Công ty CP Thế Giới Di Động mới đây công bố hợp tác với PT Erafone Artha Retailindo (Erafone) - một công ty con của Tập đoàn Erajaya thành lập liên doanh PT Era Blue Elektronic, đẩy mạnh kinh doanh tại thị trường Indonesia. Cửa hàng Era Blue đầu tiên dự kiến mở cửa phục vụ khách hàng giữa năm 2022 tại Jakarta.
Theo ông Nguyễn Đức Tài, năm 2021, dịch bệnh buộc Thế Giới Di Động đóng cửa hàng loạt cửa hàng trong nước nhưng doanh thu vẫn đạt khoảng 5 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2020. Thị trường nội địa tăng trưởng tốt cộng với hiệu quả từ mô hình kinh doanh tại Campuchia, DN này quyết định đẩy mạnh phát triển thị trường nước ngoài, trước mắt là thâm nhập các quốc gia lân cận.
Trong năm 2021, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng nhiều "ông lớn" của Việt Nam vẫn đổ vốn ra nước ngoài. Điển hình, Vingroup đã đầu tư vào 4 dự án với tổng vốn 448,5 triệu USD, trong đó tại Mỹ được đầu tư thêm 300 triệu USD. Hiện DN này đang mở rộng kinh doanh tại các thị trường Mỹ, Canada, Pháp, Hà Lan, Đức, tập trung đầu tư vào lĩnh vực ô tô với mục tiêu từng bước đưa VinFast trở thành hãng ô tô điện thông minh toàn cầu.
Vinamilk năm ngoái đã liên doanh với Del Monte thành lập công ty phân phối sữa tại thị trường Philippines. Theo lãnh đạo Vinamilk, chỉ sau hai tháng, trong điều kiện giãn cách xã hội, sản phẩm của Vianmilk đã thâm nhập thị trường Philippines và được đón nhận tích cực, doanh thu năm đầu tiên đạt gần 9 triệu USD với tiềm năng tăng trưởng trung hạn khoảng 50%/năm.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hai tháng đầu năm 2022 đã có 21 dự án của các DN đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn 51,7 triệu USD được cấp phép, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước. Các DN đã đầu tư ra nước ngoài ở 10 ngành nghề, trong đó ngành khai khoáng dẫn đầu với một dự án 33,54 triệu USD, ngành bán buôn, bán lẻ đứng thứ hai với 8 dự án tổng vốn 15,1 triệu USD, kế đến là các ngành tài chính, ngân hàng, vận tải, kho bãi...
DN đầu tư ra nước ngoài không chỉ tập trung ở những thị trường truyền thống, mà còn mở rộng ở nhiều thị trường lớn. Trong đó, Mỹ được đánh giá là thị trường tiềm năng, đặc biệt là khi Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ.
Đầu tư ra nước ngoài đã mang lại nhiều lợi ích cho DN Việt Nam như mở rộng thị trường, tăng doanh thu, lợi nhuận, tăng thêm kinh nghiệm tiếp cận khách hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh. Không chỉ vậy, hoạt động này còn giúp DN có cơ hội khai thác các nguồn lực tại nước ngoài, uy tín thương hiệu DN cũng được xác lập trên trường quốc tế.
Luật Đầu tư năm 2021 đã có những sửa đổi, bổ sung hỗ trợ DN mở rộng đầu tư ra nước ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng hội nhập quốc tế. Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Chính phủ thúc đẩy đàm phán, sớm ký kết các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư với một số nước, tạo khuôn khổ pháp lý, thúc đẩy hợp tác đầu tư thuận lợi, an toàn và hiệu quả. Bộ này cũng kiến nghị Chính phủ giao cơ quan chức năng rà soát, đánh giá xu hướng đầu tư ra nước ngoài ở một số lĩnh vực để tránh rủi ro.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư ra nước ngoài (VAFIE), việc khuyến khích, hỗ trợ DN đầu tư ra nước ngoài rất quan trọng, bởi đây là cách xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt Nam tốt nhất, từ đó góp phần tạo chuỗi cung ứng trong và ngoài nước liền mạch và DN Việt Nam sẽ bắt tay với DN nước ngoài với tâm thế bình đẳng. Vì vậy, chính sách dành cho DN sắp tới đây phải tạo điều kiện tốt hơn đối với những DN lớn thay vì dàn đều hoặc ưu ái DN FDI như hiện nay.