Rượu bia thành văn hóa ứng xử

KHẢI LY| 18/04/2015 06:57

Liệu người Việt sử dụng ba tỷ lít bia/năm cùng với không ít rượu có và không có nguồn gốc có để lại hậu quả là một thế hệ sau bị ảnh hưởng về thể chất và sức khỏe tâm thần?

Rượu bia thành văn hóa ứng xử

Cách đây gần 10 năm, có dịp tham gia một hành trình dọc con đường Hồ Chí Minh, những bản làng dân tộc nằm ven hành lang Trường Sơn Đông, chúng tôi không khỏi thảng thốt khi thấy những người đàn ông, đàn bà, thậm chí cả các cháu còn vị thành niên đã ngật ngưỡng trong men rượu suốt ngày.

Đọc E-paper

Có lần gặp một đám cưới, tôi chúc mừng chú rể, hỏi cưới vợ có vui không, nào ngờ anh bạn trẻ người Cơtu trả lời: "Cưới vợ thích lắm, tao được uống rượu cả tuần lễ!". Bước vào ngôi làng nào cũng thấy cảnh đáng buồn đó. Vừa thấy có khách, cả làng như bừng lên sức sống, vội vã đem những can rượu sắn đến nhà rông, nhà gươl tiếp khách ngày này qua ngày khác.

Ngày đó, chúng tôi đã thấy rất buồn khi nghĩ rằng thứ rượu pha cồn độc hại này sẽ dần hủy hoại những tộc người thiểu số chốn núi rừng. Mới đây lại có dịp ghé ngang vài ngôi chợ nhỏ ven núi, tôi hoảng sợ khi bắt gặp những quán bán rượu và nội tạng heo với giá mười ngàn đồng một lít rượu hay một ký nội tạng sống.

Với giá rẻ mạt đến mức kỳ lạ đó, những cảnh nhậu nhẹt tưng bừng lại có điều kiện diễn ra suốt ngày đêm ở những ngôi làng heo hút. Chẳng ai hình dung nổi tương lai nào chờ đón những gia đình sử dụng thứ nội tạng mười ngàn đồng một ký và thứ rượu cồn mười ngàn đồng một lít. Những tộc người bé nhỏ chìm đắm trong hơi men luôn ám ảnh tôi.

Tôi kể câu chuyện này bởi liên tưởng đến dư luận cho rằng Việt Nam lọt vào top 10 quốc gia tiêu thụ nhiều bia nhất thế giới. Không có cơ sở cho chuyện này, nhưng con số 3 tỷ lít bia/năm và số lượng người tạm tính trên 18 tuổi cho con số bình quân chính xác, thì số lít bia trên đầu người vẫn là đáng sợ.

Đôi khi đi dạo trên những con đường ven biển ở Sầm Sơn, Đồ Sơn, Vũng Tàu hay Đà Nẵng, Quy Nhơn, thấy những con đường ăn nhậu mà khủng khiếp. Ở Đà Nẵng, quán nhậu hải sản có quy mô đón cùng lúc 500 - 1.500 khách và lúc nào cũng đông nghẹt khách là người địa phương.

Có những quán rộng hàng ngàn mét vuông dựng rất cơ động bên bờ biển, giờ cao điểm trông cảnh tượng thật xấu xí với hàng ngàn người tụ tập, mải mê cụng ly ăn nhậu, rồi loạng choạng rời khỏi đó vào lúc đêm đã về khuya.

Những con đường ven biển là những quán nối nhau cho thấy quy mô "nhậu" và nguồn cung khách rất lớn. Nó tạo ra một cảnh tượng vô cùng xấu ở ngay một thành phố du lịch nổi tiếng.

Ở Việt Nam, đặc biệt là những người có thu nhập ổn định ít suy nghĩ mình có khả năng nghiện ngập. Việc buổi chiều ghé một quán nhậu quen, với chỗ ngồi quen, với bạn bè quen cũng là một thói quen nhiều người đàn ông không muốn bỏ.

Từ vài ba chai lúc đầu đến mươi, mười lăm chai mỗi ngày, đến vài két bia hay dăm chai rượu mạnh với những câu chuyện bàn luận rất xôm tụ, từ tình hình chính trị thế giới đến ký hợp đồng làm ăn, củng cố mối quan hệ, tìm tất cả mọi lý do để chia vui hoặc chia buồn đều đẩy người đàn ông đến quán nhậu vào lúc xế chiều.

Những thời điểm đặc biệt như "giá xăng tăng vọt" hay "khủng hoảng kinh tế” làm ảnh hưởng đến thu nhập cũng chỉ làm cho "thời sự nhậu" bị chao đảo chứ không bị đánh gục, rồi rút cuộc, tình hình khó khăn chưa hết, các quán nhậu đã đông trở lại.

Nhiều vị than thở về cái "bụng bia" của mình nhưng chặc lưỡi nghĩ đến những mối quan hệ tình cảm, làm ăn, đối tác, đồng nghiệp bấy lâu dày công vun đắp bên bàn nhậu, nay khó có thể tự phá vỡ. Nhậu nhẹt rượu bia mỗi ngày hoặc mỗi tuần đã trở thành chuyện phải có.

Thành phố càng nhỏ, người ta càng thắt chặt đời sống tinh thần và tình cảm bên bàn bia rượu. Thậm chí hỏi về mối quan hệ với ai đó, chúng ta sẽ nghe câu trả lời suồng sã: "Mình với cậu A đó thỉnh thoảng có nhậu" như một cách khẳng định độ thân quen.

Chẳng phải tự nhiên mà ở Bộ Giao thông Vận tải mới đây chỉ đạo cấm sử dụng rượu bia trong 8 giờ hành chính với quy định ngặt nghèo và cụ thể đối với công chức toàn ngành. Văn hóa "phải nhậu" trong làm ăn tạo nên nếp sinh hoạt, ứng xử xấu tạo đà cho thất thoát, lãng phí, ăn nhậu tràn lan và công khai trước con mắt toàn xã hội.

Tại thành phố Đà Nẵng, chính quyền cũng từng chỉ đạo ráo riết "chống nhậu" trước và trong giờ hành chính, chỉ "càn quét" được các cuộc liên hoan công sở chứ không thể làm giảm hiện tượng công chức nhậu nhẹt tràn lan.

Và nỗi lo khi chứng kiến đồng bào miền núi đắm chìm trong men rượu ngày nào bỗng trở lại. Liệu người Việt sử dụng ba tỷ lít bia/năm cùng với không ít rượu có và không có nguồn gốc có để lại hậu quả là một thế hệ sau bị ảnh hưởng về thể chất và sức khỏe tâm thần?

>Lạm dụng rượu bia: Cần tăng cường kiểm soát
>Tăng lộ trình áp thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia, thuốc lá
>
Thuế tiêu thụ đặc biệt rượu bia, thuốc lá có khả thi?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Rượu bia thành văn hóa ứng xử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO