Mười ngàn ba trái thơm

MẠC ĐẠI| 15/07/2011 00:13

Mười ngàn ba trái thơm... Mười ngàn ba trái thơm”. Tiếng ba gác máy đã xa hút rồi mà tôi vẫn loay hoay với các con tính. Sao lại mười ngàn ba trái thơm. Bán được ba trái thơm, anh chàng này lời được bao nhiêu? Nếu lời một ngàn thì có đủ tiền đổ xăng không?

Mười ngàn ba trái thơm

Chung cư có khoảng sân rất rộng, lại có đường bao quanh thuận tiện nên lúc nào cũng ồn ào như một cái chợ. Mà đúng là chợ thật vì người ta bày bán tất tần tật mọi thứ, từ keo bẫy chuột đến hàng điện máy cao cấp. Dù đôi lúc cũng hơi bực mình, nhất là bị dựng dậy trong lúc đang ngon lành giấc trưa hiếm hoi, nhưng tôi vẫn thích nghe những tiếng rao đủ cung bậc, đủ giọng Bắc, Trung, Nam và ngắm nhìn sự chộn rộn đầy sức sống bên dưới sân chung cư.

Sáng nay rảnh rỗi, xuống sân gia nhập cái chợ tự phát. Hình như người ta không còn than van về chuyện bão giá nữa. Không phải vì cơn bão thôi không càn quét, mà bởi người ta cũng đã quen rồi. Với lại càng nói thì giá cả lại càng lên. Thôi thì cứ nở nụ cười, dù hơi héo một chút cũng được, để người mua kẻ bán đỡ phải ái ngại.

Đang chăm chú quan sát, tôi bỗng giật mình và đứng nép vào lề. Lại cái anh chàng chạy xe ba gác thường hay báo hiệu sự xuất hiện của mình bằng những tràng nẹt pô điếc tai. Sáng nay cũng vậy, anh cùng con chiến mã hiên ngang tiến vào khu chợ và dõng dạc rao: “Mười ngàn ba trái thơm, sáu ngàn một ký dưa Long An”.

Vừa rao anh vừa nhún nhảy, lắc lư, đá lông nheo với mấy dì hàng xén như muốn ngỏ lời “cho tui ké chút nghen”. “Bán đúng giá thôi, ai có đưa mười ngàn mà lấy hai trái thơm tui cũng không bán”, anh chàng hay tếu táo, thế nên mỗi khi anh xuất hiện, dù mọi người tranh nhau mua, mấy dì hàng xén cũng không lấy đó làm khó chịu.

“Mười ngàn ba trái thơm... Mười ngàn ba trái thơm”. Tiếng ba gác máy đã xa hút rồi mà tôi vẫn loay hoay với các con tính. Sao lại mười ngàn ba trái thơm. Bán được ba trái thơm, anh chàng này lời được bao nhiêu? Nếu lời một ngàn thì có đủ tiền đổ xăng không?

Chiếc ba gác già khú đế kia chắc chắn là uống xăng như trâu uống nước mương rồi. Nếu anh lời hơn một ngàn thì người nông dân sẽ thu được mấy ngàn một trái thơm ngay từ mảnh ruộng của mình? Nhìn những trái thơm no tròn, vàng hực mà thấy chạnh lòng.

Ngày trước, vườn nhà nội tôi cũng có trồng thơm. Nói là trồng cho vui thôi, chứ dưới cái bóng tre um tùm thiếu nắng đó thì có cây gì sống được ngoài mấy khóm riềng và dăm bụi hoàng tinh, thế nên nội tôi cứ thả hoang khu vườn, có gì hay nấy.

Những bụi thơm trong vườn của nội cứ lớp sau chồng lên lớp trước mà sinh tồn. Thế hệ sau còm cõi hơn thế hệ trước một ít. Trái mùa sau nhỏ và chua hơn trái mùa trước một ít.

Cứ thế mà chen chúc nhau sống. Không biết khu vườn đã có được bao lâu, nhưng khi tôi biết lần mò ra bờ tre, lén lút ngắm nghía thì những trái thơm lớn nhất cũng không to hơn nắm tay người lớn bao nhiêu.

Vốn hà tiện có tiếng trong vùng, nên chỉ khi nào cao hứng lắm nội mới ra sau vườn bẻ một trái thơm đãi lũ cháu. Trái thơm bé tí, mắt lại to và sâu hoắm, nên khi ngồi chờ nội gọt thơm tôi không ít lần thót ruột như thể da thịt mình vừa bị đứt mất một miếng khi thấy nội lỡ lạng dao vào hơi sâu một tí.

Cuối cùng thì “báu vật” cũng hiện hình, bé tí tẹo trông đến tội nghiệp. Nhưng không phải một mình tôi được hưởng trọn “báu vật” đâu. Nội sẽ sàng chia trái thơm làm nhiều phần. Phần lớn nhất bao giờ nội cũng dành cho anh Quân, con cả của bác tôi, dù anh có mặt hay không.

Còn lại thường là chia làm bốn cho tôi, một ông anh con cô Sáu và hai ông anh con bác Năm. Cầm miếng thơm trong tay, chúng tôi không dám cắn mạnh mà chỉ nhấm nhá và mút cái cùi vì sợ nó tiêu biến.

Trái thơm đèo, lại còn non mà cứ mút hoài nên đứa nào hai bên mép cũng sưng vù, rướm máu. Vậy đó, trái thơm với lũ trẻ nghèo miền Trung chúng tôi thuở ấy gần như là một báu vật. Cho đến bây giờ tôi vẫn thích ăn cùi thơm. Chẳng biết có phải đó là cái thèm của tuổi thơ còn sót lại.

“Mười ngàn ba trái thơm”. Tôi chưa hết loay hoay với các phép tính lộn xộn. Tiền đất, tiền giống, tiền nước, tiền phân, rồi tiền công, tiền chuyên chở từ một miền quê nghèo xa lắc xa lơ nào đó đến trung tâm thành phố mà bằng lòng bán mười ngàn ba trái thơm ngon đến động đậy cả lưỡi như thế này sao?

Đem chuyện nói với vợ. Vợ tôi cười bảo: “May mà còn bán được, chứ nếu không thì không biết đem đổ đi đâu”. Giật mình nhớ lại cách đây khoảng dăm bảy năm gì đó, tôi đi xe ngang vùng Tam Điệp, thấy thơm chất thành đống như núi trông thật sướng mắt. Dừng xe lại hỏi mua, người bán mừng hơn bắt được vàng.

Hỏi ra mới biết là thơm được mùa nhưng chẳng ai mua, đành bỏ bê ngoài ruộng cho chín rục chín rã ra. Muốn thay đổi mùa vụ, không còn cách nào khác là phải tốn tiền thuê người phá thơm mang đi đổ nơi khác. Cái điệp khúc được giá thì mất mùa, được mùa thì rớt giá thảm hại cứ nghe hoài. Nghe hoài nhưng lần nào cũng thấy xót xa.

Lần sau nghe chua chát hơn lần trước. Dường như truyền hình cũng lên tiếng mấy bận, nhà chức trách cũng có ý kiến và tuyên bố sẽ “nâng cao năng lực chế biến sau thu hoạch”.

Nhưng độ vênh giữa quyết tâm bằng lời nói và hành động quá lớn, không có cây cầu nào đủ sức bắc qua. Khi được mùa, không thấy nhà máy chế biến đâu.

Nhưng khi nông dân đã hết kiên nhẫn, không còn hy vọng thì nhà máy lại mọc lên giữa cánh đồng bỏ hoang hoặc đã chuyển sang làm cây khác. Chẳng biết đến bao giờ nông dân và những nhà hoạch định chính sách mới trở thành bạn đồng hành!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mười ngàn ba trái thơm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO