Cái khó ló... cái sai

QUÝ YÊN - CUNG KỲ| 21/05/2010 06:54

Các nhà sản xuất phim lịch sử cũng như hiện đại đang phải đối đầu với những cái khó và từ cái khó ấy dẫn đến những điều đáng tiếc cả trên màn ảnh lẫn phim trường.

Cái khó ló... cái sai

Thiếu bối cảnh do không biết bảo vệ di sản, do không có trường quay đáp ứng được nhu cầu, mà nếu có thì cũng phải xếp hàng để được quay... Các nhà sản xuất phim lịch sử cũng như hiện đại đang phải đối đầu với những cái khó và từ cái khó ấy dẫn đến những điều đáng tiếc cả trên màn ảnh lẫn phim trường.

Xúc phạm tiền nhân, coi thường hậu bối

Gần một tháng đã trôi qua, kể từ ngày hơn 200 hậu duệ vua nhà Nguyễn trong và ngoài nước về lăng Minh Mạng dâng hương và bị “sốc” khi đến Sùng Ân Điện thì thấy nơi này đã biến thành hậu trường của đoàn làm phim. Nguyên nhân là do long vị, bàn thờ, sập thờ... vua Minh Mạng đã bị chuyển đến một góc phòng. Ở khu vực chánh điện lúc nào cũng thấy treo tấm biển “Cấm sờ vào hiện vật, cấm quay phim, chụp hình” nhằm nhắc nhở khách tham quan, nhưng người trong đoàn phim vẫn dùng máy ảnh cá nhân để chụp chơi và cười đùa thoải mái.

Phim Vó ngựa trời Nam đã phải dùng cảnh trong nước để thể hiện cảnh nước ngoài - Ảnh: Phương Đông

Quá đáng hơn, khu vực thờ vua Minh Mạng còn bị dựng thành căn buồng riêng của vua và hoàng hậu trong phim... Lăng Minh Mạng thuộc quần thể di tích cố đô Huế, nên việc đoàn làm phim Thái sư Trần Thủ Độ di dời không gian thờ tự để phục vụ cho việc quay phim đã khiến không chỉ hậu duệ các vua nhà Nguyễn, mà dư luận cũng hết sức bất bình. Bởi có thể xem đây là hành vi xúc phạm tiền nhân...

Sự “tàn phá” của các đoàn làm phim không chỉ diễn ra với những di tích lịch sử trong khi quay phim lịch sử, mà với phim đương đại cũng thế. Việc các nhà làm phim đến và để lại đống đổ nát sau khi quay phim xong đã trở thành chuyện phổ biến. Chị T.A, chủ một căn hộ đẹp ở quận 7, cho biết, khi đoàn làm phim truyền hình Anh em nhà bác sĩ đến mượn nhà chị làm bối cảnh để ghi hình, chị đã vui vẻ nhận lời.

Thế nhưng, ghi hình xong, đoàn rút đi thì căn hộ mà chị chăm sóc từng chút đã trở nên vô cùng nhếch nhác: tường, gạch nền nhà... trầy xước, dơ bẩn. Sau khi phải sơn lại toàn bộ ngôi nhà, chị không khỏi ấm ức: “Đạo diễn vẫn thường xuyên nhắc nhở, nhưng một số người trong đoàn chả thèm để ý, họ xem nhà mình như phim trường dựng tạm nên vô cùng tự nhiên. Có người chẳng buồn cởi giày, dép trước khi vào nhà...”.

Cùng cảnh ngộ với chị T.A, chủ một quán cà phê khá nổi tiếng ở quận 3, TP.HCM cũng chỉ biết ngậm ngùi chỉnh trang lại quán của mình sau khi lỡ nhận lời cho đoàn làm phim mượn làm bối cảnh cho một số cảnh quay.

Túng quá, hóa liều?

“Bất cứ đạo diễn nào khi mượn không gian ghi hình đều có ý thức giữ gìn cẩn thận, nhưng do đoàn làm phim quá nhiều người nên quan sát không xuể”, đạo diễn Phương Điền giãi bày trước những ca thán về chuyện đoàn làm phim thiếu trách nhiệm với phim trường. Anh cho biết, vì hiện nay khan hiếm phim trường nên các nhà sản xuất phải đi tìm bối cảnh na ná trong phim để mượn ghi hình.

Giải pháp này giúp đỡ tốn công dựng cảnh nhưng bù lại, đoàn làm phim phải cố gắng hết sức để nội dung phim hợp với bối cảnh. Chuyện nhân vật trong phim truyền hình Việt chỉ toàn sống trong những khu biệt thự vắng vẻ, sang trọng cũng vì lẽ đó. “Có khi, đích thân đạo diễn phải đến năn nỉ chủ nhà nhiều lần mới mượn được nhà mà dựng phim”, một đạo diễn chia sẻ.

Tuy nhiên, “ý thức” của đoàn làm phim cũng chỉ ở mức độ nào đó, vì có những cảnh buộc phải làm cho căn phòng, căn nhà... bê bối, cũ kỹ... thì không thể không làm để giữ cho được tính chân thật của bộ phim. Phương Điền kể, có lần, đoàn làm phim quay đến cảnh cha của nhân vật chính qua đời, phải bỏ di ảnh trên bàn thờ của chủ nhà xuống để đưa ảnh diễn viên lên, thế là xảy ra rắc rối. Thậm chí, chủ nhà còn dọa đuổi cả đoàn làm phim, không cho mượn nhà nữa.

Trao đổi với báo chí, đạo diễn Lê Cung Bắc cho biết, kinh phí cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhà sản xuất dù có muốn nhưng cũng phải đầu hàng trong việc đảm bảo tính xác thực cho bối cảnh phim. Điển hình như việc cắt giảm 1/5 kinh phí đã khiến Vó ngựa trời Nam không đủ tiền thực hiện những cảnh quay tại Thái Lan, Campuchia..., thay vào đó, phải ghi hình tại những ngôi chùa, tháp... ở Việt Nam. Cũng may là Vó ngựa trời Nam có dàn hậu cần tốt!

Không đủ điều kiện hạ tầng, có sao dùng vậy nên không khó nhận ra sự vô lý trong bối cảnh của phim Việt. Phim Thái sư Trần Thủ Độ có bối cảnh là thời Lý, nhưng lại ghi hình tại khu vực di tích lăng tẩm của vua nhà Nguyễn nên tất nhiên sẽ khó tránh khỏi những sai lệch lịch sử. Vì phong cách kiến trúc của hai giai đoạn lịch sử cách nhau gần 600 năm này có nhiều điểm khác nhau.

Tương tự, bộ phim truyện nhựa Long thành cầm giả ca (đạo diễn Đào Bá Sơn, Hãng phim Giải phóng), nói về mối tình của đại thi hào Nguyễn Du với người con gái gảy đàn cầm ở kinh thành Thăng Long, quay cảnh phố sá tại khu Bảo tàng phố cổ Hà Nội, mô phỏng theo kiến trúc của Pháp, trong khi truyện phim diễn ra vào thời Nguyễn...

NSND Hải Ninh cho biết, dù đã có khá nhiều phim trường tại Việt Nam nhưng đến nay vẫn chưa có trường quay nào đúng nghĩa trường quay. Đó chính là cái khó khiến đoàn làm phim chỉ chú trọng đến việc thể hiện nội dung mà tạm quên đi bối cảnh. Làm phim thời khó, chuẩn bị chu đáo cho một bộ phim bình thường đã tốn khá nhiều tiền, mất không ít thời gian, huống chi là làm phim lịch sử.

“Phải chuẩn bị nhiều năm, phải chịu khó đầu tư vào khâu thiết kế phim trường thì mới mong có được tác phẩm ưng ý”, ông Hoàng Song Hào, Chủ nhiệm khoa Thiết kế mỹ thuật của Đại học Sân khấu - Điện ảnh, chia sẻ. “Cái khó” này không phải các nhà làm phim và những người có quyền quyết định cho bộ phim được thực hiện không biết, nhưng có đủ lực để khắc phục hay không lại là một chuyện khác!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cái khó ló... cái sai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO