Vì sao người Việt Nam “sùng bái vàng”?

05/06/2013 07:06

Ngân hàng Standard Chartered lý giải vì sao nhu cầu vàng Việt Nam thuộc hàng lớn nhất thế giới.

Vì sao người Việt Nam “sùng bái vàng”?

Hôm nay (5/6), bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng Standard Chartered công bố bản báo cáo về thị trường vàng Việt Nam với tựa đề: “Việt Nam - Sùng bái vàng”.

Tựa đề đó được dẫn chứng ở những số liệu và đánh giá đáng chú ý.

Theo Standard Chartered, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang gặp phải thách thức trong việc giảm thiểu những tác động tiêu cực của việc nắm giữ vàng với số lượng lớn lên nền kinh tế.

Cụ thể, Việt Nam là quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ 4 tại châu Á sau Ấn Độ, Trung Quốc và Thái Lan. Điểm đặc biệt ở Việt Nam đó là vàng, USD và tiền đồng đều được sử dụng rộng rãi như tiền tệ.

Vàng vừa được dùng như một loại tiền, vừa như một phương tiện cất giữ, trong một số trường hợp, vàng thậm chí còn được coi trọng hơn cả tiền giấy.

Trong suốt quá trình lịch sử, vàng luôn có một sức hấp dẫn đặc biệt với người Việt Nam, được sử dụng rộng rãi cho mục đích đầu tư và là phương thức thanh toán thay thế tiền mặt trong những giao dịch lớn.

Trong những năm gần đây, vàng còn được sử dụng như một biện pháp chống lại lạm phát và suy thoái kinh tế thế giới.

Theo Ngân hàng Standard Chartered, nguyên nhân khiến nhu cầu vàng tại Việt Nam ở mức cao trước hết là từ yếu tố văn hóa. Nhiều người coi vàng là một phương tiện tích lũy đáng tin cậy và vẫn tiếp tục mua vào dù giá cả bất ổn.

Qua khảo sát với những người trong cuộc, bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng Standard Chartered cho rằng, phần lớn người dân Việt Nam giữ vàng miếng và trang sức bằng vàng tại nhà, chỉ một lượng vàng nhỏ được gửi tại ngân hàng.

Còn theo ước tính của Hiệp hội Vàng thế giới, tổng lượng vàng tích trữ tại Việt Nam hiện đạt khoảng 1.000 tấn, tương đương 45% GDP, trong khi đó, tại đa số các nước khác trên thế giới, tỷ lệ này chỉ đạt dưới 3% GDP.

Thứ hai, lạm phát quá nhanh trong những năm gần đây đã khiến người Việt lao vào giữ vàng. Chỉ trong vòng 5 năm, Việt Nam đã phải đối mặt với hai đợt lạm phát cao. Tỷ lệ lạm phát đạt đỉnh 23% vào tháng 8/2011, và Việt Nam đã phải mất gần một năm để đưa tỷ lệ này xuống dưới 10%.

Nắm giữ vàng như hầm trú ẩn an toàn trước những rủi ro lạm phát và tác động do sức mua sụt giảm được coi là một biện pháp hữu hiệu để bảo vệ tài sản.

Cũng có chung nhận định như vậy, những người sở hữu đất trước đây thường định giá đất bằng vàng (song song với VND) nhằm tránh tình trạng mất giá.

Một nguyên nhân khác được Ngân hàng Standard Chartered nhấn mạnh là do thiếu niềm tin vào đồng nội tệ, người Việt trở nên ưa chuộng vàng và USD.

Kể từ cuối năm 2008, tiền đồng đã bị mất giá 23% do áp lực lạm phát và nền kinh tế có vị thế yếu trên trường quốc tế. Điều này đã là suy giảm niềm tin và nhu cầu đối với đồng nội tệ, dẫn đến tiền đồng đã yếu càng trở nên yếu hơn.

Bài học mà người Việt rút ra được từ giai đoạn khắc nghiệt này đó là nên nắm giữ các loại “tiền tệ mạnh”, như vàng và USD.

“Những yếu tố này đã khiến cho nhu cầu vàng của Việt Nam cao nhất thế giới”, bản báo cáo kết luận.

Với thực tế trên, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước gặp phải thách thức trong việc giảm thiểu những tác động tiêu cực của việc nắm giữ vàng với số lượng lớn lên nền kinh tế. Và vàng đã tạo nên nhiều rủi ro.

Đó là khi niềm tin đặt vào vàng và USD cao hơn so với tiền đồng đã làm suy yếu vai trò của đồng nội tệ và dẫn đến những rủi ro đối với hệ thống kinh tế Việt Nam.

“Theo chúng tôi, những thách thức lớn nhất mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang phải đối mặt đó là làm giảm vai trò của vàng và USD trong các giao dịch nội địa cũng như vai trò của một phương tiện tích trữ và khuyến khích sử dụng tiền đồng như một loại tiền tệ chính. Cần thiết phải có một đồng nội tệ mạnh để hỗ trợ kiềm chế lạm phát và tăng cường niềm tin đối với nền kinh tế”, bản báo cáo đưa ra nhận định.

Bên cạnh đó, sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế đã gây ra tình trạng đầu cơ, buôn lậu vàng và hình thành nên một thị trường “chợ đen”… khiến giá vàng nội địa tăng cao và gây bất ổn kinh tế.

Một rủi ro nữa từ vàng được nhìn nhận ở những tác động tiêu cực lên cán cân thương mại và tỷ giá.

Dẫn nguồn từ Ngân hàng Nhà nước, báo cáo của Ngân hàng Standard Chartered cho biết Việt Nam nhập khẩu khoảng 100 tấn vàng (tương đương 4,4 tỷ USD) mỗi năm, chiếm 5% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Nhập khẩu vàng được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhập siêu và suy yếu cán cân thanh toán trong những năm gần đây, từ đó đặt áp lực mất giá lên tiền đồng. Kể từ năm 2009, các nhà chức trách đã 5 lần hạ giá đồng nội tệ trong bối cảnh cán cân thanh toán suy giảm và lạm phát tăng cao.

Để hạ nhiệt các cơn sốt vàng, hạn chế những tác động của nó đối với kinh tế vĩ mô, từ năm 2008 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã lần lượt đưa ra nhiều giải pháp, như hạn chế lượng cung qua giới hạn nhập khẩu, kiểm soát rồi ngừng huy động và cho vay vàng; và gần đây là việc triển khai Nghị định 24 với độc quyền xuất nhập khẩu và sản xuất vàng miếng, tổ chức đấu thầu…

Tuy nhiên, bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng Standard Chartered vẫn quan ngại về tính hiệu quả của những biện pháp được áp dụng gần đây.

Đó là lượng cung vàng nội địa vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, thể hiện qua việc khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục duy trì ở mức cao. Do nguồn cung không đủ và tâm lý ưa chuộng vàng của người tiêu dùng, giá vàng nội địa trong những năm gần đây luôn cao hơn giá vàng quốc tế.

“Theo ước tính của chúng tôi, kể từ phiên đấu thầu đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế đạt trung bình 250 USD/oz, cao hơn 30% so với thời điểm trước đó. Trong khi đó, sự chênh lệch này tại các nước khác chỉ khoảng 1-10 USD/oz”, bản báo cáo đưa ra số liệu so sánh.

Mặt khác, hiện Ngân hàng Nhà nước đang dùng vàng dự trữ ngoại hối để đấu thầu, đồng thời nhập khẩu một lượng vàng tương đương để duy trì dự trữ ngoại hối.

Quan ngại đưa ra trong bản báo cáo là, điều này rốt cuộc lại làm giảm dự trữ ngoại hối do các ngân hàng trong nước chỉ có thể dùng VND để mua vàng từ Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, điều này còn đặt áp lực giảm giá lên tiền đồng.

“Các biện pháp hiện hành sẽ chỉ có tác động đến thị trường trong ngắn hạn. Thúc đẩy sự ổn định của nền kinh tế, cải thiện niềm tin vào tiền đồng và làm giảm nhu cầu về vàng sẽ đóng vai trò quan trọng nhằm bình ổn thị trường vàng nội địa trong dài hạn”, báo cáo của Ngân hàng Standard Chartered đưa ra khuyến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vì sao người Việt Nam “sùng bái vàng”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO