Còn nhiều hạt sạn!

CUNG KỲ| 31/12/2008 09:02

Năm 2008 đã khép lại, sau khá nhiều “tường thành” nghệ thuật được cất công gây dựng bấy lâu bỗng sứt mẻ hay đổ vỡ. Và niềm tin của công chúng đối với những giá trị bền vững ấy ít nhiều bị suy giảm. Đây là dịp để nhìn lại và hướng tới một năm mới với những hy vọng.

Còn nhiều hạt sạn!

Năm 2008 đã khép lại, sau khá nhiều “tường thành” nghệ thuật được cất công gây dựng bấy lâu bỗng sứt mẻ hay đổ vỡ. Và niềm tin của công chúng đối với những giá trị bền vững ấy ít nhiều bị suy giảm. Đây là dịp để nhìn lại và hướng tới một năm mới với những hy vọng.

Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu VN 2008 bị phạt

Vụ việc Hoa hậu Thùy Dung chưa tốt nghiệp trung học và những lùm xùm xung quanh cuốn học bạ của tân hoa hậu gây “vết đen” trong lịch sử 20 năm cuộc thi Hoa hậu VN. Thanh tra Bộ VH-TT-DL đã kết luận cuộc thi vi phạm quy chế và Ban tổ chức bị xử phạt chứ Hoa hậu không bị tước vương miện.

“Hậu trường” của thi hoa hậu đã bị phô bày qua vụ việc này khi Ban tổ chức “ngắm” trước người đẹp cho ngôi vị cao nhất và những màn trình diễn trên sân khấu, kể cả ứng xử, chỉ là... phụ.

Vậy là trong năm 2008, sau khi cuộc thi Hoa hậu Du lịch nợ giải thưởng... bị những người đoạt giải lên tiếng khiếu nại thì đến lượt cuộc thi có quy mô nhất, uy tín nhất và có truyền thống nhất là Hoa hậu VN cũng bị... tuýt còi.

Lật tẩy “văn hóa” FPT

Không ít “cư dân” FPT thường tự hào về “vương quốc riêng” với thứ văn hóa “sờ - ti - cô” (STCo, viết tắt của Sáng tác Công ty) đề cao tinh thần tự do sáng tạo. Tạp chí Chúng ta của FPT ra lò mỗi tuần với tinh thần ấy. Sách đỏ STCo bao gồm 4 tuyển tập, trong đó, Giai điệu STCo được xem là chìa khóa làm nên thành công cho văn hóa cộng đồng FPT. Đề cao văn hóa doanh nghiệp và chú trọng đề cao bản sắc riêng, họ tự hào và tuyên bố, FPT “là sự lựa chọn, là điểm đến của thế hệ trẻ VN ngày nay...”.

Thế nhưng, sự cố sinh viên FPT Arena “múa khỏa thân” trên sân khấu giữa đông đảo quan chức FPT và khách mời trong hội diễn kỷ niệm 20 năm thành lập FPT tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia cùng với việc xuyên tạc hàng loạt bài hát cách mạng, cả lời tựa Nhật ký trong tù và Tuyên ngôn độc lập trong sách đỏ STCo gây làn sóng phản ứng khá mạnh mẽ. Thanh tra Sở VH- TT-DL Hà Nội lập xử phạt vi phạm hành chính Ban tổ chức với tổng mức xử phạt... 4 triệu đồng (mức tối đa trong khung xử phạt).

Bài hát Việt... đạo nhạc

Bài hát Việt ra đời được coi là đối trọng để đẩy lùi nhạc chế, nhạc nhái... tràn lan trên thị trường nhưng đến lúc chính nó trở thành... nạn nhân. Ca khúc Mưa của Minh Vương bị cư dân mạng phát hiện “đạo nhạc” Hàn Quốc. Ca khúc này đã nhận giải thưởng Bài hát Việt được yêu thích nhất trong liveshow tháng 7 của Bài hát Việt 2008 nhưng phải trả lại giải thưởng với lý do ca khúc “không phù hợp với tiêu chí của chương trình”(!?).

Nhạc sĩ Anh Quân - thành viên Hội đồng Thẩm định Bài hát Việt 2008 cho rằng, giới “teen” quen tai nghe những bản nhạc vui vui như của nước ngoài, nên một vài nhạc sĩ đã làm ra những sản phẩm như vậy để đáp ứng nhu cầu. Để hạn chế và đẩy lui tình trạng “đạo nhạc”, theo anh, các cơ quan chức năng nên ban hành văn bản quy chuẩn rõ ràng, khoa học để xác định giai điệu, về số nốt, về trường độ, cao độ, hòa thanh... ở mức độ giống nhau thế nào thì bị coi là “đạo”. “

Cái chính vẫn là sự tự trọng và ý thức tự giác của người làm nghề”, anh nhấn mạnh. Việc để một ca khúc “copy” của nước ngoài lọt vào “sân chơi” Bài hát Việt, theo nhạc sĩ Anh Quân, là một tai nạn. Mặc dù Mưa đoạt giải do khán giả bình chọn chứ không phải giải của Hội đồng nghệ thuật, nhưng sự cố này ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín của chương trình.

Đường lên đỉnh Olympia... xuống dốc

Vụ việc liên quan đến entry trên blog của thầy giáo Nguyễn Anh Tuấn, giáo viên trường Phổ thông Chuyên Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang sau khi dự buổi ghi hình trận chung kết tháng Đường lên đỉnh Olympia để phát sóng vào dịp Tết Kỷ Sửu 2009. Câu hỏi đã sử dụng trong các chương trình trước nhưng do thao tác thủ công nên vẫn “lọt” vào bộ câu hỏi thi quý và việc bấm chuông giành quyền trả lời câu hỏi trục trặc gây hiểu nhầm và bức xúc cho người chơi và khán giả tại trường quay. Entry của thầy Tuấn được phát tán rất nhanh trên mạng và gây nên những phản ứng trái chiều trong cư dân cộng đồng mạng.

Có rất nhiều lần tranh cãi, thậm chí là khiếu kiện liên quan đến Đường lên đỉnh Olympia trong 9 năm thực hiện chương trình. Sự cố thì không chương trình nào tránh khỏi, nhưng việc bấm bảng điện tử mà kết quả không hiện lên hoặc trục trặc về hệ thống tính điểm tái diễn khá nhiều lần, không chỉ với Đường lên đỉnh Olympia mà với nhiều gameshow khác của truyền hình, quả là khó hiểu. Việc trả lời đúng đáp án trong khoảng thời gian nhất định mới có ý nghĩa “thi tài” nhưng những trục trặc về câu hỏi và bấm chuông khiến người ta nghi ngờ về kết quả của cả những người dự thi trước đây!

Vụ việc đã được dàn xếp... ổn thỏa. Thầy Tuấn được mời đến thăm quan trường quay nơi ghi hình Đường lên đỉnh Olympia và giao lưu với độc giả trang web của Đài. Thầy Tuấn cũng thay đổi thái độ nhưng hậu trường của một chương trình truyền hình có uy tín tồn tại suốt 9 năm nay đã có dịp bộc lộ.

Linh hồn Việt cộng đánh mất... linh hồn

Cũng liên quan đến hậu trường của các chương trình truyền hình, là vụ việc về bộ phim tài liệu Linh hồn Việt cộng phát sóng trên VTV1 vào dịp 27/7. Sau khi phát sóng, bộ phim nhận được sự đồng cảm từ rất nhiều phía. Nhiều bài báo không tiếc lời ca ngợi. Nhưng chẳng lâu sau đó, các đồng nghiệp làm thời sự ở Đài PTTH Gia Lai đã phát hiện bộ phim phạm sai lầm nghiêm trọng khi dàn dựng, thêm thắt quá nhiều nội dung, cộng với cách nhìn nhận chủ quan của đạo diễn khiến cho câu chuyện phim bị sai lệch hoàn toàn.

Đau xót hơn, cách làm phim “duy ý chí” và không tôn trọng sự thật khách quan dẫn đến một thực tế, những người trong phim buộc phải làm sai với những gì mà đáng lẽ ra họ có thể làm để tìm ra sự thật trong hành trình đi tìm hài cốt liệt sĩ.

Phim tài liệu nói chung và phim tài liệu trên kênh chính luận VTV1 lâu nay vẫn tạo được niềm tin bởi sự thật khách quan được phản ánh và những câu chuyện đầy nhân văn lấy được cảm xúc của người xem. Với Linh hồn Việt cộng, nhà văn Minh Chuyên đã làm sụp đổ niềm tin ấy.

Truyện cổ tích bị biến dạng

Nhà xuất bản Mỹ thuật phát hành hai cuốn Cô bé tí hon, một thuộc Tủ sách Vườn cổ tích, một nằm trong seri Xứ sở diệu kỳ. Tuy nhiên, hai Cô bé tí hon lại khiến các em nhỏ “hoang mang”, bởi nội dung chỉ giống nhau khoảng 70%. Tương tự, hai cuốn truyện cổ tích cùng tựa Ba chú lợn con, một của NXB Kim Đồng, một của NXB Mỹ thuật, mang nội dung không hoàn toàn giống nhau.

Tranh truyện dựng hình Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn (NXB Kim Đồng), không có chi tiết bà hoàng hậu ngồi thêu bên khung cửa, vô tình cây kim đâm vào tay chảy máu, nhìn thấy giọt máu đỏ trên nền tuyết trắng, bà buột miệng: “Ước gì ta có được một đứa con gái da trắng như tuyết, môi đỏ như máu, tóc đen như khung cửa gỗ mun này”, sau đó mới sinh ra Bạch Tuyết...

Truyện tranh dựng hình Tấm Cám (NXB Đồng Nai), lại không có những câu thần chú: “Bống bống bang bang/ Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta/ Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người” hay “Thị ơi thị rơi bị bà/ Bà để bà ngửi chứ bà không ăn”... Việc thiếu vắng những hình ảnh lung linh, huyền ảo - yếu tố quan trọng nhất tạo nên sức hút của một câu chuyện cổ tích khiến nó bị biến dạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Còn nhiều hạt sạn!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO