Doanh nghiệp trong nước cần làm chủ thị trường nội địa

SƠN HẢI| 04/02/2009 00:15

Nhiều năm liền, doanh thu bán lẻ hàng hóa ở thị trường TP.HCM đều trên 230.000 tỷ đồng, tăng trung bình trên 20%. Còn cả nước với 84 triệu dân sẽ là một thị trường hấp dẫn cho những tập đoàn phân phối hàng hóa lớn trên thế giới.

Nhiều năm liền, doanh thu bán lẻ hàng hóa ở thị trường TP.HCM đều trên 230.000 tỷ đồng, tăng trung bình trên 20%. Còn cả nước với 84 triệu dân sẽ là một thị trường hấp dẫn cho những tập đoàn phân phối hàng hóa lớn trên thế giới.

Không những thế, khảo sát cho thấy gần 80% người tiêu dùng có nhu cầu mua hàng chất lượng trung bình vì phù hợp với túi tiền. Đây quả là một lợi thế rất lớn cho các nhà sản xuất và phân phối hàng hóa. Nhưng chúng ta đã chính thức mở cửa thị trường bán lẻ theo cam kết khi gia nhập WTO.

Cũng theo khảo sát của cơ quan chức năng, trong hệ thống siêu thị do các doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp nước ngoài quản lý, trừ những loại hàng hóa điện tử, điện máy cao cấp còn là hàng ngoại nhập, hầu hết các loại hàng hóa tiêu dùng thông thường đều do các doanh nghiệp trong nước sản xuất hoặc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam cung cấp cho các hệ thống siêu thị này. Chắc chắn, nhu cầu của người tiêu dùng sẽ ngày càng đa dạng và phong phú hơn, khi có các chính sách hậu mãi.

Cùng với đầu tư làm hàng xuất khẩu, thương mại nội địa có vai trò rất quan trọng góp phần vào việc tăng trưởng nhanh và bền vững của nền kinh tế. Nhưng nhìn tổng thể, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam còn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa đầu tư đúng mức cho nghiên cứu thị trường, cho máy móc thiết bị, công nghệ.

Hàng hóa cũng chưa có sự cạnh tranh về giá, hình thức và mẫu mã. Hoạt động tiếp thị còn yếu, đặc biệt là trong khâu tổ chức hệ thống phân phối. Mới đây, theo khảo sát của Sở Khoa học và Công nghệ, các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM chỉ có 1% doanh nghiệp đạt trình độ công nghệ tiên tiến, 4% đạt mức khá, 8% trung bình khá, 36% trung bình. Còn lại, có đến 51% ở mức yếu.

Tuy chưa phản ánh đầy đủ toàn cảnh tình trạng công nghệ của các doanh nghiệp nhưng với các khu chế xuất - khu công nghiệp mà trên 50% doanh nghiệp có trình độ công nghệ ở mức yếu thì rõ ràng khó có thể cho ra sản phẩm chất lượng cao. Chúng ta đang vận động người Việt dùng hàng Việt, nhưng để khơi dậy tinh thần này trong người tiêu dùng cần có một chiến lược dài hạn và có các giải pháp đồng bộ.

Mà một trong những điều có ý nghĩa tiên quyết là phải mạnh dạn đầu tư cho máy móc thiết bị và công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm. Người tiêu dùng chỉ chấp nhận hàng hóa chất lượng phù hợp với giá cả và có chính sách hậu mãi chu đáo, bảo đảm quyền lợi người sử dụng.

Trong điều kiện khó khăn hiện nay, cùng với kích cầu đầu tư và kích cầu tiêu dùng thì việc ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp là rất cần thiết. Các chính sách về kích cầu đầu tư và kích cầu tiêu dùng càng cụ thể, chi tiết, công khai, minh bạch sẽ càng dễ đến được với doanh nghiệp.

Cần hạn chế tình trạng thiếu đồng bộ trong triển khai thực hiện. Với những loại hàng hóa mà trong nước sản xuất tốt, chất lượng ổn định thì buộc các cơ quan, tổ chức, đơn vị khi mua sắm bằng tiền ngân sách, nhất thiết phải dùng hàng do trong nước sản xuất. Có như vậy mới khuyến khích và đẩy mạnh được phong trào người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp trong nước cần làm chủ thị trường nội địa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO