![]() |
Khán giả đã thật ngậm ngùi trước vẻ ngỡ ngàng của Lê Cát Trọng Lý khi cô được xướng tên nhận giải thưởng Cống hiến âm nhạc 2011 với album ấn tượng nhất trong năm. Trong bối cảnh thị trường khuynh đảo các giá trị nghệ thuật, được nhận giải thưởng với album đầu tay thực hiện trong bốn năm là điều ngoài sức tưởng tượng của cô nhạc sĩ kiêm ca sĩ trẻ này.
>>Kỳ 1: Người trẻ “kháng thuốc” văn hóa
Những dòng nước chảy ngược
![]() |
Lê Cát Trọng Lý là một gương mặt kỳ lạ trong bối cảnh âm nhạc hiện nay. Giới chuyên môn đánh giá cô một mình “lững thững” đi một con đường.
Lững thững là phong cách cô sáng tác, là ý tứ khai thác cuộc sống trong giai điệu, ca từ, là cách chỉ tham gia cầm chừng vài chương trình biểu diễn chọn lọc, sau đó lại lui vào bóng tối.
Cô xuất hiện trên sân khấu đơn giản trong chiếc áo sơmi. Người ta trao giải thưởng âm nhạc, cô cười bẽn lẽn. Người ta chê ăn mặc xấu, cô cười thoải mái. Rồi cô lui về làm công việc của mình, đi học, sáng tác bài mới và tự hát những bài của mình.
Vậy mà gương mặt lạ này trong lặng lẽ đã đột nhiên tạo được một lượng khán giả trẻ yêu thích loại nhạc đậm chất thiền của một người trẻ, thấm đẫm sự suy tư về cuộc sống.
Những con sóng thị trường với những trò lố lăng đứng ngoài cuộc sống âm nhạc của Lý, không bắt được cô ăn mặc thời trang hơn, không chạm vào được những ca từ, những giai điệu trong sáng tác của cô.
Guồng máy PR của âm nhạc thị trường không chạm được vào cô. Cứ thế, sau Chênh vênh (giải nhất Bài hát Việt năm 2008) là một loạt những ca khúc mới được yêu thích như: Cơn bão nghiêng đêm, Giấc mộng lớn, Lúng ta lúng túng, Chuyến xe...
Một gương mặt trẻ khác trong lĩnh vực điện ảnh là đạo diễn Phan Đăng Di cũng đáng để suy ngẫm về một đạo diễn đã lội ngược dòng thảm họa phim Việt Nam để tìm kiếm những giá trị nghệ thuật đích thực anh hướng tới.
Trong khi Bi, đừng sợ! đã đoạt nhiều giải thưởng nghệ thuật quốc tế thì dư luận trong nước lại khá phức tạp, tuy cũng có một số người đánh giá cao nghệ thuật của bộ phim này: “Bi, đừng sợ! có lối tư duy hòa nhập với dòng chảy chung của phim thế giới”.
Có thể thấy rõ đạo diễn Phan Đăng Di luôn đặt vào phim anh làm những quan niệm cá nhân, tìm cho nó ngôn ngữ thích hợp thay vì minh họa cốt truyện theo kịch bản. Sự mạnh mẽ ở đạo diễn trẻ này là thích thể hiện cái mới, không để bất cứ điều gì ràng buộc lấn át sự thể nghiệm ấy.
Bi, đừng sợ! kể về thế giới người lớn đang đối diện với các vấn đề cá nhân của riêng họ dưới mắt một cậu bé sáu tuổi được làm rất trọn vẹn với ngôn ngữ của lứa tuổi lên sáu, biểu cảm, lạ lẫm, thoát hoàn toàn khỏi cái cách kể gượng gạo của điện ảnh trong nước.
Ngay những người trong nghề như đạo diễn Charlie Nguyễn, nhà phê bình điện ảnh Nguyễn Thanh Sơn cũng thừa nhận, lối làm phim của Phan Đăng Di cho cảm giác không sắp đặt, can thiệp, mà chỉ lựa chọn thành công cái gì có sẵn trong cuộc sống.
Chính vì vậy người nước ngoài mới hiểu được ngôn ngữ điện ảnh của Bi, đừng sợ! và trao một số giải thưởng cho phim này.
Và những bài phê bình không lành mạnh
![]() |
Cảnh trong phim: Bi, đừng sợ! |
Nhưng một số người xem trong nước đã kêu ca phim này xem không hiểu, phim không có cốt truyện, chỉ như một lát cắt cuộc sống và để người xem tự cảm xúc qua nghệ thuật.
Một số đạo diễn trong nước thay vì chiến đấu chống lại thảm họa phim Việt đang làm “nhức mắt” khán giả truyền hình mỗi đêm, lại tuyên chiến với Bi, đừng sợ! theo cách phê bình chung chung là cuộc sống trong phim không đại diện cho người Hà Nội.
Đáng lẽ những bài phê bình phải đi vào mổ xẻ học thuật để hướng dẫn và nâng cao khả năng hưởng thụ nghệ thuật điện ảnh cho khán giả thì lại đi vào chê bai chi tiết rất chủ quan, áp đặt. Lối phê bình chung chung cũng là một thảm họa của văn hóa, cố phủ nhận giá trị nghệ thuật mới, cố tình duy trì sự hưởng thụ văn hóa bình dân cho đông đảo người xem.
Là một nhạc sĩ - ca sĩ còn quá trẻ, Lê Cát Trọng Lý khó đứng ngoài những thị phi. Thay vì cổ vũ một tài năng mới hé nở, những tác phẩm của Lý bắt đầu phải chịu sự soi mói, xem cô chịu ảnh hưởng của ai, vì nhất định phải ảnh hưởng từ ai đó mới có thể sáng tác những bài hát “nặng đô” như thế!
Rồi các bậc đàn anh cứ thế phán đoán, nào là nhạc của Lý giống nhạc Trịnh Công Sơn, nào thấy phảng phất hơi hướm nhạc Phạm Duy, nào đánh giá những ca từ cô viết có phần “điên”.
Ở đây thảm họa văn hóa đã thể hiện dưới dạng phê bình, cố tạo một môi trường “dàn hàng ngang cùng tiến”, chứ không cho tài năng nẩy nở vượt trội bằng môi trường nuôi dưỡng nghệ thuật lành mạnh.
Con đường cống hiến âm nhạc của Lê Cát Trọng Lý mới bắt đầu, vì cô không chọn danh và lợi trong giai đoạn khởi động nên dù có biết bao lời chê bai, Lý vẫn tiếp tục kiên trì sáng tác theo phong cách, đề tài phù hợp với mình.
Hai trường hợp nghệ sĩ này đại diện cho một số ít các văn nghệ sĩ trẻ đang cố gắng lội ngược dòng nước, khẳng định sự cống hiến của họ đối với nghệ thuật, hướng đến công chúng trẻ cần được hưởng thụ văn hóa hiện đại có chất lượng.
Với những tác phẩm đầu tay thế này, chắc chắn họ sẽ tiến xa nếu giữ được lòng tin với nghệ thuật. Nhưng điều công chúng cần trên hết là việc xây dựng một nền tảng phê bình, nghiên cứu nghệ thuật ngăn ngừa những biểu hiện văn hóa độc hại và khẳng định được những giá trị mới nảy sinh để kích thích những sáng tạo thật sự cho văn hóa nghệ thuật.
Kỳ 3: Những nỗi lo từ giải thưởng nghệ thuật
Nhạc sĩ Lã Văn Cường: Cái xấu sẽ tự đào thải Nếu chúng ta nói “thảm họa” thì có nghĩa nền âm nhạc Việt Nam đang đứng bên bờ vực thẳm, sắp rơi xuống vực. Hiện nay, có một bộ phận không nhỏ những nhạc sĩ trẻ thờ ơ với các vấn đề xã hội gần gũi xung quanh mình, họ chạy theo lối sống vật chất, sáng tác theo đơn đặt hàng, sai lầm trong định hướng sáng tác nghệ thuật, bởi họ quan niệm âm nhạc phải rộn ràng, càng nhanh chóng được nhiều người biết đến càng tốt. Thay vì sáng tác bằng sự rung cảm của trái tim, thì họ lại sáng tác bằng một cái đầu đầy toan tính, và chính tính háo danh đó đã tạo nên thứ âm nhạc thị trường với các ca khúc chỉ loanh quanh về đề tài yêu đương sướt mướt, nội dung chỉ có vài câu lặp đi lặp lại... Có thể hiểu vấn đề một cách đơn giản, nếu nhạc sĩ không sáng tác các ca khúc như “ném đá vào tai” người nghe, thì công chúng đâu phải nghe một cách bất đắc dĩ. Và nếu ca sĩ không háo danh, không ham tiền, không thích nổi tiếng bằng các “ca khúc tạo sóng thần” thì họ sẽ từ chối không hát. Nhưng tất cả đã bỏ qua giá trị của mình, đã bán đứng tư cách đạo đức nghề nghiệp để tạo ra thứ âm nhạc như thế, và rốt cuộc là công chúng lãnh đủ. Thực ra, thị hiếu thưởng thức nghệ thuật của công chúng, đặc biệt là giới trẻ, rất cần sự định hướng từ những người làm nghệ thuật, bởi giới trẻ là giới đang hình thành nhân cách, nên họ đang làm nhiều “phép thử” cho riêng mình, như: thử khả năng, thử tài năng, thử vượt thoát và thử cả thị hiếu hay gu thưởng thức, mà thị hiếu giới trẻ thì quá dễ thay đổi. Tôi biết những nhà tổ chức chương trình hay những người hoạt động trong lĩnh vực giải trí, nghệ thuật đang đối mặt với bài toán nan giải giữa hiệu quả kinh tế và chất lượng nghệ thuật chương trình. Không phải bây giờ mà thời nào cũng thế, nhưng xu hướng phát triển tất yếu là cái tốt, cái chất lượng sẽ tồn tại, còn cái xấu, cái dở sẽ bị đào thải. Chẳng hạn, cách đây không lâu, album Đơn giản của ca sĩ trẻ Trúc Diễm mặc dù được lăng-xê tới tận mây, nhưng rồi qua đêm gala Album vàng, khán giả mới thực sự ngỡ ngàng và sốc nặng. Hệ quả tất yếu là nó tự biến mất khỏi đời sống âm nhạc... Tường Lam ghi |