Lãnh đạo “vì dân”

ANH THƯ| 27/07/2011 09:23

Mục tiêu tổng quát phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020 là đưa nhân lực Việt Nam trở thành nền tảng và lợi thế quan trọng nhất để phát triển bền vững đất nước.

Lãnh đạo “vì dân”

Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII chủ yếu để bầu các vị trí chủ chốt của Quốc hội và Chính phủ. Quốc hội đã bầu được tân Chủ tịch là Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng. Ông Trương Tấn Sang, Thường trực Ban bí thư đắc cử vị trí Chủ tịch nước. Ông Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục được đề cử giữ chức Thủ tướng thêm một nhiệm kỳ nữa.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tặng hoa chúc mừng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - Ảnh: TTXVN

Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng bình luận về dàn lãnh đạo mới là “một đội hình đẹp”, với hy vọng thế hệ lãnh đạo mới nhưng nhiều kinh nghiệm sẽ tạo ra những thay đổi lớn lao, đáp ứng được sự kỳ vọng của đất nước trong bối cảnh hội nhập toàn diện.

Cùng thời điểm với việc Quốc hội công bố và đề cử vị trí lãnh đạo cấp cao, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng được quy hoạch nguồn nhân lực quốc gia.

Mục tiêu tổng quát phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020 là đưa nhân lực Việt Nam trở thành nền tảng và lợi thế quan trọng nhất để phát triển bền vững đất nước.

Hai sự kiện này nên nhìn nhận ở cùng một góc độ khi lãnh đạo quốc gia và nhân lực quốc gia được coi là xung lực lớn nhất để đưa một đất nước đi lên.

Lãnh đạo nào thì thể chế xã hội đó, đất nước đi lên hay hưng vong trông cậy rất nhiều vào tài kỹ trị, văn hóa và nhân cách của người lãnh đạo. Cũng như vậy, vận mệnh đất nước nằm trong tay những trí thức trẻ có tài năng và nhiệt huyết, được khơi dậy và phát huy mọi khả năng sáng tạo.

Quốc hội khóa XII đã hoàn thành vai trò lịch sử của mình, cùng đất nước bước vào cánh cửa hội nhập. Tuy nhiên, Quốc hội khóa mới sẽ phải trả lời nhiều vấn đề còn khúc mắc của cử tri về thể chế, về lập hiến, lập pháp tồn tại từ lâu...

Thách thức lớn nhất và xuyên suốt nhiệm kỳ tới là đảm bảo sự ổn định đất nước về kinh tế, chính trị và an ninh quốc phòng. Người dân mong muốn có được những điều khác biệt từ ban lãnh đạo mới, từ kỳ vọng lớn đất nước hóa rồng cho đến những vấn đề cụ thể như giảm thuế, sửa chữa những vấn đề khó khăn từ tận gốc rễ đang đe dọa sự phát triển của nền kinh tế...

Với chừng đó trọng trách, ban lãnh đạo của Quốc hội khóa mới lại có khá nhiều người là thành viên Chính phủ, từng chịu sự giám sát và được Quốc hội chất vấn nhiều lần, liệu có sự nể nang khi thực hiện vai trò giám sát Chính phủ? Vấn đề này đặt ra khi trên diễn đàn Quốc hội, cụm từ “nhóm lợi ích” cũng đã không ít lần được đặt ra với nhiều lo ngại...

Đất nước luôn mong nhà lãnh đạo là lựa chọn tốt nhất trong các sự lựa chọn. Tuy nhiên, ngoài yếu tố chủ quan, hiện nay có quá nhiều những yếu tố khách quan tác động vào đời sống xã hội về kinh tế, an ninh quốc gia nên khó có thể đánh giá hết sự đóng góp của các cá nhân.

Muốn đánh giá chính xác hãy lấy thực tiễn đời sống kinh tế, xã hội để đánh giá. Vì vậy, có thể nói, bộ mặt của kinh tế, xã hội chính là thước đo năng lực và phẩm chất của người lãnh đạo quốc gia.

Nhìn người để ngẫm đến ta. Với ông Lý Quang Diệu, người dẫn dắt đảo quốc Singapore hóa rồng trong thế kỷ trước, lãnh đạo phải có được ba phẩm chất, đó là khả năng phân tích, trí tưởng tượng, năng lực tư duy tốt và nắm bắt được thực tế.

Những nhà lãnh đạo phải được cọ xát với thực tiễn, trưởng thành từ thực tiễn với những “sản phẩm” cụ thể khẳng định tài năng lãnh đạo của mình, đó chính là thước đo năng lực phẩm chất chứ không phải là những tiêu chí chung chung.

Với Thủ tướng Nga Putin, người đang đưa nước Nga từ lụi tàn tìm lại hào quang của một cường quốc, lãnh đạo phải đạt được những phẩm chất: sự tự tôn tự cường dân tộc; kiên quyết trước thế lực tài phiệt trục lợi trong sự nghèo khó của đất nước; dựa vào sức mạnh dân tộc Nga và hun đúc thêm niềm tự hào và hướng thiện của nhân dân, làm hậu thuẫn cho những quyết định và chính sách cải cách mạnh mẽ; tạo hình ảnh cá nhân đầy uy tín, thân thiện, và có tính thuyết phục cộng đồng cao...

Dù có rất nhiều yêu cầu về phẩm chất và năng lực của người lãnh đạo nhưng suy cho cùng, điều cơ bản nhất một người lãnh đạo một quốc gia cần có nằm ở hai chữ “vì dân”. Khi hiểu và thể hiện được tình cảm, suy nghĩ của đất nước và nhân dân, người lãnh đạo sẽ nâng tầm vóc của mình trong tầm vóc dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lãnh đạo “vì dân”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO