![]() |
Đọc bài Đồng cạn, đồng sâu của tác giả Hà Nhân trên một tờ báo địa phương tại Huế, tôi thấy thấm thía lạ. Là câu chuyện "đi hạ ruộng" của nông dân ở cánh đồng La Chữ vùng ngoại ô Huế mùa gió Lào rát bỏng.
Đọc E-paper
Hạ ruộng là lấy bớt đất của ruộng để những cánh đồng thấp xuống mà đón phù sa mùa lụt. Người nông dân phải đánh vật với nắng nóng và gió Lào để hạ từng miếng đất trên từng thửa ruộng hằng năm như thế thì cây lúa mới tốt tươi nhờ phù sa. Ai siêng ăn nhác làm, không hạ ruộng thì ruộng cao thành gò đất bạc màu, chuột bọ cắn phá.
Câu chuyện Đồng cạn, đồng sâu là bài học nông thôn và thể hiện quan điểm của tác giả rằng sống ở đời phải biết lắng nghe, nhún nhường, hòa đồng để nhận về cho mình những tri thức và cả tình thương của mọi người... Đó là phong cách viết của tác giả Hà Nhân được rất nhiều bạn trẻ yêu thích.
Mỗi nơi mỗi khác, quê mình không có chuyện "đi hạ ruộng" mà chỉ có đi cày cuốc ruộng, là lật đất lên để phơi và diệt cỏ. Đến mùa cấy thì trâu cày thêm một lần nữa rồi bừa đất ra cho nhuyễn mà cấy lúa.
Làm nông nơi đâu cũng vất vả cày sâu cuốc bẫm, một nắng hai sương, mồ hôi thánh thót. Đến ngày mùa, ngay từ tờ mờ sáng, xóm làng đã lao xao mùa gặt. Bạn gặt í ới gọi nhau ăn sáng vội vàng để kịp xuống bến theo đò qua ruộng Cồn gặt lúa. Ruộng Cồn là những cánh đồng bên kia sông rộng lớn và phì nhiêu, trải dài dọc theo dòng Ô Lâu, đã được các bậc tiền nhân khai khẩn đặt tên từ thuở nào nghe gần gũi: Hói Mít, Hói Chu, Cồn Đùng, Cồn Nẩy, Hai Mươi Mậu, Ruộng Ôn Cổ Câu...
Bạn gặt đi cắt lúa bên Cồn phải cơm đùm cá bới cho buổi ăn trưa. Đò chạy đến bờ sông thì trời vừa sáng. Dòng sông Ô Lâu không rộng nên đến mùa gặt nhộn nhịp hẳn khi cả mấy chục chiếc đò đầy lúa vàng nối đuôi nhau từ những cánh đồng ruộng Cồn về bến. Tiếc là hồi đó máy ảnh còn là vật xa xỉ nên cảnh sắc ngày mùa trên sông đẹp như tranh vẽ chẳng được ghi lại.
Lúa về tới bến lại phải xóc lại từng bó và gánh về nhà, những hạt lúa vàng rơi đầy trên đò, trên bãi, trên đường... Thế mới có chuyện đi mót lúa, rồi có thêm loại "lúa đất" chính là những hạt lúa rơi rụng khắp nơi.
Đến mùa gặt chỉ cần trời chuyển mát hay lắc rắc vài giọt mưa là nông dân đã lo canh cánh lúa gặt về phơi không được nắng, gạo sẽ xấu, rồi rơm bị un đống lại mà thối rữa hết. Bởi thế, đến mùa gặt, trời càng nắng to, nông dân càng mừng.
Ngày mùa bao giờ thôn trang cũng vui khi lúa reo khắp làng những ngày no đủ... Mùa gặt là niềm vui của mỗi nhà khi hạt lúa khô khén, đi dên sạch sẽ đổ vào bồ. Tôi đã lớn lên từ đồng ruộng, mùa màng như thế và đôi khi thấy lòng lắng lại trong từng ngọn nắng, cơn mưa, mây nguồn, chớp bể phía quê nhà...
>Mưa giông
>Hương sen phố thị