Xúc tiến du lịch: Có gì bán nấy

KHẢI LY| 06/05/2010 08:28

Gần đây, Tổng cục Du lịch đã tăng kinh phí hỗ trợ xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam ở nước ngoài.

Xúc tiến du lịch: Có gì bán nấy

Gần đây, Tổng cục Du lịch đã tăng kinh phí hỗ trợ xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam ở nước ngoài. Thế nhưng những lời ca thán vẫn cứ rộ lên, nào là thiếu chuyên nghiệp, nào là kinh phí hạn hẹp... cho thấy rằng tiền hoặc đã đi không đúng địa chỉ, hoặc tiền không phải là vấn đề quan trọng nhất.

Xúc tiến du lịch mùa Xuân đâu chỉ là chuyến đi tìm khách cho mùa Thu và những lễ lớn cuối năm, hay tranh thủ vớt thêm ít khách quốc tế cho mùa thấp điểm kéo dài suốt mùa hè. Xúc tiến du lịch là công việc gần như cuối cùng sau khi đã chuẩn bị những công việc cấp thiết, sau khi đã có kế hoạch dài hạn hơn rất nhiều.

Bãi biển Đà Nẵng, điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước

Tại các hội nghị về phát triển du lịch gần đây, các công ty lữ hành, đơn vị quản lý du lịch cấp quốc gia hay địa phương đều đã hiểu rằng, du lịch không thể chỉ mang cái tên là Huế, Hội An hay mang tên của một đơn vị lữ hành dù có thương hiệu như Saigontourist và thậm chí là mang tên quốc gia Việt Nam.

Bởi vì, đến một quốc gia cũng không thể trở thành một điểm đến nổi tiếng nếu thiếu sự liên kết giữa các DN (doanh nghiệp), giữa các địa phương, giữa các quốc gia cùng khu vực. Tuy nhiên, khi tham gia các hoạt động ở cấp độ quốc tế rộng lớn thì khâu xúc tiến du lịch của Việt Nam còn rất nhiều sai lầm và lãng phí vì thế cũng lớn hơn.

Ông Nguyễn Quốc Thành, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thông tin và Du lịch Thừa Thiên Huế mới đây cho hay, có thời gian trong ngành du lịch Việt Nam rộ lên đón khách du lịch Nga. Các địa phương, DN háo hức đổ tiền vào các chương trình xúc tiến, quảng bá tại thị trường Nga mà chưa thật sự biết chân dung khách du lịch Nga là ai! Sau đó thì nhiều DN kêu: “Làm tour cho người Nga quá khó!”. Kết quả là, sau khoảng 8 năm xúc tiến du lịch vào thị trường này, nguồn khách Nga không hề khả quan khiến nhiều DN phải bỏ cuộc.

Hay chuyện du khách Trung Quốc “lơ” Huế và Hội An cũng có nguyên nhân tương tự. Hai di sản văn hóa thế giới này không hấp dẫn người Trung Quốc vào miền Trung. Trong khi khó khăn này chưa có sự nghiên cứu thấu đáo, thì hằng năm các công ty du lịch miền Trung vẫn đổ kinh phí vào các hội chợ ở Hồng Kông và Trung Quốc với những hình ảnh cũ và sản phẩm na ná nhau.

Số khách Trung Quốc tụt hẳn so với cách đây 5 năm, nhưng Tổng cục Du lịch đã phát động và đưa ra kế hoạch phải xúc tiến lại thị trường này để phát triển du lịch đường bộ. Các hội thảo gần đây nhất chưa thấy có thông tin gì về chính sách kích cầu, về sản phẩm đặc thù hoặc một chiến lược nào từ cấp Tổng cục đến các địa phương để phát triển nguồn khách Trung Quốc. Nhưng việc xúc tiến, quảng bá thì vẫn tiến hành.

“Xúc tiến xong phải giám sát” - đó là kinh nghiệm của Công ty Du lịch Vitour. Ông Cao Trí Dũng, Phó tổng giám đốc công ty này cho biết, khách du lịch Thái Lan đổ sang Việt Nam theo Hành lang kinh tế Đông Tây vào năm 2007, nhưng ghi nhận của ngành du lịch cho thấy nguồn khách này sụt giảm liên tục trong năm 2009.

Các tỉnh Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam liên tục tổ chức các đoàn giới thiệu lưu động tại Thái Lan, quảng cáo hình ảnh Hội An, Huế tại sân bay Bangkok để lấy lại... số lượng khách cũ đã mất. Trong lúc đó, nhiều công ty du lịch Việt Nam và Lào hoạt động “chui”, làm ăn chụp giật, giảm chất lượng tour bị khách phàn nàn, thiếu hướng dẫn viên biết tiếng Thái Lan nên để mặc cho người Lào tự thuyết minh tại các nơi tham quan không đúng quy định.

Càng xúc tiến quảng bá, khách càng giảm. Đó là hậu quả của lối làm ăn “đầu năm lo tìm khách cuối năm” chứ không có tầm nhìn từ 4 - 5 năm để có thể quy hoạch phát triển đồng bộ từ chính sách đến hạ tầng và cuối cùng là có chiến lược xúc tiến du lịch tìm thị trường mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xúc tiến du lịch: Có gì bán nấy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO