Rằng đông thì thật là đông...

HOÀNG YẾN| 21/08/2009 08:23

Cùng với việc nhiều đài truyền hình (TH) dành thời lượng phát sóng và khán giả đã quan tâm đến phim Việt, số đầu phim được sản xuất ngày càng nhiều...

Rằng đông thì thật là đông...

Cùng với việc nhiều đài truyền hình (TH) dành thời lượng phát sóng và khán giả đã quan tâm đến phim Việt, số đầu phim được sản xuất ngày càng nhiều. Những đơn vị truyền thông chưa từng làm phim giờ cũng “vào cuộc” với những dự án “dài hơi”, thế nhưng không khí hậu trường làng phim lại kém vui. Vì sao?

Cạnh tranh hay giành giật?

Thật ra, số đơn vị có thực lực làm phim chỉ chiếm số ít ỏi trong hàng chục nhà sản xuất đem dự án phim đến “chào hàng” các đài. Nhiều đơn vị bằng mọi cách mua được giờ phát sóng ở các đài, rồi thuê đơn vị khác sản xuất hay mời 100% đội ngũ làm phim ở các hãng phim nhà nước. Hãng phim chỉ tồn tại trên danh nghĩa chứ không có máy móc làm phim hay những nhân sự cốt cán như đạo diễn, nhà biên kịch, biên tập. Mỗi khi có dự án, các hãng mời đạo diễn, đạo diễn tập hợp ê-kíp, rồi thuê mượn máy móc và... “kéo quân” đi làm phim.

Cảnh trong phim Gia đình phép thuật

Vì hãng phim không có thực lực nhưng lại muốn giành được hợp đồng hợp tác làm phim với các đài TH nên dẫn tới tình trạng cạnh tranh không lành mạnh: bán tống bán tháo, bán phá giá bản quyền phim. Giám đốc một hãng phim ở TP.HCM lấy ví dụ: Giá mua bản quyền, đài TH ký hợp đồng với các nhà sản xuất hiện nay thường ở mức 200 triệu đồng/tập. Đài trả cho nhà sản xuất bằng thời lượng khoảng 10 spot quảng cáo (chứ không trả bằng tiền mặt). Nhà sản xuất bán thời lượng quảng cáo này cho các công ty quảng cáo hay các nhãn hàng. “Giá làng” khoảng 180 triệu đồng/tập nhưng có đơn vị hạ giá bán còn 140 - 150 triệu đồng/tập, thậm chí thấp hơn nữa để “câu kéo” được nhiều quảng cáo.

Ông Nguyễn Quang Minh - Tổng giám đốc Công ty Cát Tiên Sa nói: “Việc làm phim qua nhiều khâu trung gian đẩy giá thành phim tăng lên không phù hợp với mặt bằng làm phim hiện nay và đôi khi các đơn vị hợp tác lại làm khó cho nhau. Theo tôi, nên quy định thành lập hãng phim là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, như đơn vị có bao nhiêu đạo diễn, cơ sở vật chất ra sao... thì mới được cấp phép”. “Phải cạnh tranh bằng thực lực, chứ cạnh tranh bằng cách đẩy giá thù lao lên cao như vậy là giành giật”, đạo diễn Khải Hưng bức xúc nói.

“Nhà đài” tự…làm khó?

Đạo diễn - NSND Khải Hưng cũng bức xúc trước việc các đơn vị sản xuất phim bị động trong kế hoạch sản xuất phim TH hằng năm. Theo ông, thông tin về việc “nhà đài” cần bao nhiêu tập phim/năm, phát trên những kênh nào, vào giờ nào, cơ cấu đề tài ra sao... cần được đăng tải rộng rãi để nhà sản xuất tiện theo dõi và có kế hoạch hay dự án đầu tư phù hợp.

Bà Huỳnh Thanh Diệu - Giám đốc Hãng phim Gia đình Việt (Vifa) - chia sẻ: “Kế hoạch hoàn chỉnh của việc làm phim là một chỉnh thể thống nhất, bao gồm các khâu liên hoàn, từ đào tạo đến sản xuất và phát hành, nhưng ở ta các khâu này còn rời rạc”. Bà lấy ví dụ, Vifa đang hợp tác với Công ty Chu Thị sản xuất 200 tập phim Gia đình phép thuật, sau đó muốn làm tiếp một bộ phim nữa để phát huy tài năng của các diễn viên “nhí” ở tuổi trưởng thành, nhưng vì không được chủ động kế hoạch sản xuất và không biết “đầu ra” của phim này ra sao nên không dám đưa ra kế hoạch.

Một số đài TH đã nâng giá mua bản quyền phim để nhà sản xuất có điều kiện đầu tư nâng cao chất lượng phim. Tuy nhiên, khi việc làm phim còn “mạnh ai người ấy chạy”, không có sự điều tiết hợp lý từ phía trên hay sự “bảo ban” nhau giữa các nhà sản xuất để cùng hướng tới những bộ phim hấp dẫn, thì chất lượng phim TH vẫn còn phập phù.

Ông Nguyễn Quang Minh nhận định: “Phim TH không chỉ đơn thuần để giải trí mà còn mang những thông điệp văn hóa và có chức năng giáo dục lối sống, đặc biệt đối với thanh niên. Tuy nhiên, tôi thấy còn thiếu sự định hướng của cơ quan văn hóa, thiếu chiến lược phát triển điện ảnh và TH để phim TH đảm đương được những sứ mệnh này. Ngoài sự định hướng, còn cần đầu tư, tổ chức và quy hoạch phát triển phim TH ở cấp Chính phủ, Bộ Thông tin - Truyền thông và giám đốc các đài TH”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Rằng đông thì thật là đông...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO