Về lại chốn quê

HỒNG BÍCH| 26/12/2015 06:49

Nhổ cỏ, tưới cây, vào bếp nấu với thức ăn tươi xanh quả là cảm giác lạ sau một tuần quay vòng với những bữa ăn từ thực phẩm đông lạnh bán ở siêu thị.

Về lại chốn quê

Khi nhận quyết định nghỉ hưu, chị cảm nhận xung quanh, từ đồng nghiệp đến các con đều nhìn chị như nhìn người bị ốm, thương mến và thận trọng! Chị ngán ngẩm nghe hàng xóm rủ nhau lên phường lãnh lương hưu.

Đọc E-paper

Sau những đêm giấc ngủ chập chờn, chị bỗng thấy nhớ quê kiểng, nhớ quặn thắt đến mức phải ra đứng ngó mông lung sang ban công nhà hàng xóm ngắm mấy nhành hoa giấy vì nhà trong hẻm đổ bê tông, một cọng cỏ cũng không mọc nổi.

Thoắt cái đã bốn năm trôi qua. Chị về quê, và bỗng kinh ngạc sao bấy nhiêu năm mải miết thị thành không nhận ra nền nhà xưa nhiều lạnh lẽo, vườn xưa nhiều xơ xác thảm thương. Những chuyến đi về quê ngày một dày, rồi chị ở hẳn vài tháng. Các con về thăm ngạc nhiên thấy mọi thứ bắt đầu thay đổi ở vườn nhà.

Những cây cũ vẫn còn nhưng được chăm sóc kỹ hơn. Bọn gà con chạy lung tung khắp vườn cũng làm bọn trẻ con thích thú rượt đuổi suốt ngày, không đòi về phố. Rồi các con nghe bố mách mẹ cũng chơi Facebook dữ lắm. Hóa ra tất cả hình ảnh vườn tược, rau củ, gà qué đều được mẹ đưa lên mạng, đều thành "thực phẩm sạch" được bạn bè đặt mua hết.

Cuộc sống của chị không còn khoảng lặng. Khách hàng của chị thích thú theo dõi số rau củ họ đặt mua riêng đã phát triển ra sao qua các hình ảnh chị đưa lên. Cà chua lớn chừng này, rau cải diếp đã lên xanh vừa ăn, và họ đặt "lệnh" thu hoạch. Vô tình chị đã tạo dựng một lối sống "homestay" từ trên mạng rất lý thú. Rồi chị gom góp tiền tiết kiệm xây 8 căn phòng làm "homestay" thật.

Cuối tuần, các con về quê thấy mẹ đang điều hành quy trình "một ngày làm nông dân" rất thành thục. Nhiều người không muốn đi resort, hồ bơi, đã đưa con về nhà vườn của chị để con trẻ sống với thiên nhiên như thời thơ ấu của họ. Nhổ cỏ, tưới cây, vào bếp nấu với thức ăn tươi xanh quả là cảm giác lạ sau một tuần quay vòng với những bữa ăn từ thực phẩm đông lạnh bán ở siêu thị. Ngày Đông tháng giá, những đứa trẻ từ xe máy, ô tô bước xuống, sà vào đống lửa chị đốt sẵn ở đầu hè. Chúng nhớ chị, có đứa còn thỏ thẻ "con thích về nhà bà ngoại".

Chị bỗng thành bà ngoại của không biết bao nhiêu đứa trẻ. Chị bâng khuâng nói với con: "Nghề nào cũng có cái buồn, cái rủi ro. Đối với mẹ, buồn nhất là vào giữa tuần, nghe điện thoại và bắt buộc phải từ chối một gia đình nào đăng ký "về quê ở với "bà ngoại" vì nhà hết phòng".

Chị đùa với mọi người, mình là Đông Ki Sốt đang chống lại chiếc cối xay gió "công nghệ số", đưa bọn trẻ con về lại với thiên nhiên. Mỗi lần về "Bà ngoại", tên ngôi nhà "homestay", bọn trẻ con gặp một người đàn ông cao gầy. "Bà ngoại" đã mời một người đến dạy bọn trẻ khám phá cuộc sống bằng việc chụp ảnh.

Vừa tập làm vườn, vừa tập chụp ảnh, được cái nào vừa ý, chúng gửi ảnh khoe ngay với bạn bè đang "học thêm" ở thành phố. Học lao động chân tay, nhưng có khám phá cuộc sống, có suy nghĩ, trải nghiệm và thư giãn. Kể câu chuyện ấy, chị đưa điện thoại có cái tin nhắn của khách hàng tí hon: "Bà ngoại ơi, mấy trái cà chua của con hôm nay bao lớn?".

>Làm sao về miền ký ức?

>Thèm cái khổ cực

>Người trẻ loay hoay giữa các giá trị

>Lại nghĩ về nông dân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Về lại chốn quê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO