Kỷ luật hơn để văn minh hơn

HỒNG BÍCH| 18/03/2017 03:39

Kỷ luật - sức mạnh đã làm thay đổi bộ mặt văn minh ở nhiều nước châu Á kể từ thập niên 1970 đến nay, nhưng dường như còn rất thiếu ở Việt Nam.

Kỷ luật hơn để văn minh hơn

Mới đây một bản tin nước ngoài đăng hình một cô gái Việt Nam bị cảnh sát áp giải vì tội ăn cắp nhiều hàng hóa trong các siêu thị ở Nhật Bản. Người Việt ăn cắp trong siêu thị Nhật đã trở thành hiện tượng, lý do như một số người giải thích, vì giá hàng hóa đắt quá, mà ăn cắp thì quá dễ dàng(!)

Đọc E-paper

Bạn có ấn tượng gì không khi mỗi chuyến ra nước ngoài, dù ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Malaysia, Lào, Campuchia, tất cả các siêu thị đều cho phép khách hàng thoải mái đem theo túi xách, thậm chí đẩy cả vali, xe nôi vào mua sắm hàng hóa. Các cửa hàng tiện lợi thì chỉ có đúng một nhân viên tính tiền, mà có lúc khách vào đến vài chục người.

Và dù có bị ăn cắp thì các siêu thị cũng không bắt khách gửi túi xách ở ngoài là để tạo lập mặt bằng văn minh mua sắm và thoải mái cho khách hàng. Hình như chỉ có Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á còn tồn tại những siêu thị không những bắt gửi túi xách, mà còn dùng bao ni lông bọc ví xách tay.

Ở những cửa hàng ăn uống chủ yếu cho giới trẻ như KFC, Lotteria tại các thành phố lớn của Việt Nam, vẫn thấy sau khi thực khách rời đi, trên bàn đầy những khay đĩa, khăn giấy, ly giấy, tương ớt. Sự dọn dẹp dành cho những người phục vụ như một tất yếu. Khách đã trả tiền nên phải được phục vụ.

Nhưng hãy xem bàn ăn Lotteria ở các nước khác, thực khách đều mang khay đĩa, giấy ăn đã dùng xếp vào chỗ quy định. Nếu bỏ lại mọi thứ trên bàn, nhân viên phục vụ sẽ dọn, nhưng điều đó là không đẹp mắt.

Những người trẻ thường vội vã, thường sử dụng loại hình thức ăn nhanh này, nhưng họ không hề vội khi tuân thủ việc dọn sạch bàn trước khi rời quán. Ở các sân bay của Thái Lan, thực khách cũng làm như vậy trong các cửa hàng bán thức ăn nhanh.

Vậy mà ở mọi quán phở hay bún buổi sáng ở Việt Nam lại luôn gắn liền với hình ảnh nền nhà trắng xóa giấy lau miệng.

>>Người Việt với kinh tế vỉa hè và văn minh xe máy

Chỉ một ví dụ nhỏ đó, nó làm bao người phải suy nghĩ: Điều gì cản trở quá trình xây dựng mặt bằng văn minh chung ở nơi công cộng để tiến tới trở thành bản chất chiều sâu trong mỗi con người.

Dư luận từng công phẫn khi một phụ nữ bẻ hoa trong công viên để tạo dáng chụp ảnh bị đưa lên các trang mạng. Sự công phẫn thật có ích cho xã hội, ít nhất nó cũng làm cho nhiều người phải suy nghĩ về cuộc sống hiện nay: Bất cứ hành vi nào của mỗi người nơi công cộng cũng có thể rơi vào tầm ngắm của một camera và lan truyền nhanh chóng kèm theo sự trừng phạt của dư luận.

Việc "đòi lại vỉa hè” cho người đi bộ ở quận 1, TP.HCM chứng tỏ quyết tâm của chính quyền, đã được dư luận cập nhật thông tin mỗi ngày và ủng hộ. Vỉa hè quận 1 thông thoáng một bậc, thì tính giáo dục về lối sống kỷ luật nơi công cộng cũng được nâng lên một bậc trong mỗi người và nó sẽ lan rộng.

Nhiều người chưa thuộc được bài học tối thiểu mà các bé mẫu giáo được dạy qua câu hát Ra vườn hoa em chơi/ Em không hái một bông hoa nào.../ Bông hoa này là của chung.

Kỷ luật - sức mạnh đã làm thay đổi bộ mặt văn minh ở nhiều nước châu Á kể từ thập niên 1970 đến nay, nhưng dường như còn rất thiếu ở Việt Nam. Chính cái thiếu kỷ luật đó đã làm cho không ít người còn tư tưởng phản đối việc ra quân giải phóng vỉa hè ở quận 1, TP.HCM và đang được tiến hành ở nhiều thành phố khác.

Nếu cuộc ra quân này thành công và lan rộng, tối thiểu các đô thị Việt Nam cũng có nhiều thay đổi, người sống ở thành phố cũng sẽ thay đổi. 

>>Lập lại trật tự: Không chỉ trên vỉa hè

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kỷ luật hơn để văn minh hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO