"Bội thực" trò chơi truyền hình

NGUYỄN NGUYỄN| 27/05/2017 06:24

Việt Nam nằm trong top đầu các quốc gia có số lượng trò chơi truyền hình (bao gồm game show, truyền hình thực tế) nhiều nhất thế giới.

Theo số liệu thống kê của Công ty Nghiên cứu thị trường TNS, Việt Nam nằm trong top đầu các quốc gia có số lượng trò chơi truyền hình (bao gồm gameshow, truyền hình thực tế) nhiều nhất thế giới.

Đọc E-paper

Lý giải về việc có quá nhiều công ty truyền thông cũ và mới đổ xô sản xuất trò chơi truyền hình thi tài năng, một giám đốc cho biết, phim truyền hình hết "ăn" do rating thấp và rất ít quảng cáo, phim chiếu rạp thì khó đoán thị hiếu khán giả nên không phải lúc nào cũng thắng, nhưng trò chơi truyền hình cũng không còn được ưa thích như vài ba năm trước.

Nguyên nhân chính là do quá tải. Điều dễ thấy đầu tiên là có quá nhiều trò chơi cũ và mới, từ mua định dạng nước ngoài đến các phiên bản "nhái" hay thuần Việt lấy danh nghĩa tìm kiếm tài năng (chủ yếu là ca hát) làm nội dung và hình thức thể hiện chính, xuất hiện ồ ạt trên sóng truyền hình từ Trung ương đến địa phương.

Chỉ riêng dòng nhạc bolero đã có hàng loạt chương trình như Tình bolero hoan ca, Người hát tình ca, Thần tượng bolero, Solo cùng bolero, Tình bolero, Khán giả cùng bolero..., sắp tới còn có Kịch cùng bolero.

Trò chơi tìm kiếm tài năng nhí cũng có khá nhiều, như Vietnam Idol kids, Giọng hát Việt nhí, Biệt đội tí hon, Gương mặt thân quen nhí, Nhí tài năng, Tuyệt đỉnh song ca nhí, Người hùng tí hon, Siêu nhí tranh tài, Tiếu lâm tứ trụ nhí... Còn trò chơi hài hước có Tiếu lâm tứ trụ, Ơn Giời, cậu đây rồi, Cặp đôi hài hước, Cười xuyên Việt, Thách thức danh hài, Hội ngộ danh hài, Người bí ẩn...

Trước đây chỉ có khung giờ "vàng" (20 - 21h) buổi tối 3 ngày cuối tuần dành cho trò chơi truyền hình thì nay chúng phủ sóng trong khung giờ (18 - 21h) của toàn bộ buổi tối trong tuần trên các kênh HTV7, HTV9, THVL, VTV9, Cần Thơ...

Vì không còn độ "hot" như những mùa đầu, năm nay, 2 chương trình vốn rất ăn khách là The remix - Hòa âm ánh sáng và The voice - Giọng hát Việt sẽ không còn được truyền hình trực tiếp mà đều ghi hình rồi phát sóng, chỉ có một buổi chung kết phát sóng trực tiếp. Còn Vietnam Idol thì không tổ chức nữa.

>>Phim truyền hình mất vị trí vàng?

Cũng vì xuất hiện quá nhiều trò chơi truyền hình nên việc tìm kiếm tài trợ không còn dễ dàng nữa. Bước sang mùa thứ 5, Gương mặt thân quen có chi phí sản xuất là 1,5 tỷ đồng/tập nhưng không có nhà tài trợ, trong khi các mùa trước đều có sự đồng hành của vài ba nhãn hàng lớn. Nhà sản xuất lý giải muốn thỏa sức sáng tạo mà không bị ảnh hưởng bởi ràng buộc của nhãn hàng tài trợ nên quyết định tự đầu tư chi phí sản xuất. Nhưng trên thực tế không phải nhà sản xuất nào cũng đủ lực để chi như thế. Cố gồng để "giữ sóng" vì buông là mất là câu chuyện râm ran trong giới sản xuất trò chơi truyền hình hiện nay.

Tất nhiên, không có tài trợ thì vẫn còn có thể dựa vào lượng spot quảng cáo khi lên sóng. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, các nhãn hàng không còn chi nhiều cho quảng cáo trên sóng truyền hình nữa, mà chia sẻ cho nhiều loại hình khác như YouTube, Google, mạng xã hội... Mức giá 370 triệu đồng cho 30 giây quảng cáo trong tập chung kết Gương mặt thân quen (phát sóng trên VTV3) hồi tháng 6/2014 đã là... "thời xa vắng" đối với tất cả trò chơi "hot" nhất hiện nay.

Thời trò chơi truyền hình nở rộ đã huy động hầu hết nghệ sĩ từ nổi tiếng đến chưa nổi danh ở các lĩnh vực sân khấu, ca nhạc, điện ảnh, người mẫu... tham gia làm giám khảo, huấn luyện viên, người dẫn chương trình, thí sinh, khách mời. Thậm chí, rất nhiều gương mặt mới "chân ướt chân ráo" bước ra từ trò chơi nào đó cũng được phong là "siêu sao" và xuất hiện hết ở chương trình này đến gameshow khác. Thí sinh cũng chạy qua chạy lại, nhẵn mặt ở nhiều chương trình có định dạng na ná nhau.

Bởi trò chơi truyền hình ngày càng xa rời việc tìm kiếm, đào tạo tài năng nên các nhà sản xuất phải dùng chiêu để "câu kéo" khán giả, thu hút quảng cáo. Phổ biến là dùng chuyện đời éo le của thí sinh để khơi gợi sự thương cảm của khán giả, và kể lể đời tư của nghệ sĩ, hay dựng chuyện họ chèn ép, bất hòa, thiếu tôn trọng nhau để tạo scandal gây chú ý với truyền thông và công chúng.

Mới đây, khi bày tỏ sự bức xúc về chuyện Hương Giang Idol và đạo diễn của một trò chơi truyền hình cư xử thiếu văn hóa, nghệ sĩ Trung Dân đã ví: "Nghệ thuật xứ mình giống như dòng sông chảy siết, gameshow là những bụi lục bình trôi nổi trên dòng sông đó. Lục bình cũng trổ hoa nhưng cũng đầy rác hôi dưới những lùm rễ. Nghệ sĩ bám vào những bụi lục bình đó giống như bám vào gameshow. Ai bám bụi lớn thì tồn tại, bám bụi nhỏ thì bị cuốn đi. Dòng nước vẫn chảy, lục bình vẫn trôi". Có lẽ vậy nên dẫu các chiêu trò ngày càng gây nhàm chán, tài năng của thí sinh ngày càng sút giảm, nhưng trò chơi truyền hình vẫn không giảm số lượng.

Tất nhiên, trong số hàng trăm trò chơi truyền hình vẫn có những chương trình đúng nghĩa là "sân chơi" giải trí lành mạnh, giàu tính nhân văn, có giá trị giáo dục. Nhưng tiếc là chúng lại không được truyền thông tung hô, các nhà sản xuất cũng thờ ơ trong việc quảng bá vì nội dung "sạch", thí sinh và nghệ sĩ không phải là tên tuổi để mang đời tư của họ ra "rêu rao", hay đó là những người thường nói "không" với các chiêu trò và scandal.

>>Truyền hình thực tế: Khi "chiêu trò" bị mất kiểm soát

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Bội thực" trò chơi truyền hình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO