Trung Quốc "giải phóng sức sáng tạo"

04/06/2013 00:20

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường một lần nữa làm nhà đầu tư trong và ngoài nước phấn khích khi tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ giảm dần vai trò của nhà nước trong nền kinh tế để giải phóng sức sáng tạo.

Trung Quốc

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường một lần nữa làm nhà đầu tư trong và ngoài nước phấn khích khi tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ giảm dần vai trò của nhà nước trong nền kinh tế để giải phóng sức sáng tạo.

Kế hoạch cải tổ của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường có lẽ cần nhiều thời gian để chứng minh trong thực tế

Theo ông Lý, Chính phủ Trung Quốc đang có kế hoạch để khu vực tư và các lực lượng thị trường đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế. Đây được xem là một bước dịch chuyển quan trọng trong chính sách để cải thiện điều kiện sống cho tầng lớp trung lưu và giúp nước này có sức cạnh tranh lớn hơn trên sân khấu kinh tế toàn cầu.

Chưa rõ những bước triển khai của kế hoạch này sẽ như thế nào, nhưng rõ ràng điều này chứng tỏ rằng các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đang nghiêm túc xem xét việc thay đổi mô hình tăng trưởng của Trung Hoa đại lục.

Trên thực tế, mô hình tăng trưởng hiện tại vốn phụ thuộc nhiều vào vốn đầu tư và vai trò định hướng của các nhà nước đang bộc lộ những giới hạn. Tốc độ tăng trưởng GDP 2012 của Trung Quốc chỉ đạt 7,8%, thấp nhất trong vòng 13 năm qua. Còn GDP quý I năm nay cũng chỉ tăng trưởng ở mức 7,7%.

Thêm vào đó, theo khảo sát của ngân hàng HSBC, hoạt động sản xuất tháng 5 của Trung Quốc lần đầu tiên bị thu hẹp trong 7 tháng qua; các nhà kinh tế cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay, đồng thời thể hiện sự âu lo hơn đến các rủi ro liên quan đến nợ của doanh nghiệp và chính phủ Trung Quốc.

Trung Quốc cũng đang gặp thách thức về thay đổi cơ cấu dân số. Tốc độ già hóa đang diễn ra rất nhanh, trong khi số lượng người trẻ bắt đầu giảm sút và chi phí lao động tănh nhanh, những điều gây ra tác động xấu đến lợi thế cạnh tranh của nước này so với các quốc gia láng giềng.

Theo kế hoạch cải tổ, Trung Quốc sẽ tăng thuế khai khác tài nguyên thiên nhiên; thực hiện những bước đi từ từ cho phép lãi suất diễn biến theo xu hướng thị trường; thực hiện chính sách thúc đẩy vốn tư nhân đầu tư vào khu vực tài chính, năng lượng, đường sắt, viễn thông cũng như một số lĩnh vực khác.

Nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhận được nhiều cơ hội để đầu tư vào tài chính, logistics, y tế. “Việc cải tổ này sẽ tạo ra cơ hội khổng lồ cho toàn thế giới”, ông Lý hứa hẹn.

Trung Quốc cũng hứa hẹn sẽ nới lỏng việc kiểm soát tỉ giá và để thị trường quyết định giá trị của đồng nhân dân tệ, đang bị chỉ trích giao dịch dưới giá trị thực để tạo lợi thế cho xuất khẩu.

Thật ra, trước đây, các nhà lãnh đạo Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo cũng đã hứa sẽ thực hiện cải cách sâu rộng nền kinh tế và và tăng cường vai trò của khu vực tư nhưng họ đã không thành công. Thậm chí vai trò của khu vực nhà nước trong nền kinh tế còn phình to thêm.

Do đó, với những động thái vừa qua và so với những nhà tiền nhiệm, các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc có vẻ như quyết đoán hơn.

“Nếu chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào vai trò định hướng của Chính phủ và chính sách kích thích để thúc đẩy tăng trưởng, sẽ khó khăn để duy trì và thậm chí có thể tạo ra những vấn đề và rủi ro mới”, ông Lý nói. Tuy vậy, ông cũng thừa nhận là việc thay đổi này chắc chắn sẽ đau đớn, thậm chí giống như cắt đi một cổ tay của bạn vậy.

Những phát biểu của vị tân thủ tướng có lẽ cần nhiều thời gian để chứng minh trong thực tế. Tuy nhiên, chúng cũng khấy động lên một sự lạc quan từ bên ngoài khu vực công. “Lý Khắc Cường suy nghĩ giống như một nhà kinh tế”, Barry J. Naughton, Giáo sư tại đại học California, ca ngợi.

Nhìn chung, đối với các nền kinh tế có nguồn gốc từ kế hoạch hóa tập trung như Trung Quốc, Việt Nam, dù đã thực hiện biện pháp thay đổi theo định hướng thị trường trong hàng chục năm qua nhưng sự can thiệp vào thị trường của nhà nước vẫn còn rất lớn. Các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam vẫn nắm giữ những ngành công nghiệp then chốt như năng lượng, viễn thông, nông nghiệp.

Dù Việt Nam đã có những quyết định tái cơ cấu lại khu vực công, nhưng thực tế triển khai đang rất chậm, quá trình thoái vốn, cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước vẫn giậm chân tại chỗ. Thậm chí, quy mô của các tập đoàn tổng công ty nhà nước còn phình to thêm.

Về việc mở cửa thị trường đối với nước ngoài, dù Việt Nam đã mở cửa các ngành kinh tế quan trọng như nông nghiệp, năng lượng nhưng sự ràng buộc trong một số ngành đã cản trở các nhà đầu tư.

Chẳng hạn, việc giới hạn sở hữu ngân hàng tối đa 30% đã khiến nhà đầu tư nước ngoài chùn chân, dù hệ thống ngân hàng trong nước đang rất cần một nguồn vốn lớn từ nước ngoài để tái cấu trúc.

Việt Nam cũng đã dùng những công cụ hành chính để can thiệp thị trường như vàng, lãi suất ngân hàng, thậm chí là việc định giá xăng dầu. Tuy nhiên, cần phải xem xét những công cụ này, vì chúng bóp méo quy luật thị trường và khiến việc phân bổ nguồn lực của nền kinh tế không hiệu quả.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang thay đổi quá nhanh như hiện nay, một khu vực kinh tế nhà nước phình to không phải là yếu tố tạo nên sức cạnh tranh mà tính sáng tạo, năng suất lao động và sử dụng vốn hiệu quả mới là những nhân tố then chốt.

Và điều này dường như chỉ mới thấy được ở khu vực kinh tế tư nhân, như Tập đoàn FPT trong công nghệ thông tin; trong lĩnh vực tài chính có ACB, SSI; ngành thủy sản là Minh phú, Hùng Vương, Vĩnh Hoàn; ngành tiêu dùng là Masan hay trong lĩnh vực bất động sản là Tập đoàn Vingroup.

Rõ ràng hiệu quả kinh doanh của các công ty tư nhân này hoàn toàn tương phản với những Vinashin, Vinalines.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trung Quốc "giải phóng sức sáng tạo"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO