Phim Việt: Không lai thì cũng sao chép

BÍCH HỒNG| 28/10/2010 00:06

Ngược lại với sự quảng bá rầm rộ Liên hoan phim quốc tế Việt Nam trên báo, đài, công chúng tỏ ra thờ ơ với điện ảnh và không hề quan tâm đến sự xuất hiện của các nhân vật điện ảnh Việt Nam hay Hồng Kông trên thảm đỏ tại liên hoan.

Phim Việt: Không lai thì cũng sao chép

Ngược lại với sự quảng bá rầm rộ Liên hoan phim quốc tế Việt Nam trên báo, đài, công chúng tỏ ra thờ ơ với điện ảnh và không hề quan tâm đến sự xuất hiện của các nhân vật điện ảnh Việt Nam hay Hồng Kông trên thảm đỏ tại liên hoan.

Bao giờ cho hết "non trẻ"?

Lể bế mạc Liên hoan phim quốc tế Việt Nam lần thứ nhất

Sẽ rất thừa nếu chúng ta cứ ngồi “kể tội” yếu kém của các bộ phim Việt: sự bế tắc đề tài, những phi lý, sống sượng tối nào cũng thấy trên truyền hình. Chúng ta chưa vội nói đến những bộ phim chỉ nhắm đến mức tạm được (về chi phí, về thu hồi chi phí và các yếu tố khác của quá trình làm phim), mà hãy suy nghĩ xem điện ảnh Việt Nam hiện nay đang ở dòng chảy nào?

Những ngày này, báo chí đua nhau đưa tin về các hoạt động tại Liên hoan phim quốc tế Việt Nam, và cũng trích dẫn lời các đạo diễn nước ngoài được mời đến làm giám khảo, những lời lẽ mang tính ngoại giao tránh làm nản lòng chủ nhà. Thế nhưng, số khán giả ít ỏi đứng chờ ngoài thảm đỏ đã phần nào nói lên thực trạng.

Và với tít bài “Cánh đồng bất tận lấy hết nước mắt người xem ở Busan”, mô tả việc khán giả và diễn viên cùng khóc khi xem phim này tại Liên hoan phim quốc tế Busan (Hàn Quốc), báo chí đã làm chúng ta kỳ vọng không ít về bộ phim này. Nhưng sau đó lại là thất vọng não nề khi Cánh đồng bất tận không được xướng tên trao giải.

Chưa kể phim này cũng không bán được cho hãng phát hành phim quốc tế nào, dù mục tiêu của tất cả các hãng sản xuất phim khi dự liên hoan là bán phim đi kèm với tìm giải thưởng. Việc quảng bá “miễn phí” của báo chí cũng làm cho khán giả trong nước bị lạc hướng và sau đó là thất vọng khi xem một bộ phim Việt.

Những ý kiến khách quan của một số đạo diễn nước ngoài rất đáng để chúng ta soi rọi tại sao điện ảnh Việt mãi chịu tiếng “non trẻ”. Còn non trẻ gì khi chúng ta đã có hơn nửa thế kỷ làm phim rồi. Sở dĩ chúng ta dùng từ “non trẻ” là để tránh từ “yếu kém, chậm phát triển” nghe thật đáng buồn mà thôi!

Những giải thưởng quan trọng nhất của Liên hoan phim quốc tế Busan đã lọt phần lớn vào tay nước chủ nhà. Chưa kể nguyên nhân này khác, từ lâu rồi, cả những người hoạt động trong ngành điện ảnh lẫn khán giả Việt Nam đều thán phục sự phát triển của nền điện ảnh Hàn Quốc (HQ). Không hiểu họ đã làm thế nào để có bước chuyển ngoạn mục chỉ trong vòng vài ba thập kỷ.

Ông Jonathan Kim, giáo sư thuộc Học viện Điện ảnh Hàn Quốc, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất phim điện ảnh HQ, phân tích, năm 1996, Tòa án Hiến pháp HQ ra phán quyết tuyên bố việc kiểm duyệt là trái với hiến pháp và hệ thống kiểm duyệt được đổi thành hệ thống phân loại.

Sự kiện quan trọng này đã tạo điều kiện cho các nhà làm phim HQ đưa lên màn ảnh những ý tưởng mới mà trước đây không được phép thực hiện. Và những bộ phim có phong cách phim hành động Mỹ với những cảm xúc đặc trưng của HQ được cộng đồng điện ảnh thế giới chú ý, chiếm giữ vị trí số 1 tại các rạp ở Nhật Bản, Hồng Kông.

Các nhà đầu tư bắt đầu nhảy vào ngành công nghiệp này, rồi chính phủ HQ cũng nhận ra điều này và quyết định đầu tư vốn cho nhiều quỹ điện ảnh khác nhau.

Theo GS. Kim, lý do khiến phim HQ được yêu thích ở châu Á là sự kết hợp hài hòa giữa phong cách Mỹ và Á châu: do văn hóa Mỹ tràn ngập HQ thời kỳ sau chiến tranh với Triều Tiên nên các nhà làm phim HQ có thể thực hiện các bộ phim theo phong cách Mỹ - phong cách mà khán giả thế giới đã quen thuộc nên dễ tiếp nhận, nhưng đưa vào đó những khuôn mặt Á châu và nét tính cách Á châu.

Từ đó phim truyền hình HQ nổi tiếng khắp khu vực, và rất nhiều diễn viên truyền hình HQ đã chuyển sang đóng phim điện ảnh. Thêm vào đó, phim HQ mang đậm bản sắc dân tộc nên rất phù hợp với các nền văn hóa trong khu vực.

Đứng xa mà nhìn

Với cách làm như thế, hiện nay điện ảnh HQ đã gặt hái thành công về mặt thương mại cả ở phương Đông lẫn phương Tây. Nhiều diễn viên HQ đã đặt chân vào kinh đô điện ảnh Hollywood, nhiều studio ở Hollywood đã mua bản quyền làm lại một số phim của HQ và một vài đạo diễn HQ đã giành được giải thưởng ở các liên hoan phim quốc tế.

Nhà làm phim Andre Van, Giám đốc Tổ chức Varan Việt Nam (một tổ chức văn hóa Pháp đào tạo các đạo diễn làm phim theo phong cách điện ảnh trực tiếp), đã có sáu năm làm việc liên tục tại Việt Nam, nhận xét: “Vấn đề của các đạo diễn Việt Nam là hay làm phim theo cách “đứng xa mà nhìn”.

Chúng tôi là người nước ngoài, không hiểu được các vấn đề phim Việt Nam đề cập thì làm sao điện ảnh Việt Nam hội nhập được với thế giới. Các đạo diễn thường bắt phim đi theo suy diễn chủ quan của họ, của nền chính trị, hoặc bị nhà sản xuất đặt hàng chi phối, luôn nặng về tuyên truyền, giáo dục khán giả thay vì kể một câu chuyện chân thực và chuyên nghiệp bằng hình ảnh.

Phong cách làm việc đó trong hơn nửa thế kỷ qua rõ ràng không đem lại kết quả tốt trong bối cảnh phải hội nhập và cạnh tranh hiện nay, đã vậy còn để lại nhiều hệ lụy làm giảm sự phát triển, nhưng lại chậm được sửa đổi”.

Bàn về chuyện kiểm duyệt, ông Andre Van nói: “Guồng máy kiểm duyệt có ở tất cả mọi nơi trên thế giới, từ chính quyền, từ yêu cầu của nhà sản xuất và từ chiếc vé người xem phim mua. Đừng đổ lỗi phim mình dở vì bất cứ lý do nào.

Các bạn hãy theo dõi những bộ phim truyền hình Việt buổi tối, họ đang sao chép kịch bản phim HQ với ước mong cạnh tranh với phim HQ. Còn phim lịch sử? Chẳng phải khán giả Việt đang phê phán các đạo diễn làm phim lai phim Trung Quốc đó sao? Đó không phải là cách làm tốt! Không khó để khán giả nhận ra sự sao chép kém cỏi đó!”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phim Việt: Không lai thì cũng sao chép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO