Ôi, chuyện hằng ngày ở... chợ!

NGÂN AN/DNSG cuối tuần| 13/09/2012 03:49

Thời gian qua, dù đã có nhiều trung tâm thương mại ra đời tại TP.HCM, đáp ứng được nhu cầu mua sắm theo lối sống hiện đại của người dân thành thị, nhưng chợ vẫn tồn tại như một nhu cầu có tự bao đời.

Ôi, chuyện hằng ngày ở... chợ!

Thời gian qua, dù đã có nhiều trung tâm thương mại ra đời tại TP.HCM, đáp ứng được nhu cầu mua sắm theo lối sống hiện đại của người dân thành thị, nhưng chợ vẫn tồn tại như một nhu cầu có tự bao đời. Vẫn biết chợ là chốn thu hút đông đảo kẻ bán người mua, có phần hỗn tạp và xô bồ nhưng quan trọng nhất là dễ dàng tiếp cận: chỉ cần “ghé” qua chợ , “nhặt” vài thứ là… xong việc mua sắm!

Đọc E-paper

Chuyện thường ngày ở chợ Bà Chiểu: hàng bán thủy sản, thịt, rau đều lấn ra đường; rác, nước thải đều đổ ra đường

Tuy nhiên, điều đáng nói là vệ sinh tại các chợ vẫn là điểm đen nổi cộm lâu nay, nhất là tình trạng rác thải bừa bãi, nước thải không được xử lý đúng quy trình gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan, ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh thực phẩm và nhiều nguy cơ tiềm ẩn khác. Bên cạnh đó, khâu phòng cháy chữa cháy tại các chợ cũng còn khá lỏng lẻo.

Rác thải khắp chợ

Theo Sở Công thương TP.HCM, thành phố hiện có 229 chợ lớn, nhỏ, đa số là chợ bán lẻ đủ loại mặt hàng. Đó là chưa kể đến những chợ tạm, chợ “chồm hổm” tự phát trong các con hẻm, ở ngay cạnh khu công nghiệp hay tại các khu dân cư mới…

Có thể nói ở đâu có chợ là ở đó rác thải lập tức phát triển với tốc độ cao. Nhiều người đã chia tay với chợ, chọn trung tâm thương mại, siêu thị để mua sắm, chấp nhận giá cả hàng hóa có đắt hơn một chút nhưng mọi thứ sạch sẽ, vệ sinh.

Dạo một vòng quanh một số chợ dù lớn hay nhỏ, buổi sáng hay buổi chiều, ai cũng dễ dàng thấy được cảnh đủ loại rác phô diễn từ đầu chợ đến cuối chợ. Trước chợ Hòa Hưng (quận 10), mặt tiền đường Cách Mạng Tháng Tám luôn hiện diện vài đống rác tạp nham cạnh thùng rác đã đầy ứ.

Miệng cống cạnh đó đã bị những bịch nylon rác, hộp cơm chặn ngang. Bên hông chợ là mặt đường Tô Hiến Thành, nơi xe cộ cũng lưu thông tấp nập nhưng tình trạng rác thải đúng là “quá thể”.

Có một nơi được quy định để tạm tập trung rác lại, nhưng các thùng rác chờ xe đổ rác đến lấy nằm xuôi ngược hỗn loạn, còn rác thì bị đổ tràn cả ra đường.

Tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), một trong những chợ lâu đời của TP.HCM, tình hình vệ sinh cũng rất đáng báo động bởi chợ đang trong tình trạng xuống cấp. Nhà lồng chợ chật hẹp với gần 1.500 sạp kinh doanh tập trung các ngành hàng thực phẩm là chủ yếu, bao gồm thịt cá tươi sống, rau củ quả, trái cây, hàng đã qua sơ chế, chạp phô…

Do nền chợ thấp hơn mặt đường nên luôn bị đọng nước, sình lầy, trông rất nhếch nhác. Một người dân ở gần chợ than thở rằng ngày mưa thì chợ lầy lội, nhớp nhúa, ngày nắng nóng thì nước kênh, nước thải bốc mùi. Dù buổi trưa xe rác đã gom rác nhưng chỉ một lúc sau đã lại thấy rác hiện ra ở góc đường, vây lấy gốc cây, cột đèn.

Con hẻm gần chợ cũng là chỗ tập kết rác

Đó là tình cảnh chung thường thấy ở hầu hết các chợ. Các con đường vào chợ thường bị người bán hàng lấn lòng đường, rác thải từ bịch nylon, giấy má, rau trái hư thối… vương vãi khắp nơi.

Tại các hàng quán bán phở, hủ tiếu, cháo…, thức ăn thừa cùng nước rửa chén được tống thẳng xuống cống thoát nước. Chủ một sạp bán rau ở chợ Trần Hữu Trang (quận Phú Nhuận) coi đó là điều hiển nhiên: “Đã là chợ, nơi trăm người bán vạn người mua thì làm sao mà sạch sẽ được!”.

Để tiện cho việc bán hàng, nhiều người bán lấn vỉa hè, còn những người mua hàng thì tùy tiện dừng xe dưới lòng đường khiến nhiều đoạn đường thường xuyên chật chội, gây kẹt xe vào giờ cao điểm. Đáng nói nhất là khu vực bán thủy sản.

Do tính đặc thù của loại hàng này là mau ươn chóng thối nên các hàng tôm cá thường được bố trí ở cuối nhà lồng chợ. Cá sống phải đựng trong thau đầy nước nên các bà hàng cá ngồi xổm trên nền chợ, không cách gì tránh được cảnh nước thải tràn lan ra nền.

Người mua thường yêu cầu người bán làm sạch cá nên hàng cá nào cũng có đầy những phế phẩm từ cá, nước đổ lênh láng, bốc mùi tanh nồng rất khó thở. Chạy dọc hai bên nhà lồng là hai rãnh thoát nước chứa các loại nước thải, rác tạp nham rất mất vệ sinh.

Bên ngoài khu vực nhà lồng tình trạng cũng chẳng khá hơn. Dọc theo các con đường trong chợ, qua các hàng bán trái cây, rau quả, chỗ nào cũng gặp rác, từ túi nylon, trái cây, hoa hư thối, cần xé đựng rơm rác…, cho dù nhiều nơi vẫn gắn bảng “Cấm đổ rác!”.

Rác trước cửa chợ Hòa Hưng . Dù có thùng rác nhưng rác vẫn được vứt bừa bãi ra đường

Đã có nhiều cuộc vận động, tuyên truyền giữ gìn chợ sạch đẹp, mạnh hơn nữa là “Chung tay hành động vì tháng không rác”, nhưng xem ra, ý thức của tiểu thương và người dân chưa cao.

Chợ là một nét văn hóa truyền thống đẹp mang đậm tính địa phương, vùng miền, không chỉ đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi của người địa phương mà còn thu hút khách du lịch đến khám phá. Tuy nhiên, với tình trạng mất vệ sinh như vậy, chính những người gắn bó với chợ đã làm xấu đi hình ảnh của chợ và còn đánh mất cơ hội kinh doanh của họ.

Nói về vấn đề ô nhiễm tại các chợ, hầu hết các ban quản lý thừa nhận đó là vấn đề khá nan giải. Tình trạng ô nhiễm không chỉ do rác bẩn mà còn do không có hệ thống xử lý nước thải phù hợp, nhiều chợ như Tân Định, Phú Nhuận, Bà Chiểu… luôn phải đối mặt với tình trạng ngập do mưa lớn và triều cường.

Để khắc phục, phải có kế hoạch và kinh phí thực hiện vì nhiều chợ đã xuống cấp trầm trọng nhưng vẫn phải để tồn tại vì chưa có được phương án chợ tạm thay thế. Do vậy, các cơ quan chức năng phải xem đây là một bài toán phức tạp, chứa đựng nhiều yếu tố liên quan đến kinh tế – xã hội của nhiều khu vực dân cư mà có hướng giải quyết tổng thể, theo từng giai đoạn, bước một cách hợp lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ôi, chuyện hằng ngày ở... chợ!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO