Từ Penang nhìn về tương lai R&D Việt Nam

15/07/2013 09:50

Chuyến bay từ TP.HCM đã hạ cánh xuống đảo Penang, sắc xanh hòa quyện giữa trời và biển như càng tô thêm vẻ đẹp tự nhiên cho địa danh du lịch này. Nhưng Penang không chỉ sống bằng du lịch...

Từ Penang nhìn về tương lai R&D Việt Nam

Chuyến bay từ TP.HCM đã hạ cánh xuống đảo Penang, sắc xanh hòa quyện giữa trời và biển như càng tô thêm vẻ đẹp tự nhiên cho địa danh du lịch này. Nhưng Penang không chỉ sống bằng du lịch. Đó chính là nơi được mệnh danh Thung lũng Silicon của Phương Đông.

Điểm nhấn tại Intel Penang là Trung tâm Thiết kế với gần 2.000 kỹ sư công nghệ cao - Ảnh: Vĩnh Bảo

40 năm, 4 tỉ USD

Hình ảnh đầu tiên ghi nhận được ngay trên đường băng sân bay quốc tế Penang là 3 chiếc máy bay chuyên dụng đang ăn hàng của hãng vận chuyển FedEx (Mỹ). Đáng chú ý, hàng trăm tấn hàng được chất lên máy bay đều mang nhãn của các thương hiệu lớn như Intel, AMD, Motorola, Osram, Sony, Bosch.

Trên đoạn đường hơn 12 km từ sân bay đến trung tâm Penang có thể thấy hàng chục nhà máy sản xuất chip điện tử, bộ vi xử lý, điện thoại di động, thiết bị công nghiệp...

Hiện có hơn 700 công ty trong nước và quốc tế hoạt động tại Penang. Khoảng 200 doanh nghiệp trong số này thuộc lĩnh vực điện và điện tử. Trong đó, chỉ riêng Intel đã đầu tư hơn 4 tỉ USD trong gần 4 thập niên qua với hơn 9.000 nhân viên.

Nhà máy Intel tại Penang là nhà máy lớn nhất ngoài nước Mỹ, hiện chiếm hơn 80% kim ngạch xuất khẩu toàn châu Á hằng năm của Hãng. Điểm nhấn tại nhà máy này là Trung tâm Thiết kế Malaysia (MDC) với gần 2.000 kỹ sư công nghệ cao.

Chính MDC đã đưa Malaysia trở thành trung tâm R&D và sáng tạo, thiết kế các sản phẩm công nghệ cao ở tầm toàn cầu từ xuất phát điểm là một thị trường chuyên gia công, lắp ráp cho Intel cách đây 4 thập niên.

Thành lập năm 1991, MDC là nơi thiết kế ra chip điện tử và bộ vi xử lý đầu tiên của Intel. Quá trình chuyển đổi từ giai đoạn gia công và lắp ráp ban đầu sang thiết kế, sáng tạo của nhà máy Intel Penang đã thu hút khá nhiều kỹ sư trẻ, đa phần tốt nghiệp ở nước ngoài. Hiện MDC có hơn 1.000 kỹ sư có bằng sáng chế, phát minh tại Mỹ.

“Làm việc cho Intel khá thử thách nhưng cũng hoàn toàn xứng đáng. Niềm cảm hứng lớn nhất của tôi là được tham gia vào quá trình thiết kế và sản xuất bộ xử lý lõi thế hệ thứ 4 trong năm nay ngay tại Malaysia”, anh Sze Wei Ong, kỹ sư trưởng nhóm thiết kế bộ xử lý lõi của Intel, nói.

Năm nay 38 tuổi, anh quản lý nhóm 30 kỹ sư thiết kế tại MDC. Sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ ngành điện tử thuộc Đại học Knoxville, bang Tennessee (Mỹ), Sze trở về Penang và được tuyển vào làm việc cho nhà máy Intel đến nay đã hơn 11 năm.

Nhà máy Intel cùng rất nhiều công ty công nghệ cao khác tại Penang ngày càng góp phần làm bành trướng uy tín và thương hiệu của Thung lũng Silicon Phương Đông. Tuy là địa phương có diện tích nhỏ thứ 2, nhưng Penang đã đứng đầu danh sách thu hút vốn FDI tại Malaysia trong năm 2011 với 17,7 tỉ USD, tương đương 28% tổng vốn FDI của cả nước, theo trang web investpenang.gov.my.

Ngày 9/6/2012, Cục Phát triển Đầu tư Malaysia đã phối hợp với 10 thành viên sáng lập gồm các tên tuổi lớn như Intel, AMD, Motorola Solutions, Osram, Agilent Technologies... ra mắt Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ (CREST). Chức năng chính của CREST là tập trung phát triển R&D, nguồn nhân lực chất lượng cao và thương mại hóa.

Với ngân sách hơn 31 triệu USD, CREST hiện hợp tác với 27 công ty và 16 viện đào tạo để cung cấp cho thị trường công nghệ cao tại Penang 58 thạc sĩ và tiến sĩ giai đoạn 2012-2013.

Trước đó, Chương trình phát triển tài năng 2011-2012 của CREST cũng đạt kết quả khá tích cực với 99% trong tổng số 235 sinh viên thực tập đã được tuyển dụng từ Chương trình Fastrack 1 và 2 (1 sinh viên tiếp tục học lên thạc sĩ).

“Hơn 65% kỹ sư của Intel tại Chengdu, Trung Quốc có bằng thạc sĩ. Nếu tôi muốn tất cả có bằng tiến sĩ, họ có thể làm điều đó. Tương tự cho Penang và cả Việt Nam trong tương lai”, ông Robin Martin, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách công nghệ và sản xuất của Intel, cho biết.

Con đường của Intel Việt Nam

Năm 1972, Intel cùng nhóm 7 nhà đầu tư khác của Nhật quyết định tiến vào Malaysia bằng kế hoạch cải tạo những cánh đồng lúa ở Bayan Lepas (nơi tọa lạc nhà máy Intel hiện nay) thành khu công nghiệp công nghệ cao. Nhà máy đầu tiên của Intel tại Penang cũng chỉ dùng công nghệ lắp ráp sản phẩm để xuất khẩu cách đây 4 thập niên, giống nhà máy Intel tại Việt Nam lúc này.

Bảy năm trước, Intel công bố khoản đầu tư lên tới 1 tỉ USD tại Việt Nam. Tới tháng 10/2010, Hãng khánh thành nhà máy lắp ráp và kiểm định chip tại Khu Công nghệ cao TP.HCM.

Tương tự như các nước đã có nhà máy của Intel như Costa Rica, Trung Quốc và Malaysia, nhân lực chất lượng cao là quan tâm hàng đầu của tập đoàn này đối với chiến lược đầu tư trung và dài hạn tại Việt Nam. Vì vậy, ngay sau khi động thổ nhà máy, Intel đã triển khai kế hoạch tuyển dụng nhân lực.

“Trong những đợt sát hạch đầu, chỉ có từ 20-30 ứng viên được chọn trên tổng số 2.000 đơn”, bà Hồ Thu Uyên, Giám đốc Đối ngoại Intel Việt Nam, cho biết.

Trước khi khai trương nhà máy khoảng 1,5 năm, Intel mới tuyển dụng được khoảng 40 người so với kế hoạch là 3.000 người ngay khi dự án đi vào hoạt động.

Từ thực tế này, trong giai đoạn 2007-2011, Intel đã huy động và tài trợ bằng vốn của mình khoảng 8,3 triệu USD cho mục tiêu đào tạo nhân lực tại Việt Nam. Trong đó, 54 sinh viên trong nước đã tốt nghiệp Đại học Portland (Mỹ) và quay về làm việc cho Intel Việt Nam từ nguồn tài trợ này. Năm qua, Intel cũng đã cung cấp khóa đào tạo cho khoảng 100 giảng viên thuộc chương trình liên kết đào tạo ngành kỹ thuật từ 8 trường đại học trong nước.

Hiện nhà máy Intel vẫn đang trong giai đoạn lắp ráp và kiểm định chip điện tử cho thị trường toàn cầu với hơn 1.000 nhân lực. Khi được đề cập đến lộ trình tăng tốc để tiến tới giai đoạn đỉnh cao R&D tại Việt Nam, ông Robin không trả lời thẳng mà chỉ cho biết: “Trong nửa đầu năm sau, chúng tôi dự kiến sẽ triển khai làm mạch tích hợp (SoC). Lúc đó, nhà máy Intel Việt Nam sẽ khá bận rộn”.

SoC là hệ thống được xây dựng trên ý tưởng tích hợp tất cả các thành phần của một hệ thống máy tính lên trên một vi mạch đơn (chip đơn). SoC cũng là một phần việc quan trọng của Trung tâm MDC tại Penang, nơi 2.000 kỹ sư của Intel đang thiết kế bộ xử lý lõi thế hệ thứ 4 và chuẩn bị chuyển sang giai đoạn thiết kế bộ xử lý lõi thuộc hàng cao cấp nhất của Intel mang tên Crescent Bay.

Intel Penang đã đạt được những bước tiến khá dài trong hơn 40 năm qua để trở thành nhà máy lớn nhất tại thị trường nước ngoài. Tại Việt Nam, lộ trình đưa nhà máy lắp ráp của Intel tiến tới là Trung tâm R&D toàn cầu hiện nay như tại Penang sẽ còn khá dài vì nó phụ thuộc vào chiến lược đầu tư của Intel lẫn yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa của Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Từ Penang nhìn về tương lai R&D Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO