Doanh Nhân Sài Gòn sẽ cùng các nhà khoa học nghiên cứu sâu về đạo làm giàu Lương Văn Can

Hồng Nga| 20/11/2022 03:00

Chia sẻ tại buổi ra mắt sách Lương Văn Can trong lịch sử dân tộc và lịch sử doanh nhân Việt Nam ngày 20/11/2022, Tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn Trần Hoàng cho biết sẽ hợp tác cùng các nhà khoa học nghiên cứu sâu hơn về tư tưởng, đạo đức kinh doanh của cụ Lương Văn Can với mong muốn hình thành phong trào Đông du mới trong đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Doanh Nhân Sài Gòn sẽ cùng các nhà khoa học nghiên cứu sâu về đạo làm giàu Lương Văn Can
TS. Lý Tùng Hiếu - tác giả sách, chia sẻ tại sự kiện.

Kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2022), Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Công ty Đường sách TP.HCM tổ chức lễ ra mắt sách Lương Văn Can trong lịch sử dân tộc và lịch sử doanh nhân Việt Nam của TS. Lý Tùng Hiếu. 

Tác giả sách - TS. Lý Tùng Hiếu cho biết, ông xem mỗi người Việt như một sinh thể sống, trong đó đôi chân là gốc rễ, thân thể là cành lá. Trong bối cảnh Việt Nam mở cửa, hội nhập về kinh tế, khoa học và kỹ thuật với thế giới, mỗi người phải mở rộng đón nhận thành tựu văn minh, kỹ thuật hiện đại của thế giới, giống như cành lá phải vươn ra đón nhận nắng gió để quang hợp và thụ phấn. 

-2584-1668922644.jpg
Tổng biên tập Trần Hoàng cho biết sẽ kết hợp cùng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu để có nhiều nghiên cứu sâu hơn về tư tưởng, đạo đức kinh doanh của cụ Lương Văn Can. Ảnh: Thanh Lâm

"Nhưng cũng giống như cành lá phải dựa vào gốc rễ để hút lấy dưỡng chất từ đất đai và khỏi bị giông gió cuốn bay, chúng ta cũng phải đứng vững trên đôi chân của mình, trên mảnh đất của mình. Đôi chân ấy chính là văn hóa của mỗi cá nhân, và mảnh đất ấy chính là văn hóa Việt Nam. Vì vậy, mỗi người cần phải học hỏi để nâng cao văn hóa cá nhân, và để biết văn hóa Việt Nam là gì, biết cái gì còn hữu ích cần được giữ gìn, cái gì đã lỗi thời cần đào thải để dành chỗ cho các thành tựu văn minh, kỹ thuật hiện đại hơn", ông Hiếu lý luận. 

Cũng theo TS. Lý Tùng Hiếu, trong kinh doanh, nếu các doanh nhân không bị vấp ngã, thất bại và lấy lợi nhuận, danh tiếng, thị phần làm đích đến thì sẽ dễ lãng quên mục tiêu hoài bão ban đầu. Đó là không chỉ kinh doanh cho gia đình mà còn đóng góp cho xã hội, cho đất nước. Nếu chúng ta thành danh, thành đạt mà vẫn nhớ hoài bão ban đầu là rất đáng quý. Cụ Lương Văn Can là một trong những chí sĩ đầu tiên nhắc nhở các doanh nhân về “tâm đạo công bình”. Nghĩa là phải cân bằng lợi ích cá nhân đạt được qua kinh doanh và lợi ích xã hội.

Dù sách viết về một danh nhân lịch sử thế kỷ XIX, nhưng TS. Lý Tùng Hiếu tin rằng nội dung sách gắn kết chặt chẽ với hành trình của đất nước hôm nay, giúp cho những dòng chảy của hiện thực tiếp tục được mở rộng, lấp đầy bởi "nguồn nước giàu dinh dưỡng của hôm qua". 

Chia sẻ tại lễ ra mắt, Tổng biên tập Trần Hoàng cho biết ông rất vui khi cùng với TS. Lý Tùng Hiếu ra mắt sách Lương Văn Can trong lịch sử dân tộc và lịch sử doanh nhân Việt Nam. Hơn 20 năm qua, Doanh Nhân Sài Gòn luôn lấy tôn chỉ của cụ Lương Văn Can "Cùng doanh nhân - Vì doanh nhân" làm kim chỉ nam cho hoạt động của mình.

Tạp chí đã cổ vũ đội ngũ doanh nhân, DN TP.HCM và cả nước đóng góp tích cực vào việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động và các vấn đề an sinh xã hội, góp phần trong xóa đói giảm nghèo, phát huy tinh thần dân tộc và ý thức trách nhiệm với xã hội…

gia-dinh-cu-LVC.jpg
Ông Lương Trung Chính - cháu cố Cụ Lương Văn Can (trái)  tặng hoa cho tác giả

Cũng theo ông Trần Hoàng, cuốn sách rất cần cho DN khởi nghiệp và cả doanh nhân hiện nay. Thời gian tới, Tạp chí sẽ kết hợp với các tiến sĩ và nhà nghiên cứu có nhiều nghiên cứu sâu hơn nữa về tư tưởng đạo đức kinh doanh của cụ Lương Văn Can và công bố quốc tế để hình ảnh của cụ, các quan niệm về "thương đức, thương tài" của cụ được lan tỏa sâu rộng trong đội ngũ doanh nhân, DN, thúc đẩy hình thành nên một lớp doanh nhân, DN mới có thể sánh vai cùng các nước.

"Như phong trào Đông Du ngày trước, cụ Lương Văn Can không những cống hiến trí tuệ, sức lực mà cả san nghiệp của mình cho phong trào. Học tập tư tưởng của cụ, sau 100 năm, chúng ta cần hình thành phong trào Đông du mới trong đội ngũ doanh nhân, DN, qua đó góp phần đưa hình ảnh doanh nhân, DN Việt sánh vai cùng các doanh nhân, DN trên thế giới", Tổng biên tập Trần Hoàng nhấn mạnh. 

-4020-1668922644.jpg
Tổng biên tập Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn Trần Hoàng trao tặng sách Lương Văn Can trong lịch sử dân tộc và lịch sử doanh nhân Việt Nam cho đại diện Đại học Nông Lâm, TS. Trần Đình Lý - Phó hiệu trưởng trường
Thời gian qua, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đã ra mắt Tủ sách Doanh nhân Việt Nam tại 12 trường đại học nhằm giới thiệu những cuốn sách do doanh nhân viết và sách viết về doanh nhân Việt Nam đến đông đảo nhà nghiên cứu, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên, học sinh quan tâm đến lĩnh vực kinh doanh. 
Tại lễ ra mắt sách sáng 20/11/2022, Tạp chí đã trao tặng thêm cuốn sách Lương Văn Can trong lịch sử dân tộc và lịch sử doanh nhân Việt Nam để bổ sung vào tủ sách doanh nhân của các trường.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh Nhân Sài Gòn sẽ cùng các nhà khoa học nghiên cứu sâu về đạo làm giàu Lương Văn Can
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO