Nhìn an sinh xã hội dưới góc độ kinh tế công

TS. PHẠM THỊ ĐỊNH, Đại học Kinh tế Quốc dân - TRÌNH TIÊU ghi| 27/12/2011 01:07

Chiến lược an sinh xã hội giai đoạn 2011-2020 hướng tới mục tiêu an sinh xã hội bền vững. Tuy nhiên, dưới góc độ kinh tế, chúng ta lấy tiền ở đâu để thực hiện các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội và điều này càng không đơn giản với chính sách kinh tế của nhà nước hiện nay.

Nhìn an sinh xã hội dưới góc độ kinh tế công

Chiến lược an sinh xã hội giai đoạn 2011-2020 hướng tới mục tiêu an sinh xã hội bền vững. Tuy nhiên, dưới góc độ kinh tế, chúng ta lấy tiền ở đâu để thực hiện các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội và điều này càng không đơn giản với chính sách kinh tế của nhà nước hiện nay.

Việt Nam đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, trong đó, quy luật cung - cầu chính là cơ chế vận hành của nền kinh tế thị trường.

Cái hay của quy luật cung - cầu là dù ở Mỹ, ở Pháp hay ở Việt Nam..., quy luật này đều giống nhau ở chỗ: chọn cái gì, số lượng bao nhiêu, như thế nào để có được chi phí thấp nhất.

Chẳng hạn, giá thịt heo tăng cao, nhưng nhiều người vẫn nói, thị trường sẽ điều tiết: Lợi nhuận cao sẽ có nhiều người tham gia sản xuất, kinh doanh và khi nhiều người tham gia, chi phí sẽ giảm xuống, kéo giá thịt heo giảm theo.

Tuy nhiên, lỗ hổng lớn nhất của kinh tế thị trường là phân hóa giàu nghèo. Ngày càng có nhiều người có hàng chục tỷ đồng, nhưng số lượng người dân thu nhập mỗi tháng chỉ dăm trăm ngàn đồng cũng ngày càng đông.

Vấn đề cấp bách là nhà nước phải can thiệp để xã hội phát triển công bằng, giảm sự phân hóa giàu nghèo. Kinh tế thị trường của Mỹ, Đức và Việt Nam có thể giống nhau, nhưng kinh tế công của Việt Nam phải khác các nước.

Đồng ý là chúng ta cố gắng mở rộng diện thụ hưởng an sinh xã hội càng rộng càng tốt, nhưng hãy thận trọng và phải nhìn vào trạng thái của nó nữa.

Một giáo sư đại học của Bỉ đã nhận xét, phúc lợi ở châu Âu quá tốt, người dân rất hài lòng về cuộc sống. Nhưng ngược lại, người Mỹ lại nói: châu Âu già cỗi và chính phúc lợi xã hội đã làm cho châu Âu không phát triển được, người lao động trở nên lười biếng.

Đối với Việt Nam, một nước đi sau, chúng ta phải rút kinh nghiệm từ thực tế đó.

Sự sụp đổ của một số nền kinh tế châu Âu chứng tỏ nền kinh tế kế hoạch hóa có nhiều lỗ hổng, đã lỗi thời và không còn phù hợp với thực tế.

Khủng hoảng nợ công đã lan rộng từ Hy Lạp (Hy Lạp có mức nợ công lớn nhất tại châu Âu (236 tỷ USD) so với quy mô nền kinh tế), Ireland, Bồ Đào Nha sang cả nền kinh tế lớn hơn nhiều là Ý. Tất nhiên, một trong những vấn đề liên quan là đồng tiền chung của châu Âu.

Bảo đảm ngày càng tốt hơn an sinh xã hội và phúc lợi xã hội là chủ trương, nhiệm vụ lớn của Đảng, Nhà nước ta - Ảnh: Dân Việt

Trước đây, khi thành lập đồng tiền chung châu Âu, các nước phát triển như Đức, Pháp, Anh... rất có lợi, song những nước kém phát triển hơn như Hy Lạp lại mất lợi thế cạnh tranh, thuế thu được ít trong khi phúc lợi xã hội vẫn phải chi tiêu bình thường.

Trường hợp này, nếu sử dụng đồng tiền riêng, các nước này có thể phát hành thêm tiền để bù đắp thiếu hụt, nhưng với đồng tiền chung, họ không thể dùng cách này mà buộc phải tăng vay nợ.

Điều đáng nói, các nước này đi vay tiền về để chi tiêu cho an sinh xã hội chứ không phải để đầu tư sản xuất và điều này đang là vấn đề của châu Âu.

Phạm trù an sinh xã hội rộng, nhưng tựu chung là nhằm đảm bảo cho con người mức sống không chỉ tối thiểu mà còn ở mức tốt hơn. Dưới góc độ kinh tế công, Nhà nước sẽ can thiệp vào nền kinh tế bằng nhiều biện pháp khác nhau.

Một là, trực tiếp tham gia sản xuất. Nhà nước sản xuất hàng hóa bán cho người tiêu dùng với giá hợp lý, thậm chí là giá rẻ, giúp người dân không phải mua hàng hóa giá quá cao so với chi phí thực.

Hai là, thông qua công cụ - ở đây là ngân sách nhà nước, để hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, người có thu nhập thấp.

Chúng ta mở rộng an sinh xã hội, nhưng chỉ ở mức tối thiểu hoặc trên tối thiểu. Còn nếu muốn an sinh xã hội ở mức tốt hơn nữa, hãy dùng công cụ xã hội hóa, có nghĩa là chúng ta đừng dựa vào ngân sách, mà hãy tự đóng góp thực hiện an sinh xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Hiện nay, nguồn thu của ngân sách nhà nước chủ yếu từ thuế. Nhà nước hoàn toàn có thể phân bổ lại tiền thu từ thuế cho các vấn đề an sinh xã hội, chẳng hạn như hỗ trợ giá vé xe buýt cho sinh viên. Như vậy, nhà nước đã dùng chính sách kinh tế công phục vụ cho an sinh xã hội.

Chúng ta xây dựng pháp luật là để bảo vệ quyền lợi của người dân, người lao động. Các nhà hoạch định chính sách cần lưu tâm đến những vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống để pháp luật không chỉ được làm ra, mà còn được thực thi trong cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhìn an sinh xã hội dưới góc độ kinh tế công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO