Tìm chỗ học yêu thiên nhiên

BÍCH HỒNG| 04/08/2012 05:03

Những ngày qua, cả xã hội chiếu cặp mắt phán xét vào mấy cậu tân binh 18 tuổi mới nhập ngũ, thủ phạm của việc hành hạ và giết chết con voọc chà vá chân xám

Tìm chỗ học yêu thiên nhiên

Những ngày qua, cả xã hội chiếu cặp mắt phán xét vào mấy cậu tân binh 18 tuổi mới nhập ngũ, thủ phạm của việc hành hạ và giết chết con voọc chà vá chân xám. Chỉ cần nhìn tấm hình đầu tiên trên Facebook, thấy con voọc bị bắt hút thuốc đã thấy bức xúc bởi sự nhẫn tâm của những người trẻ tuổi này.

Đọc E-paper

Dư luận khó tiếp tục theo dõi “phóng sự ảnh cuộc hành hình” con vật đáng thương, bởi mấy ai đối diện cái ác mà không kinh sợ. Bỗng chợt nghĩ, thật ra tại sao lại lên án những quân nhân trẻ ấy, bởi vì đã bao lâu và bao nhiêu lần trong đời, người vi phạm được tiếp cận những bài học văn minh trong ứng xử với môi trường thiên nhiên, với động vật hoang dã?

Nhiều du khách gọi lễ hội đâm trâu là một “cú sốc văn hóa”. Hàng trăm du khách và nghệ sĩ nhiếp ảnh đã từng hồi hộp chờ đợi được xem tận mắt tập tục văn hóa kỳ lạ này tại Tây Nguyên. Chàng trai trẻ được chọn cầm ngọn mác đã cố gắng trình diễn một nghi lễ hiến sinh với các động tác đẹp nhất. Con trâu bị chặt đứt gân hai đầu gối phía sau, mất hết sức bật mạnh mẽ, chỉ biết dốc toàn lực xoay quanh đối phó với cái chết đang lởn vởn quá gần. Những người đàn ông vẫn nhảy múa và đâm chém. Tiếng cồng, tiếng chiêng mang sắc thái bi tráng.

Lúc đầu khán giả còn xô đẩy để có thể chụp một bức ảnh, nhưng dần dần cái chết của con trâu hiến tế đè nặng lên tinh thần đám đông và nhiều người phải bỏ ra ngoài. Cảnh con trâu hấp hối kéo dài làm du khách choáng váng, nhiều người thấy đau đầu, mệt mỏi. Cuộc tế lễ kết thúc, những đoàn xe vội vã rời khu du lịch như chạy trốn. Chúng ta hiểu du khách không thể dự một lễ hội đâm trâu khi phần đông không hiểu nhiều về nghi lễ.

Tôn giáo khác nhau nên không có niềm tin linh thiêng nào để nương tựa, du khách chỉ nhìn thấy con trâu đau đớn trong cuộc hành hình man dại và thấy khó chấp nhận. Đến bao giờ ngành du lịch mới hiểu ra, dưới con mắt của du khách, cuộc trò chuyện đặc sắc nhất với thần linh qua lễ hiến sinh đã bị xem như cuộc tàn sát đẫm máu và không nên có trong chương trình của một tour du lịch văn hóa?

Có người nói văn hóa của chúng ta không giống như người phương Tây vốn coi động vật cũng có quyền sống và được bảo vệ. Có thể vì cuộc sống của chính con người xứ ta còn quá vất vả đến không thể cưu mang, săn sóc được động vật chăng? Tuy nhiên, khi câu chuyện hành hình hai con voọc diễn ra bỗng thấy xuất hiện nhiều tiếng nói phản ứng quyết liệt từ phía người trẻ để yên tâm rằng, tình thương yêu luôn là bản năng của con người và cần được bồi dưỡng, giáo dục để trở thành bản chất cuộc sống.

Gần đây, chúng tôi có đọc bài phóng sự của một nhà báo tìm cơ hội nhìn tận mắt rắn khổng lồ rừng U Minh Hạ. Nhà báo và kiểm lâm chờ đợi suốt một tuần nhưng rắn không xuất hiện. Có người khuyên nên tìm một con chó để đó thì rắn sẽ tới. Những người có mặt đã không đồng ý vì sợ rằng nếu rắn xuất hiện sẽ không cứu nổi con chó. Chỉ một câu đó thôi đủ làm người đọc rất cảm tình với cách biểu hiện sự văn minh của các nhà “khám phá” kia.

Hãy tin rằng, nếu được giáo dục, tình yêu thương con người dành cho động vật sẽ là cái nền căn bản trong ứng xử của con người với thiên nhiên. Rất nhiều bạn trẻ mong muốn có những dịp để học sống bình đẳng với thiên nhiên và các loài động vật hoang dã, nhưng họ cũng chưa biết bắt đầu từ đâu.

Chúng tôi đã thấy tận mắt điều đó. Vườn Quốc gia Xuân Thủy là một cái tên còn xa lạ với người Việt, nhưng khá nổi tiếng với du khách nước ngoài ưa thích khám phá các khu bảo tồn động vật hoang dã. Nằm bên rìa thành phố Nam Định, xã Xuân Thủy được UNESCO công nhận là thành viên của Công ước Ramsar, tức là nơi bảo vệ các loài chim nước. Không phải thứ chim gì quý hiếm trong mắt nhà nông, chỉ là cái cò, cái vạc, cái nông quen thuộc trong ca dao Bắc bộ.

Từ một khu rừng ngập mặn vô danh, sau 10 năm đầu tư hàng chục dự án từ các tổ chức phi chính phủ, nông dân Xuân Thủy là thành viên chính thức của mạng lưới Ramsar toàn cầu, chủ nhân tin cậy của cái nôi bình yên cho hơn 150 loài chim di trú từ Đông Bắc Á xuống phương Nam và 50 loài chim nước bản địa. Du khách có thể ngắm các loại chim di cư từ Nhật Bản về đây ung dung kiếm ăn trên đồng đất Xuân Thủy.

Nơi đây trở thành biểu tượng của đất lành và thu hút các bạn trẻ đến làm tình nguyện viên, vừa ngắm những bầy chim nước Ramsar, vừa học một bài học sơ đẳng đầu tiên về bảo vệ thiên nhiên. Và từ các dự án quốc tế, nông dân Xuân Thủy biết quý mảnh đất bạc màu nơi mình đang sống, quý mặt biển nơi họ từng dùng lưới xung điện quét hết nguồn thủy sản nơi đáy biển, biết yêu thương, bảo vệ loài chim bình thường để cùng sống trong một môi trường bình yên.

Trở lại vụ việc các quân nhân giết hai con voọc chà vá chân xám mua từ các thợ săn, hành vi đó sẽ chịu sự điều chỉnh của Bộ Luật hình sự hoặc các quy định của quân đội. Nhưng chúng ta tin rằng những thanh niên đó hoàn toàn không ý thức được việc làm của họ là vi phạm pháp luật, và đã không được giáo dục thái độ ứng xử văn minh. Họ sẽ nhận bài học đắt giá và cũng chỉ hiểu hành vi của họ là lỡ giết động vật hoang dã nằm trong Sách đỏ.

Còn những người trẻ liệu có thể nhận được bài học nào, có những nhận thức nào về bảo vệ động vật, thiên nhiên, môi trường sống từ chương trình giáo dục khi còn ngồi trên ghế nhà trường, từ cuộc sống thực tế mới là điều phải gấp rút quan tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tìm chỗ học yêu thiên nhiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO