Thị thực - rào cản của du lịch Việt Nam?

29/12/2014 08:42

Khách du lịch coi thị thực như là một hình thức áp đặt phí. Vì vậy, chi phí xin thị thực là một yếu tố để khách du lịch tiềm năng cân nhắc việc đổi sang một địa điểm du lịch khác.

Thị thực - rào cản của du lịch Việt Nam?

Khách du lịch coi thị thực như là một hình thức áp đặt phí. Vì vậy, chi phí xin thị thực là một yếu tố để khách du lịch tiềm năng cân nhắc việc đổi sang một địa điểm du lịch khác.

Báo cáo mới công bố của nhóm công tác Du lịch, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam năm 2014 đã đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề cấp thị thực và coi đây là một trong những rào cản khiến du lịch Việt Nam không phát triển đạt được kỳ vọng trong thời gian vừa qua.

Nhóm công tác Du lịch đã hơn một lần đề cập đến vấn đề này và đưa ra những dẫn chứng cho thấy Việt Nam cần thay đổi để hiệu quả hơn trong việc khai thác những tiềm năng du lịch.

Cụ thể, nhóm công tác đã dẫn báo cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) và Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) cho biết, khách du lịch coi thị thực như là một hình thức áp đặt phí.

Vì vậy, chi phí xin thị thực cho dù là một khoản chi phí trực tiếp bằng tiền hoặc gián tiếp bao gồm tổng hợp các chi phí liên quan đến khoảng cách, thời gian chờ đợi và thủ tục rắc rối vượt qua một ngưỡng cụ thể, các khách du lịch tiềm năng sẽ cân nhắc lại chuyến đi hoặc đổi sang một địa điểm du lịch khác.

Hiện tại, ở Việt Nam chỉ những khách du lịch đơn lẻ nước ngoài (FIT) mang hộ chiếu ASEAN được miễn thị thực với thời gian lưu trú không quá 30 ngày, và chỉ những khách du lịch đơn lẻ mang hộ chiếu Đan Mạch, Na uy, Phần Lan, Thụy Điển, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga được phép miễn nhập cảnh vào Việt Nam trong vòng 15 ngày mà không cần thị thực.

Theo đó, đại diện nhóm công tác cho rằng, cần mở rộng miễn thị thực bao gồm các quốc gia có tiềm năng góp doanh thu du lịch đáng kể như các nước thành viên Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Canada, Úc, Hồng Kông và Đài Loan. Miễn thị thực cho các nước này nói chung nên được cấp ở lại đến 30 ngày.

Đặc biệt, nhóm công tác Du lịch nhấn mạnh, việc thiết lập “Thị thực tại cửa khẩu” mang lại nhiều hiệu quả chính vì vậy Việt Nam có thể tham khảo Lào, Campuchia.

Hiệu quả từ việc thiết lập “Thị thực tại cửa khẩu”, theo nhóm công tác Du lịch sẽ giúp Việt Nam có thể tăng lượng du khách từ 8-18%.

Ngoài ra, nhóm công tác cũng cho rằng, thủ tục và chính sách “Thị thực tại cửa khẩu” cần minh bạch và nhất quán. Nên bao gồm sự giải thích quá trình biểu phí thiết lập và sự thực thi nhất quán tại các sân bay khác nhau.

Theo dự báo của nhóm công tác Du lịch, việc các quốc gia mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp thị thực đồng thời chuyển sang hệ thống cấp thị thực tại cửa khẩu sẽ giúp các quốc gia ASEAN nhận được lượng khách du lịch thêm từ 6-10 triệu người vào năm 2016.

“Lượng khách du lịch này sẽ mang đến 7-12 tỷ USD và tạo ra từ 330.000-654.000 việc làm vào năm 2016”, báo cáo nêu rõ.

Trong tháng 12/2014, khách du lịch Nga sụt giảm nghiêm trọng tại một số tỉnh thành như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận… do ảnh hưởng đồng Rúp mất giá. Để đối phó với tình trạng này, bà Lê Thanh Trúc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao - Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho rằng, cần xem xét miễn thị thực 30 ngày cho khách du lịch Nga.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Thế Bình - Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, việc miễn thị thực hoặc các chính sách ưu đãi khác nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch cần được tiến hành ở nhiều thị trường. Đặc biệt những thị trường khách du lịch quốc tế chi trả cao và bền vững, thị trường chưa có nhiều khách du lịch đến Việt Nam thay vì ở một số các thị trường truyền thống, dễ dãi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị thực - rào cản của du lịch Việt Nam?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO