Phim Việt nhiều phần: Mừng hay lo?

ĐỨC CHU| 10/09/2014 07:00

Ngay cả kinh đô điện ảnh thế giới còn thất bại với hàng loạt phim nhiều phần, thì liệu với những kinh nghiệm non kém hơn nhiều lần, các nhà làm phim Việt Nam có quá tham vọng?

Phim Việt nhiều phần: Mừng hay lo?

Cô dâu đại chiến khơi mào cho hiện tượng phim Việt nhiều phần (thực ra là hai phần). Tín hiệu này cho thấy điện ảnh Việt Nam đang đi theo vết xe của Hollywood. Nhưng ngay cả kinh đô điện ảnh thế giới còn thất bại với hàng loạt phim nhiều phần, thì liệu với những kinh nghiệm non kém hơn nhiều lần, các nhà làm phim Việt Nam có quá tham vọng?

Đọc E-paper

Phim Scandal

Lịch sử điện ảnh Mỹ cho thấy một quy luật rất tự nhiên: phim có doanh thu cao luôn khiến các nhà sản xuất dồn vốn vào các phần tiếp theo. Tuy nhiên, những nhà làm phim cũng thừa hiểu phần phim sau chưa chắc thành công như phần phim trước bởi đơn giản, cho dù có "ăn theo" thì sức nóng cũng hạ nhiệt khi quy trình thực hiện một tác phẩm kéo dài cả năm.

Ở Hollywood, X-Men có lẽ là phim nhiều phần thành công khi phần sau luôn có doanh thu cao hơn phần trước. Chưa kể, nó đã trở thành một thương hiệu và cứ mỗi tập phim, nhà sản xuất lại bổ sung một ngôi sao mới để tạo hiệu ứng cho khán giả. Nhưng dù thay đổi tác giả kịch bản, thậm chí đạo diễn thì những dạng phim như X-Men vẫn bị báo chí đánh giá là bước thụt lùi về chất xám nhưng lại là bước tiến đột phá về công nghệ kỹ xảo.

Tương tự như vậy, nhiều tác phẩm "ăn theo" X-Men với các tập càng về sau càng hoành tráng hơn cũng có những bước tiến bước lùi. Những Twilight, Resident Evil... đã góp phần biến những nhà làm phim Hollywood trở thành các anh thợ làm phim nhưng lười "động não" mà chỉ chắp vá. Bù lại, Hollywood có khái niệm "Sequel", tức đoạn tiếp nối của một câu chuyện, một nhân vật nào đó với hàng loạt phim kinh điển như Bố già, Alien...

Điện ảnh Việt Nam chậm chân rất xa khi đi theo xu hướng làm phim nhiều phần, với Cô dâu đại chiến phần hai ra mắt vào năm ngoái. Bộ phim này tuy đạt doanh thu khá cao (khoảng 40 tỷ đồng) nhưng vẫn để lòi ra những kẽ hở dễ dàng bị chỉ trích. Phim Việt từ lâu đã không xuất sắc về phần biên kịch và dàn dựng, Cô dâu đại chiến mắc cả hai lỗi này dù cho Victor Vũ là một đạo diễn khá chắc tay. Tình tiết gây cười ngô nghê và những lỗ hổng trong diễn biến phim đã khiến nhiều khán giả chán, chả buồn xem.

Sau Cô dâu đại chiến, mới đây, đạo diễn Victor Vũ lại cho ra mắt bộ phim Scandal phần hai với tựa đề Hào quang trở lại. Nói là phần hai nhưng chẳng có gì liên quan, dàn diễn viên được thay toàn bộ, chủ đề vẫn xoay quanh giấc mộng của những nữ minh tinh xinh đẹp. Nhìn chung, Hào quang trở lại chỉn chu và bớt nhàm hơn phim Cô dâu đại chiến phần hai nhưng không tránh khỏi những lối mòn trong cách giải quyết tình huống.

Tựa như việc học hỏi thành công của Hollywood với thể loại "Sequel", nhà làm phim Việt Nam chỉ mới làm phim theo kiểu "anh em", tức là phim trước phim sau chỉ dính líu nhau bởi từ một đạo diễn, từ một cốt truyện na ná... Cả hai phim phần hai của Victor Vũ đều đi theo phong cách này.

Một tên tuổi làm phim giải trí khác là Charlie Nguyễn với bộ phim Để Hội tính của anh cũng ăn theo nhân vật chị Hội trong Để Mai tính mà anh đã xây dựng thành công vài năm trước.

Cái được đầu tiên của việc làm tiếp phần hai, ba cho phim là dù không cần quảng bá rầm rộ, chỉ mỗi tựa phim xuất hiện thôi, người ta cũng sẽ hình dung ra phần nào mình sẽ xem cái gì, và tâm lý nếu phần một đã hay thì phần hai... cũng phải xem cho biết. Điện ảnh Việt đã bắt nhịp được guồng quay này.

Tuy nhiên, đây là trào lưu hay đích thực là xu hướng? Vẫn còn hơi sớm để khẳng định. Nhưng nếu các đạo diễn có ý định làm phim hai, ba phần trong tương lai thì chắc chắn vẫn phải nắm rõ một quy luật khắc nghiệt: khán giả Việt rất mau chán, và người xem sẽ tìm đến những món ăn tinh thần hoàn toàn khác biệt.

Chưa kể việc giữ lại đội hình sản xuất, ê-kíp diễn viên... cho phần hai, phần ba là điều khó tại Việt Nam bởi cỗ máy làm việc còn nhiều trúc trắc. Mà nếu chỉ để chạy theo một thương hiệu có sẵn rồi xào nấu thành món ăn khác thì chỉ nên gọi những tác phẩm trên là "ăn theo" chứ không thể trở thành xu hướng làm phim mới tại Việt Nam. 

>Điện ảnh Việt tìm cơ hội thoát khỏi "vùng trũng"?
>Điện ảnh Việt Nam và giấc mơ xuất ngoại

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phim Việt nhiều phần: Mừng hay lo?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO