Thực thi EVFTA: Gỡ nút thắt trong pháp luật hải quan

TS. NGUYỄN THỊ THU TRANG - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)| 17/03/2016 06:22

Tại sao đã có TFA mà vẫn phải đàm phán về hải quan trong EVFTA, cũng như trong TPP?

Thực thi EVFTA: Gỡ nút thắt trong pháp luật hải quan

Trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), hải quan nằm ở Chương 5, liên quan đến mở cửa hàng hóa. Chương này chỉ đứng sau chương về quy tắc xuất xứ cho thấy tầm quan trọng của vấn đề hải quan, nhưng điều ngạc nhiên là chương này rất ngắn gọn, chỉ 16 điều. Câu hỏi đặt ra, một vấn đề quan trọng tại sao lại ngắn gọn như vậy?

Đọc E-paper

Vấn đề hải quan trong EVFTA được đàm phán và ký trên nền Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại trong WTO (TFA) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với 24 điều với những cam kết rất trực tiếp. Câu hỏi tiếp theo: Tại sao đã có TFA mà vẫn phải đàm phán về hải quan trong EVFTA, cũng như trong TPP?

Có nhiều lý do, nhưng đáng kể nhất là 24 điều của TFA gắn với 200 nghĩa vụ cụ thể, xếp vào các nhóm A, B, C và các nước có quyền lựa chọn bất cứ nhóm nào để thực hiện trước hoặc sau. Nhưng với EVFTA lại khác, Việt Nam buộc phải thực hiện tất cả các cam kết. Đấy chính là lý do nước ta phải rà soát pháp luật hải quan để xem xét mức độ tương thích.

Từ góc độ lợi ích của doanh nghiệp (DN), nhóm rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết EVFTA về hải quan và minh bạch hóa thuộc VCCI đã chia Chương 5 thành 5 nhóm cam kết:

- Thứ nhất, cam kết về những nghĩa vụ cụ thể mà Việt Nam và EU phải thực hiện trong quy trình hải quan. Ví dụ, cam kết liên quan đến giải phóng hàng, hải quan phải cho phép giải phóng hàng trước khi hoàn thành các nghĩa vụ thuế. Hay cam kết về phí, lệ phí với quy định phí, lệ phí không được vượt quá chi phí cần thiết hoặc chi phí bỏ ra để thực hiện dịch vụ liên quan.

- Thứ hai, cam kết tạo thuận lợi thương mại, gồm các vấn đề làm thế nào để tạo thuận lợi nhất. Ví dụ, cam kết loại bỏ những thủ tục không cần thiết, đơn giản hóa các điều kiện, sử dụng hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử, trao đổi thông tin giữa các cơ quan liên quan đến hải quan và giữa các cơ quan này với tờ khai hải quan.

- Thứ ba, cam kết minh bạch, nhấn mạnh các vấn đề công khai các quy định, thủ tục; giải quyết khiếu nại, khiếu kiện đối với các quyết định của cơ quan hải quan.

- Thứ tư, cam kết về quan hệ giữa cơ quan hải quan với DN. Đây là vấn đề gây vướng mắc nhất trong tự do thương mại giữa các nước. Ở đây, lợi ích, quan tâm của DN được thể hiện một cách trực tiếp nhất, rõ nhất. Quy định này chỉ duy nhất có ở Chương 5, bắt buộc phải có tham vấn định kỳ giữa các cơ quan hải quan với cộng đồng DN, phải có điểm giải đáp thắc mắc và cung cấp thông tin cho các DN, các chủ thể kinh doanh có liên quan đến xuất nhập khẩu.

- Thứ năm, cam kết hợp tác hải quan giữa VN và EU, chủ yếu là cơ chế hợp tác hành chính giữa cơ quan hải quan Việt Nam và EU.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh:

VCCI nhận trách nhiệm đánh giá, xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật của 14 bộ, trong ba năm 2011 - 2012 và 2014, kết quả đưa ra một nhận xét tương tự: Chất lượng pháp luật khá hơn thi hành pháp luật nhưng khá hơn cũng chỉ khoảng 6 điểm, không vượt quá mức trung bình.

Sau rà soát pháp luật hải quan trong EVFTA, phát hiện lớn nhất là pháp luật Việt Nam gần như đã tương thích với các yêu cầu về hải quan của EVFTA, chỉ trừ có 2 khoản nhỏ ở hai điều.

Đây là kết quả đáng mừng, tương tự kết quả rà soát VCCI thực hiện năm ngoái về lĩnh vực hải quan trong hiệp định TFA. Kết quả này có được là do cả EVFTA và TFA đều dựa trên khá nhiều yêu cầu của Công ước Kyoto mà trước đó Việt Nam đã phải sửa đổi pháp luật để tham gia được công ước này.

Phát hiện thứ hai không vui như phát hiện thứ nhất. EU không chỉ yêu cầu Việt Nam phải có các quy định trong văn bản pháp luật (trên giấy) về các vấn đề liên quan đến mở cửa hàng hóa, tạo thuận lợi thương mại mà còn phải cam kết về hiệu quả thực tế. Chẳng hạn, việc đối xử và tạo cơ hội ưu tiên cho các DN nhỏ và vừa (SME), về mặt pháp luật Việt Nam đã tương thích nhưng về mặt thực tiễn chưa tuân thủ.

Quy định yêu cầu phải tạo thuận lợi cho các chủ thể kinh doanh, cụ thể là việc mở rộng danh sách ưu tiên cho các DN có lịch sử tuân thủ đúng pháp luật hải quan. Nếu theo quy định này, nước ta chưa thực hiện được cam kết.

Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan mà VCCI có được cho thấy, đến tháng 7/2015, có 39 DN ưu tiên trong số 50.000 chủ thể có hoạt động xuất nhập khẩu. Và 39 DN này, tại thời điểm đó, chiếm 25% kim ngạch xuất nhập khẩu, có nghĩa là cực lớn và số còn lại có mức kim ngạch xuất khẩu rất nhỏ.

Điều đáng nói, dù nhóm DN này đã được ưu tiên nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc đến nỗi Tổng cục Hải quan phải xếp thành 10 nhóm khác nhau để các cơ quan liên quan có thể từng bước tháo gỡ. Thậm chí, ngày 29/1/2016, cơ quan này còn phải tổ chức cuộc họp riêng với các DN ưu tiên. Điều này gây không ít băn khoăn về vấn đề thực thi pháp luật hải quan.

Như vậy, hai điểm chưa tương thích sẽ phải sửa đổi pháp luật hải quan để tương thích. Nước ta cải cách thủ tục hành chính, tuân thủ các cam kết EVFTA không đơn thuần vì đã cam kết mà việc thực thi các cam kết còn mang lại lợi ích cho các DN Việt Nam và EU. Nhưng nếu thực hiện không tốt quy định, phía EU có quyền yêu cầu Việt Nam phải cải thiện và đây là vấn đề cần đặc biệt quan tâm.

HẢI VÂN ghi

>Cải cách thuế, hải quan: DN nói gì?

>Thủ tục hải quan: Cần cải cách đồng bộ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thực thi EVFTA: Gỡ nút thắt trong pháp luật hải quan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO