Nghề ép dẻo

MINH NGA| 13/12/2011 00:39

Ép dẻo - từ lạ lẫm thành quen, hình ảnh, tiếng rao của những người làm công việc ép dẻo từ thô sơ đến hiện đại đã quá đỗi bình dị và thân thuộc với người Sài Gòn.

Nghề ép dẻo

Khi nhu cầu ép những bằng lái xe, CMND xuất hiện thì tự dưng những người làm công việc này cũng có 1 cái nghề, đáng nói hơn là 1 cái nghề để mưu sinh. Có xa lạ gì đâu hình ảnh gười đàn ông còng lưng đẩy chiếc xe qua các dãy trọ, có hay ho gì đâu tiếng rao cứ sáng sáng chiều chiều vang lên.

Ấy vậy mà cứ mỗi lần gặp ông là y như là bao nhiêu cảm xúc lại chực tràn, nhất là với những sinh viên xa quê. Ông gợi cho họ nhớ quay quắt người cha ở nhà có khi cũng đang còng lưng chạy những chuyến xe ôm hay quẩy thúng lúa trên đồng. Rồi lại có 1 người phụ nữ ngồi ép dẻo bằng 1 cái bàn ủi ngay trước nhà thờ Thị Nghè khiến bao người qua đường bỡ ngỡ, nhạc nhiên..

Từ lạ lẫm thành quen, hình ảnh, tiếng rao của những người làm công việc ép dẻo từ thô sơ đến hiện đại đã quá đỗi bình dị và thân thuộc với người Sài Gòn.

Từ tiếng rao quen thuộc…

Giữa làng ĐH Thủ đức nhộn nhịp, xô bồ với vô vàn những âm thanh nhưng không phải thứ âm thanh nào cũng dễ nhớ như tiếng rao ép dẻo này. Nhất là vào những buổi chiều, khi đám sinh viên tan học cũng là lúc chúng tôi nghe và thấy rõ nhất âm thanh cùng hình ảnh những người làm nghề ép dẻo. Chỉ với một chiếc máy phát điện công suất nhỏ, một chiếc máy ép plastic, vài tập giấy nhựa dẻo và một số dụng cụ nhỏ gọn khác... là ông Nguyễn Đức Nghĩa có thể hành nghề rồi.

Ông Nghĩa quê ở tận Thanh Hóa, gia đình mấy đời bám ruộng bám đất làm ăn mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Ông cùng con trai lưu lạc vào Sài gòn cũng chỉ mong có 1 cái nghề nào đó đỡ vất vả hơn cái nghiệp làm ruộng hay không thôi. Ngày đi ông cũng mơ hồ nghĩ tới một số nghề như thợ hồ, ve chai…nhưng đặt chân vào phố thị thì ông mới biết là không dễ dàng gì. Ở cái tuổi 60, sức khỏe không còn như thanh niên trai tráng nên làm hồ một thời gian rồi thôi.

Ông Nghĩa cùng con trai gom góp chút vốn liếng của những ngày làm thợ hồ để mua lại 2 chiếc máy ép dẻo cũ, mỗi chiếc thời ấy là 1,5 triệu đồng. Thế là từ ngày đó, một cha một con- sáng sáng lúc 7g mỗi người chia ra 1 ngã. Cha thì xuống tận làng ĐH Thủ đức còn con thì dọc dọc ở xóm trọ gần cầu vượt Linh Xuân. Tối tối họ gặp nhau trong 1 gian trọ nhỏ tại ngã ba 621 trên Xa Lộ Hà Nội, cùng nhau đếm lại những đồng tiền lẻ, cùng nhau chia 5 xẻ 7.

 Phần này thì đóng tiền trọ, phần này thì gởi về cho gia đình, phần này thì để dành phòng khi đau ốm bệnh tật. Mỗi phần như vậy chỉ vài 3 chục ngàn thôi vì thu nhập 1 ngày có nhiều nhặn gì đâu. “Ngày nào đi nhiều, ép được nhiều thì cũng được 70.000- 80.000 ngàn, nhưng chi tiêu đủ thứ 2 cha con cũng không đủ. Phải tiện tặn lắm mới có tiền gởi về quê” - ông Nghĩa cho biết.

Ông đẩy xe đi khắp các con hẻm của làng ĐH Thủ Đức, những xóm trọ và cả trong ký túc xá. Khách hàng của ông không cần nói cũng biết là sinh viên. Họ ép dẻo những là bằng lái xe, CMND, là thẻ sinh viên, thẻ thư viện...Chỉ cần tốn 10 ngàn đồng và chờ 2-3 phút là có thể cầm trong tay chiếc thẻ tươm tất.

Theo ông Nghĩa thì đây là nghề dễ kiếm sống nhất, chỉ cần có sức khỏe và sự chịu khó. Nhưng ai mà chẳng mỏi gối chồn chân, nhất là ở tuổi xế chiều như ông. Bởi vậy mà trên xe của ông luôn có 1 chiếc ghế nhựa. Ông bảo lúc nào đẩy xe mệt là lấy ghế ngồi nghỉ, uống ly nước mía cho khỏe rồi đi tiếp. 3 năm chưa phải là quãng thời gian dài để nói là gắn bó với 1 cái nghề nào đó. Nhưng với 2 cha con ông Nghĩa thì cũng có khá nhiều kỷ niệm vui buồn, cũng đủ cho ông nhận ra rằng; cái nghề mưu sinh nào cũng đầy mồ hôi, nước mắt. Và đã trót chọn nó làm kế sinh nhai thì hỏi sao không yêu. Yêu những con đường dài thăm thẳm, những con hẻm sâu hoắt, yêu cả những tiếng rao…Và có khi nó ám ảnh trong cả giấc ngủ…!

Đến lạ lẫm với nghề ép thủ công

Bà Hồ Thị Hoa nói: “Suốt 27 năm cầm cái bàn ủi nóng để ép, lúc sơ ý để nó đụng vào tay bị phồng đỏ hết. Tối về nó đau rát lắm. Nhưng riết rồi cũng quen, chẳng thấy đau nữa.” - ảnh M.N

Chí ít ra ông Nghĩa làm cái nghề ép dẻo cũng còn hiện đại với máy móc còn như bà Hồ Thị Hoa thì hoàn toàn thủ công. Dụng cụ hành nghề của bà duy nhất là 1 chiếc bàn ủi bằng sắt, 1 ít giấy ép...

Thế là đủ. Nói thì có vẻ khó tin nhưng chúng ta cứ thử đến trước nhà thờ Thị Nghè trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh- Quận Bình Thạnh mà xem. Bà ngồi đó và làm nghề đó 27 năm liền. Những người lần đầu tiên mới ghé đều trố mắt ngạc nhiên, không hiểu tại sao giữa trưa nắng oi ả lại có cái bàn ủi sắt nóng hổi than hồng ở đó.

Khi bà nói đó là dụng cụ ép dẻo thì họ lại càng tò mò hơn, không biết bà làm thế nào mà có thể ép các loại giấy tờ bằng cái bàn ủi sắt cũ kỹ kia được. Nhưng tất cả nghi vấn đều được sáng tỏ khi bà cho tấm bằng lái xe vào trong miếng giấy ép, để lên 1 tấm gỗ mỏng và đặt lên đùi.

Sau đó lấy bàn ủi bắt đầu ủi xung quanh 4 mép của tấm bằng lái. Cuối cùng là dùng tấm gỗ đè đi đè lại 1 lần nữa thật chặt và lấy kéo cắt gọn gàng. Lạ thay! Nhìn tấm thẻ ép thủ công không khác với ép bằng máy là mấy.

2 bàn tay bà chai sần và nổi những đốm bỏng nhỏ. Bà nói: “Suốt 27 năm cầm cái bàn ủi nóng để ép, lúc sơ ý để nó đụng vào tay bị phồng đỏ hết. Tối về nó đau rát lắm. Nhưng riết rồi cũng quen, chẳng thấy đau nữa.” Vậy mà không bao giờ bà có ý định bỏ cái nghề này. Không chỉ bởi có cái nghề mà làm với người ta, không chỉ giúp bà kiếm mỗi ngày 5- 7 chục. Mà hơn hết là chỗ ngồi này, con đường này 27 năm nay biết bao là kỷ niệm, chứng kiến bao nhiêu là đổi thay.

Nghĩ cũng lạ! Ngày nay công cụ máy móc tiên tiến là thế mà cũng còn những người làm cái nghề chỉ bằng đôi bàn tay khéo léo và những dụng cụ thô sơ. Mà lạ hơn nữa là ngày càng nhiều người tìm đến bà, chỉ đơn giản là để éo 1 cái bằng lái, CMND, thẻ học sinh cho con. 

Đôi khi những người làm cái nghề ép dẻo sáng đây chiều đó hay suốt ngày bám víu 1 góc đường mà bị người đời phân biệt là nghề sang, nghề hèn và cũng từ đó mà bảo người này sang, người kia hèn.

Nhưng trong cuộc sống, tuyệt nhiên đâu có thể có cái khái niệm như vậy đựơc. Nghề nào cũng là nghề đáng trân trọng khi nó chân chính và được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt của những người lao động nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nghề ép dẻo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO