Khi nghệ sĩ đồng hành cùng cuộc sống

MINH ĐỨC| 26/05/2016 06:30

Joan Chandos Baez đã chứng minh sức mạnh có thật của nghệ sĩ trong cuộc cách mạng nhân quyền những năm thập niên 1970 - 1980.

Khi nghệ sĩ đồng hành cùng cuộc sống

Sau khi Joan Chandos Baez chứng minh sức mạnh có thật của nghệ sĩ trong cuộc cách mạng nhân quyền những năm thập niên 1970 - 1980, từ đó đến nay, cứ hễ có những biến động xã hội nào xảy ra thì ngay lập tức, văn nghệ sĩ nước ngoài lại sục sôi phát động các chiến dịch với đủ loại quy mô, hình thức.

Đọc E-paper

Lý tưởng sống thời toàn cầu có nhiều vấn đề

Hẳn chúng ta còn nhớ mỹ nhân mắt tím Elizabeth Taylor và hành trình đòi quyền sống cho những nạn nhân của căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Ngân sách của quỹ từ thiện mang tên bà đã lên đến con số hàng trăm triệu USD, thậm chí có giai đoạn Taylor còn nhập lén thuốc chữa HIV vào đầu những năm 1990.

Năm ngoái, tờ Hollywood Reporter thống kê hàng loạt tên tuổi đình đám ủng hộ cộng đồng LGBT (cộng đồng những người đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính và chuyển giới) mà điển hình đều là những thần tượng tuổi thiếu niên (Miley Cyrus, Lady Gaga) với các chiến dịch nho nhỏ nhưng khá hiệu quả trên mạng xã hội, nơi họ có lượng người hâm mộ khổng lồ.

Bên cạnh đó, những Jodie Foster, Ellen Page... mượn bài phát biểu trong các sự kiện văn hóa nghệ thuật cấp quốc gia để công khai giới tính thật, đồng thời kêu gọi lòng cảm thông sâu sắc từ xã hội.

Không chỉ đề cập đến nhân quyền, nhiều nghệ sĩ lớn nhỏ, đang nổi lẫn đã hết thời chọn việc đấu tranh tìm giải pháp cho các vấn đề toàn cầu làm lý tưởng sống. Biểu tượng nước Pháp một thời Brigitte Bardot đột nhiên ngưng theo đuổi nghệ thuật, dù thời điểm 1974 bà nhận được nhiều lời đề nghị phát triển sự nghiệp tại Hollywood. Người hâm mộ phát hiện Bardot chán đóng phim chỉ vì đang theo đuổi mục đích bảo vệ động vật.

Trái ngược với sự đơn độc của Bardot, Tổ chức Cứu trợ hoang dã WildAid làm cả một chiến dịch giải cứu sừng tê giác, ngà voi... với nhiều ngôi sao từ Á đến Âu như Maggie Q, Quách Phú Thành, Lý Băng Băng, David Beckham... thậm chí lan sang cả showbiz Việt như một sự phóng đại có tính thương mại.

Hai năm gần đây, các nghệ sĩ Anh Quốc phớt lờ phong thái lịch lãm vốn có để đồng loạt khỏa thân bảo vệ các sinh vật biển quý hiếm sắp đến hồi tuyệt chủng vì ý thức kém cỏi của con người. Đó là một phần trong tiến trình chào mừng Ngày Quốc tế Đại dương hằng năm (mỗi độ tháng 3) có tên "Fishlove".

Điểm thú vị là không chỉ những nghệ sĩ trẻ, tràn trề nhan sắc, cả những diễn viên kỳ cựu như Mark Rylance, Julie Christie, Judi Dench... dù đã ngoài 60, 70 tuổi vẫn can đảm khỏa thân chụp với đàn cá chết do biến đổi khí hậu, tôm hùm nhiễm độc tố từ chất thải...

Vợ chồng diễn viên Emma Thompson cùng "Fishlove" đầu năm nay.

Ý thức hệ hay trò tô hồng chân dung?

Tờ Forbes từng khách quan nhận định, đôi khi những nghệ sĩ hoạt động xã hội chỉ vì... hư danh! Hoặc đáng tiếc hơn, dù cho họ có thực lòng với việc đang làm thì hiệu ứng truyền thông đến xã hội chỉ như vài bản nhạc buồn phát định kỳ trên sóng radio.

Dễ nhận thấy nhất, ít rủi nhiều may là việc đánh bóng tên tuổi. Chẳng hạn như siêu mẫu đình đám những năm 1990 Cindy Crawford bỗng dưng được chú ý trở lại vào năm 2004 nhờ một quảng cáo tẩy chay các hãng thời trang dùng sản phẩm làm bằng lông thú quý hiếm. Tất cả bắt đầu bằng những hoạt động xã hội có đường đi nước bước cụ thể.

Hai trong những người truyền cảm hứng nhất phải kể đến Angelina Jolie và Leonardo DiCaprio. Jolie từng bảo rằng ban đầu, mọi nỗ lực của cô đều tự phát, không có bất kỳ sự hỗ trợ nào, rồi khi nhận ra mình cần phải tạo ra sự chuyển biến rõ rệt, cô bắt tay với chính phủ, các tổ chức thiện nguyện khi tên tuổi cũng đã bắt đầu được biết đến.

Riêng với Leonardo, có tên trong danh sách 100 nhân vật gây ảnh hưởng nhất thế giới của Time ở thứ hạng cao, những gì nam tài tử này cống hiến cho xã hội phần nào được đánh giá đúng. Nỗ lực trong công cuộc làm phim tài liệu về thảm họa môi trường, sẵn sàng dành 3 phút quý báu khi nhận giải thưởng danh giá Oscar để chia sẻ về các vấn đề toàn cầu. Mới đây, Leonardo thông báo kế hoạch sản xuất phim The Sandcastle Empire với bối cảnh năm 2049 khi con người hứng chịu thiên tai kinh hoàng.

Nhưng đáng kể vẫn là câu chuyện của Sean Penn và 56.000 USD tiền cá nhân để mua nguyên một trang quảng cáo phản đối cuộc chiến Iraq vào năm 2002 trên tờ Washington Post. Không dừng lại ở đó, anh cùng nhiều đồng nghiệp gạo cội như Susan Sarandon, Tim Robbins, Jane Fonda... xuống đường biểu tình tại thủ đô Washington. Dù chẳng đi tới đâu, song sự kiện này một lần nữa cho thấy giới văn nghệ sĩ vẫn có tác động mạnh mẽ tới công chúng.

Ở Việt Nam, vai trò của văn nghệ sĩ trong các vấn đề xã hội cũng tương đối rộn ràng. Mới đây nhất, CHANGE/350.org Việt Nam phối hợp cùng Quỹ Global Greengrants Fund đã cho ra mắt đoạn phim ngắn "Tôi không quan tâm" nói về vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu mà một trong những nguyên nhân hàng đầu đến từ khí thải của các nhà máy nhiệt điện than. Tám nghệ sĩ nổi tiếng: Thanh Bùi, Diễm My, Tiên Tiên, Đỗ Hải Anh, Trọng Hiếu, Hoàng Quyên, Alexander Tú, Bích Ngọc đã góp tiếng nói cảnh tỉnh toàn xã hội về những vấn đề môi trường cấp bách đang ngày càng trở nên nghiêm trọng do sự thờ ơ của con người trong cuộc sống bận rộn hiện đại.

>Bài toán bảo vệ quyền trẻ em trong truyền hình thực tế

>Julien Malland - họa sĩ cứu rỗi những mảng tường vô hồn

>Những chân dung cà phê

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khi nghệ sĩ đồng hành cùng cuộc sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO