Những câu chuyện về sự đụng chạm

RENATE HAUSLER - LÊ TÂM dịch/DNSGCT| 10/09/2012 04:16

Quan điểm về sự đụng chạm vào người khác của người Việt Nam không giống người phương Tây.

Những câu chuyện về sự đụng chạm

Quan điểm về sự đụng chạm vào người khác của người Việt Nam không giống người phương Tây.

Renate Haeusler

Tôi sống ở Đà Lạt, nơi các cặp thường đi nghỉ tuần trăng mật. Vậy mà hiếm khi tôi nhìn thấy họ nắm tay nhau chứ chưa nói đến việc hôn nhau. Có vẻ như ở Việt Nam, việc đụng chạm giữa các cặp đôi đang yêu hay các cặp vợ chồng không nên để mọi người nhìn thấy ở chốn công cộng.

Tuy nhiên, tôi lại bắt gặp những người bạn đồng giới vô tư khoác vai nhau ngoài đường. Tôi không hiểu vì sao bạn bè đồng giới thể hiện tình cảm được nhưng các cặp đôi yêu nhau thì lại không?

Với người nước ngoài, dù đã cưới hay chưa cưới thì việc nắm tay nhau và hôn nhau nơi công cộng là việc bình thường. Người Pháp, người Tây Ban Nha và người Ý đặc biệt thích những cử chỉ thân mật và họ ôm hôn nhau thường xuyên. Ngay cả với bạn bè họ cũng thích cách thể hiện tình cảm như vậy.

Ở Việt Nam, đôi lúc cũng có người chạm vào tôi bằng cách chụp lấy bàn tay nhưng tôi không thích điều này cho lắm. Người nước ngoài thường không thấy thoải mái khi có người lạ xâm phạm đến không gian cá nhân của mình khi chưa hề chào hỏi. Tôi hỏi những người bạn Việt Nam của tôi về điều này thì họ bảo đó là cử chỉ đem lại may mắn. Nếu thế thì tôi cũng phải giữ lại cho mình chút may mắn chứ nhỉ?

Tất nhiên tôi biết rõ có những người chủ ý xâm phạm đến sự riêng tư của tôi bằng cách chạm vào mà không xin phép. Tôi không thích bị người bán hàng chụp lấy tay khi đi chợ.

Một người bạn Việt Nam cho tôi biết kiểu chụp tay trong chợ này chỉ xảy ra với khách nước ngoài. Có lẽ những người bán hàng hy vọng họ sẽ bán được cho khách nước ngoài với giá cao hơn.

Tôi không thích bị những người bán hàng chặn lại để mời chào. Tôi thừa thông minh để biết mình cần mua gì chứ. Cũng may là điều này không xảy ra với tôi ở Đà Lạt. Tôi chỉ bị như vậy khi đi chơi các thành phố khác của Việt Nam và bị tưởng nhầm là khách du lịch.

Khoảng cách giữa mọi người với nhau cũng là một vấn đề. Khi băng qua đường từ hai hướng ngược nhau, tôi để ý thấy người Việt thường tiến đến rất sát.

Họ thường không để ý đến việc chừa ra khoảng cách vừa đủ cho người phương Tây đi qua, trong khi đó lối đi thì hẹp mà người nước ngoài lại thường cao to.

Ngay cả khi không đụng chạm gì vào nhau thì việc đi quá sát cũng khiến người nước ngoài thấy không thoải mái.

Người phương Tây rất tôn trọng luật lệ khi tham gia  giao thông

Người phương Tây rất tôn trọng luật lệ khi tham gia giao thông. Nếu có ai tiến đến gần, chúng tôi sẽ bước sang bên để họ có lối đi qua một cách dễ dàng. Khi lái xe chúng tôi cũng theo nguyên tắc này.

Trong khi đó, ở Việt Nam, xe cộ đi hay đứng lại đều sát cạnh nhau. Người Việt Nam có thể quen với điều này, nhưng người phương Tây lại thấy hơi sốc.

Điều cuối cùng mà tôi muốn nói tới là cường độ khi tiếp xúc với người khác. Tôi thường thấy thanh niên và trẻ con chào nhau với một cái vỗ vai hoặc thỉnh thoảng đá nhau. Điều này thật khó hiểu. Trẻ con tan học thường lao đến húc vào nhau và sau đó chạy mất. Các trường học phương Tây không cấm các em đùa với nhau nhưng giải thích cho các em biết rõ sự đụng chạm xâm phạm đến người khác là không được phép.

Ở trường tôi dạy tại Đà Lạt, có một đứa trẻ bỗng chạy đến đá tôi một cái, chắc là để xem người nước ngoài có gì lạ không. Thế nhưng mẹ em chẳng hề làm gì để nhắc nhở con mình về hành vi bất lịch sự. Thật kỳ lạ.

Nói tóm lại, càng ở Việt Nam, tôi càng ngạc nhiên về sự khác biệt giữa văn hóa phương Tây và văn hóa Việt Nam trong vấn đề đụng chạm cơ thể. Sự đông đúc trong một diện tích chật hẹp có thể là cách lý giải cho việc mọi người hay đụng vào nhau, nhưng bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng thói quen thiếu tôn trọng người khác mới là nguyên nhân cơ bản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những câu chuyện về sự đụng chạm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO