Người trẻ thất nghiệp nhiều là thất bại của xã hội

MAI LAN| 22/08/2011 00:17

Thất nghiệp trong giới trẻ tăng cao, đang trở thành một vấn đề nan giải trên toàn cầu mà Bộ trưởng việc làm cảa Anh Chris Graling mới đây đã phải gọi đó là “những quả bom nổ chậm”.

Người trẻ thất nghiệp nhiều là thất bại của xã hội

Thất nghiệp trong giới trẻ tăng cao, đang trở thành một vấn đề nan giải trên toàn cầu mà Bộ trưởng việc làm cảa Anh Chris Graling mới đây đã phải gọi đó là “những quả bom nổ chậm”.

Người lao động tìm kiếm việc làm tại một hội chợ việc làm tổ chức ở Hà Nội

Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy khốc liệt này nhưng điều đáng nói là tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Việt Nam lứa tuổi 15-29 chiếm tới 2/3 tổng số người thất nghiệp, buộc chúng ta phải suy nghĩ.

Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, xét riêng về tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam so với khu vực thì chúng ta đứng ở mức trung bình với 2,88%, nhưng tỷ lệ thiếu việc làm lại ở tỷ lệ cao là 5,2%.

Cũng lưu ý rằng, Tổ chức Lao động Quốc tế ILO đã khuyến nghị: để có được bức tranh thực về tình trạng việc làm, đặc biệt là ở những nước đang phát triển, nơi có mức an sinh xã hội thấp, thì việc xem xét đồng thời hai chỉ tiêu thất nghiệp và thiếu việc làm là cần thiết bởi chúng bổ sung và giải thích cho nhau.

“Nhàn cư vi” có… “bất thiện”!

Cả nước có 1,3 triệu lao động thất nghiệp, trong số này người thất nghiệp tuổi từ 15-29 chiếm tới 64,9%, mà lớn nhất là nhóm tuổi 20-24 (26,6%), tiếp theo là nhóm tuổi 25-29 (20,9%). Nhóm tuổi lao động trẻ nhất (15-19) vẫn có tới 17,4% thất nghiệp.

Về tình trạng lao động thiếu việc làm, bà Nguyễn Thị Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Quốc gia dự báo và thông tin thị trường lao động (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết theo khảo sát của trung tâm thì tỷ lệ thiếu việc làm của cả nước là 7,7% (cao hơn con số của Tổng cục Thống kê, trong cùng thời điểm).

Đáng chú ý là, ngày càng nhiều lao động thành thị rơi vào tình trạng phải làm những công việc không phù hợp hoặc không làm việc đủ thời gian cần thiết để có thu nhập đủ sống. Và, ngày càng có nhiều lao động thanh niên trong độ tuổi 15-24 phải làm các công việc thuộc lựa chọn thứ hai của họ vì thiếu cơ hội việc làm phù hợp với trình độ học vấn hoặc thiếu kinh nghiệm làm việc so với lao động trưởng thành.

Hằng năm, cả nước có khoảng 1 triệu học sinh tốt nghiệp tú tài, cộng với số học sinh rớt đại học – cao đẳng các năm trước, như vậy tổng cộng gần 2 triệu lượt thí sinh tham dự tuyển sinh vào đại học – cao đẳng hằng năm nhưng chỉ khoảng 500.000 sinh viên đậu.

Mỗi năm cũng còn khoảng 800.000 học sinh không vào được ĐH-CĐ, bao nhiêu em kiên trì thi lại? Bao nhiêu em “bổ sung” vào đội quân thất nghiệp hằng năm? Ngay trong các sinh viên tốt nghiệp đại học, tỷ lệ thất nghiệp cũng không phải nhỏ. Điều này trở thành nỗi ám ảnh của các tân cử nhân.

Theo điều tra của Viện Nghiên cứu thanh niên, 70% sinh viên Việt Nam cho biết lo lắng hàng đầu hiện nay là việc làm. Điều tra của Bộ GD-ĐT, cả nước có tới 63% sinh viên tốt nghiệp ĐH-CĐ ra trường không có việc làm, 37% có việc làm nhưng nhiều SV phải làm trái nghề hoặc phải qua đào tạo lại.

Đáng lo ngại hơn, ông Lê Quang Trung, Phó cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết: sáu tháng đầu năm 2011 tình trạng lao động mất việc làm tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2010.

Dorothea Schmidt, đồng tác giả bản nghiên cứu về tình trạng thất nghiệp trong thanh niên của tổ chức ILO, nói. “Khi tỷ lệ thất nghiệp tăng, các hành động tội phạm cũng tăng theo”.

Ở Việt Nam, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp và thiếu việc làm tăng cao, lại tỷ lệ thuận với con số các vụ án được xét xử do tòa án công bố: Số thanh niên phạm tội hình sự ngày càng tăng, số thống kê chưa đầy đủ cũng đã cho thấy trên 60% người phạm tội hình sự ở trong độ tuổi thanh niên từ 15-30. Hệ lụy nhãn tiền đã rõ!?

Nhà báo Peter Coy trong một bài nghiên cứu phạm vi toàn cầu về nạn thất nghiệp của thế hệ trẻ có tri thức trên tạp chí Bloomberg Businessweek đã đưa ra nhận định: tình trạng thất nghiệp ở mỗi nước một khác nhau, nhưng đều có chung một yếu tố là sự thất bại không phải chỉ của lớp người trẻ không tìm được một chỗ đứng trong xã hội, mà cũng là sự thất bại của chính xã hội đã không khai thác được năng lực, trí thông minh, và sự nhiệt tình của thế hệ tiếp theo.

Một khi nền kinh tế không lo đủ việc làm cho những người trẻ có tri thức thì dễ tạo ra một thế hệ bất mãn và là mầm mống gây ra những xung đột dẫn đến sự rối loạn xã hội.

Để phát triển bền vững: Hãy bắt đầu từ người trẻ!

Ai cũng hiểu, giải pháp thành công cho nạn thất nghiệp là nền kinh tế phát triển mạnh và bền vững, để tạo nguồn việc làm. Song đó là điều khó khăn, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu như hiện nay.

Đến nỗi Wendy Cunningham, một chuyên viên về phát triển thanh thiếu niên của Ngân hàng Thế giới phải kêu lên rằng “Nếu chúng tôi biết cách phát triển đúng, chúng tôi sẽ đoạt được giải thưởng Nobel”.

Tuy vậy, các báo cáo, các công trình nghiên cứu của nhiều tổ chức trong và ngoài nước đã cùng có một góc nhìn: nạn thất nghiệp này có thể giảm xuống qua những cố gắng phối hợp giữa chính phủ, lao động, giới kinh doanh, ngành giáo dục và chính những người trẻ.
Sự gắn kết giữa giáo dục và doanh nghiệp là yếu tố hàng đầu mà các chuyên gia đề nghị.

Vì, chỉ có vậy, các sinh viên - học sinh ngay khi ra trường mới có thể đáp ứng được kỹ năng làm việc theo yêu cầu của các doanh nghiệp.

Ông Đặng Đức Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh nêu thực trạng: rất ít doanh nghiệp lựa người được việc ngay, nên vẫn tồn tại thực tế SV cứ than thất nghiệp còn doanh nghiệp lại kêu thiếu người. Đó là do chương trình đào tạo trong trường không gắn với thực tiễn, sinh viên chỉ có kiến thức lý thuyết nhưng khả năng thực hành kém.

Đồng ý với nhận định trên, PGS-TS Nguyễn Hồi Loan - Trưởng phòng Chính trị và công tác SV, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh cho rằng có một độ “vênh” nhất định giữa đào tạo và yêu cầu của thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội. Độ vênh đó thể hiện cả trong kiến thức, các kỹ năng cứng và mềm của sinh viên.

Với Nhà nước, bên cạnh việc thay đổi các cơ chế, chính sách tuyển dụng, đào tạo nghề, là tăng cường chính sách bảo trợ xã hội, một nhân tố giúp lực lượng trẻ có thêm cơ hội tiếp cận với công việc tốt hơn.

Bà Nguyễn Thị Hải Vân nói: “Việc thiếu các chương trình an sinh xã hội đầy đủ ở Việt Nam là một phần nguyên nhân. Thực tế cho thấy, nhiều lao động bị mất việc làm khi nền kinh tế rơi vào tình trạng bất ổn, dẫn đến việc họ không có đủ điều kiện để duy trì cuộc
sống trong tình trạng thất nghiệp”.

Bà Rie Vejs- Kjeldgaard - Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam - cũng đề nghị: “Điều quan trọng là Việt Nam phải hoàn thiện một chiến lược bảo trợ xã hội mới nhằm đáp ứng những mong đợi đang thay đổi của người dân, từ đó giúp người dân có thể tiếp cận với những cơ hội việc làm tốt và nhiều hơn nữa”.

Cuối cùng, mọi sự nâng đỡ người trẻ sẽ không thành công nếu họ không “tự cứu mình trước” bằng sự năng động trong việc tự tìm kiếm thêm kiến thức, nâng cao bản lĩnh cuộc sống nghề nghiệp trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Người trẻ thất nghiệp nhiều là thất bại của xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO