BÍCH HỒNG| 30/11/2009 08:54

Tiến sĩ Tuyết Nhung, người buôn Krông ở Đăk Lăk là một trong số ít trí thức của các dân tộc thiểu số, hiện là giảng viên Đại học Tây Nguyên.

Ước vọng của một tiến sĩ người Êđê

Tiến sĩ Tuyết Nhung, người buôn Krông ở Đăk Lăk là một trong số ít trí thức của các dân tộc thiểu số, hiện là giảng viên Đại học Tây Nguyên. Đi đây đó nhiều, sống ở phố cũng đã ba chục năm, nhưng mỗi khi viết bài nghiên cứu, hay có ai hỏi, chị chỉ giới thiệu đơn giản, mình là người Êđê ở buôn Krông, một làng nhỏ của huyện Krông Ana. Người ta gọi chị bằng cái tên “Buôn Krông Tuyết Nhung”.

TS Tuyết Nhung tại lễ hội mừng mới ở huyện Chéo Reo, Gia Lai

Tôi rất ấn tượng với người phụ nữ trí thức Êđê này, không chỉ vì chị là Phó giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn của ĐH Tây Nguyên, mà còn vì công trình nghiên cứu của chị luôn hiển hiện một tình yêu và niềm tự hào về dân tộc Êđê nổi tiếng thông minh, thiện chiến. Trong những công trình ấy, luôn có một dấu hỏi không hiện ra trên giấy, rằng Tây Nguyên hôm nay và sắp đến chắc chắn không thể đứng ngoài sự phát triển chung của đất nước, tất phải hiện đại hóa, vậy sẽ có còn là mình? Rằng, con người Tây Nguyên, văn hóa Tây Nguyên có đủ khả năng trụ vững và phát triển trong hiện đại hóa tất yếu ấy không?

Nỗ lực tìm kiếm câu trả lời trong những ngày sống ở buôn nhỏ, trong căn nhà dài của tổ tiên, để nhiều lần chị đã phải xót xa viết về một thực tế không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đang xói lở, mai một từng ngày. Môi trường diễn tấu cồng chiêng, diễn xướng các làn điệu dân ca ngày càng vắng bóng. Còn giữ rất nhiều hình ảnh buôn Êđê vang rền tiếng cồng chiêng của mùa bỏ mả, tiếng cồng chiêng mừng chiến binh Êđê dũng mãnh thắng trận, nay chị đành thừa nhận, không còn nhiều cơ hội để nghe các nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng ở khu mộ địa, trong các gian khách của căn nhà dài nhân lễ cúng mừng lúa mới, cúng sức khỏe…

Một lần, chúng tôi lặng người khi nghe chị nghẹn ngào trước hàng trăm nhà nghiên cứu âm nhạc và văn hóa Tây Nguyên, rằng: “Các cụ già làng khao khát muốn gửi tâm tình với thế giới thần linh theo tiếng cồng chiêng trong các cuộc “ăn năm uống tháng”, như đã từng diễn ra trên cao nguyên này những năm tháng đã xa. Già làng Aê H’ Nhen ở buôn Krông tâm sự: “Nhiều khi ốm đau, tôi khao khát âm thanh của cồng chiêng”. Tiếng cồng chiêng đã gắn bó với làng trong tất cả những sự kiện lớn nhỏ, từ sinh một đứa con đến lúc gặt xong mùa lúa, hay đưa một người chết vào rừng…”.

Nhưng nỗi đau của một người Êđê còn lớn hơn khi phải đối diện với thực tại. Chị từng đau vì những người trong cộng đồng Êđê của mình bịt tai chạy trốn khi nghe các nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng trong lễ cúng mừng sức khỏe cha mẹ. Họ bịt chặt tai, than không chịu nổi tiếng ồn ào của buổi lễ. Có người già làm lễ mừng thọ, con cháu họ không dám đến dự vì gia đình diễn tấu cồng chiêng. Xã Êa Bông của chị Tuyết Nhung nay có hơn 90% người Êđê theo đạo giáo mới. Vẫn còn đó ngôi nhà dài Êđê truyền thống, nhưng bà con không nấu rượu cần cho các buổi nghi thức lễ truyền thống, không đánh chiêng; họ không hiểu khi nghe Khan Dăm San, Xing Nhã. Luật tục đã mờ dần...

TS Tuyết Nhung, người phụ nữ luôn đau đáu gánh lo giữ gìn văn hóa của dân tộc mình, đã phải chứng kiến khu nhà mồ vắng tiếng cồng chiêng, vắng điệu múa xoang; tượng nhà mồ - những tác phẩm điêu khắc dân gian tuyệt đẹp đang dần nhường chỗ cho vườn cà phê hay nhà mới xây. Ranh giới giữa người sống và người chết không còn, những lễ tục mất hẳn sự thiêng liêng. Chị lo, lớp thanh niên Êđê sẽ như cây không gốc khi mô hình “làng” với ràng buộc chặt chẽ bị phá vỡ; từ vi phạm luật tục, người ta sẽ vi phạm pháp luật.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO vinh danh năm 2005, rất nhiều lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên đã được tổ chức ở Gia Lai, ở Buôn Mê Thuột. Lễ hội, dù được sân khấu hóa với qui mô năm bảy chục đội cồng chiêng ưu tú nhất, hoặc diễn ra trong một ngôi làng heo hút nghèo nàn dưới chân núi Ngọc Linh, vẫn luôn đặt ra câu hỏi mới về một di sản văn hóa. UNESCO vinh danh Không gian văn hóa cồng chiêng, là văn hóa rừng và âm nhạc của đời sống gắn liền rừng già Tây Nguyên, với những tộc người chỉ mạnh mẽ nếu phát triển trong nôi văn hóa của chính họ. Giá trị to lớn nhưng vô hình.

Trong khi cái hữu hình nhỏ bé là những bộ cồng chiêng lại trở thành giá trị vật chất hấp dẫn để rồi rời khỏi mái nhà rông, nhà dài vào làm hiện vật “chết” trong các bộ sưu tập đồ cổ. TS Tuyết Nhung chia sẻ: “Bản sắc của một tộc người không đơn giản là đo đếm còn bao nhiêu di sản truyền thống, mỗi buôn làng có bao nhiêu bộ cồng chiêng, mà nhiều khi chỉ là sự cảm nhận. Các nhà nghiên cứu không thể nói hết giá trị đó, bởi lẽ bản sắc đó không thuộc về họ mà thuộc về những tộc người cụ thể - người vừa là chủ thể vừa là sản phẩm của văn hóa đó”.

Chị Tuyết Nhung nuôi ước vọng sẽ đào tạo một lớp trí thức Tây Nguyên kế tục việc nghiên cứu, kế tục tâm huyết gìn giữ bản sắc Tây Nguyên, để cùng với người của các buôn làng truyền dạy đến từng tộc người, cho họ hiểu hết giá trị đích thực của không gian văn hóa cồng chiêng, để bảo tồn đúng cái cần bảo tồn. Đó là bến nước giọt, là mùa lúa vàng rẫy, là đêm kể Khan trên nhà rông, nhà gươl; là những đêm hội mà cồng chiêng của người Ba Na, Êđê, Jrai vang lên thổ lộ ước nguyện của người Tây Nguyên với thần linh...

Phải có không gian văn hóa đó thì giá trị của cồng chiêng mới phát lộ đầy đủ, không gói gọn trong giá trị của âm nhạc và vũ điệu. Những festival cồng chiêng đang tổ chức là một trong những hình thức quảng bá cho giá trị của cồng chiêng Tây Nguyên, nhưng không mang giá trị như một lời cam kết. Không gian văn hóa cồng chiêng cần có môi trường phát triển ngay trong từng buôn làng bé nhỏ đang mong muốn vươn đến cuộc sống mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ước vọng của một tiến sĩ người Êđê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO