Không tăng giá: EVN sẽ vỡ nợ

20/11/2011 09:02

Do EVN chỉ có mặt hàng kinh doanh duy nhất là điện nên hơn 10.000 tỷ đồng lỗ năm 2010 sẽ buộc phải hạch toán phân bổ vào giá bán điện sắp tới. Nếu không, EVN sẽ vỡ nợ.

Không tăng giá: EVN sẽ vỡ nợ

Do EVN chỉ có mặt hàng kinh doanh duy nhất là điện nên hơn 10.000 tỷ đồng lỗ năm 2010 sẽ buộc phải hạch toán phân bổ vào giá bán điện sắp tới. Nếu không, EVN sẽ vỡ nợ.

Không công bố tăng giá nhưng có thể cảm nhận điều đó đang đến rất gần. Ảnh Phạn Huyền

Đây là thông điệp được ghi nhận từ cuộc họp báo công bố giá thành điện năm 2010 của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN). Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, không ngần ngại trao đổi về vấn đề này.

Chưa thể công bố tăng giá điện

Kết luận thanh tra của Bộ Tài chính nói Bộ Công Thương cho EVN tăng giá điện năm 2010 lên 9,8% so với năm 2009 trong khi Chính phủ chỉ cho phép tăng 6,8%. Bộ Công Thương lý giải thế nào về điều này?

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng: các khoản lỗ sẽ được hoạch toán vào giá điện. Ảnh Phạm Huyền

- Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng

: Đúng là năm 2010, Chính phủ phê duyệt tăng giá điện lên mức 6,8% so với 2009. Bộ Tài chính kiểm tra có báo cáo Chính phủ và có đề nghị Bộ Công Thương rút kinh nghiệm.

Tuy nhiên, giá điện thực hiện năm 2010 lại tăng 9,8% so với bình quân 2009 và sự khác nhau này là do cách tính. Giá điện được điều chỉnh từ 1/3 hàng năm, nếu tính chu kỳ thời gian từ 1/3/2009 đến 1/3/2010, với phương án được duyệt là 1.058 đồng/kWh, thì mức tăng sẽ là 6,8%.

Nhưng nếu tính với chu kỳ từ 1/3/2009 đến 31/12/2010 thì mức tăng sẽ là 9,8%. Vì thế, không có chuyện chúng tôi bật đèn xanh cho EVN tăng giá điện vượt mức cho phép.

Năm 2010, dù cho tăng như vậy nhưng riêng mảng kinh doanh điện của EVN bị lỗ 10.162 tỷ đồng, còn nếu tính kết quả kinh doanh tổng hợp thì EVN lỗ 8.416 tỷ đồng.

Thưa ông,việc công bố số lỗ này có phải là tín hiệu chuẩn bị cho việt tăng giá điện trong năm nay? Nếu vậy, cụ thể đến khi nào thì giá điện sẽ tăng tiếp?

- Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng: Việc công bố giá thành sản xuất kinh doanh của EVN là theo quy định mới. Năm nay là năm đầu tiên Bộ Công Thương chính thức công bố chi tiết giá thành mà đáng lẽ làm sớm hơn. .

Nguyên nhân phải tăng giá điện thì đã rõ, do giá bán điện đầu ra còn quá thấp. Giá thành điện năm 2010 là 1.180 đồng/kWh trong khi giá bán điện đầu ra chỉ là 1.061 đồng/kWh. Như vậy tính ra, mỗi kWh điện bị lỗ hơn 100 đồng.

Hầu hết, hầu hết các đơn vị tham gia sản xuất kinh doanh điện hiện nay là lỗ. Thực tế có thể có đơn vị có lãi nhưng tổng hợp chung lại trong tập đoàn EVN sẽ bị lỗ. Tình trạng chung của ngành điện hiện nay là càng phát điện nhiều bao nhiêu thì càng lỗ bấy nhiêu.

Còn việc điều chỉnh giá điện sắp tới sẽ như thế nào, liều lượng ra sao, chúng tôi chưa thể thông báo ngay được. Nhiều lãnh đạo cao cấp trong Chính phủ cũng đã hỏi chúng tôi như vậy. Chúng ta sẽ biết khi nào việc điều chỉnh giá điện được thực hiện.

EVN sẽ vỡ nợ?

Tổng số lỗ và nợ của EVN sẽ được xử lý như thế nào và liệu người tiêu dùng sẽ gánh chịu khoản thua lỗ đó ra sao?

- Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng: EVN có các khoản lỗ và nợ như lỗ sản xuất kinh doanh điện năm 2010 hơn 10.000 tỷ đồng (lỗ sản xuất kinh doanh chung là hơn 8400 tỷ đồng), số nợ không trả được cho Tập đoàn dầu khí, Tập đoàn than là trên 11.000 tỷ đồng.

Thủ tướng đã có chỉ đạo cụ thể về phương thức hạch toán khoản lỗ này của EVN. Theo nguyên tắc tài chính, đương nhiên, các khoản lỗ này sẽ được hạch toán vào giá điện, được phân bổ trong các đợt tăng giá điện mới.

Vì rõ ràng, EVN lỗ là do phải giữ giá điện thấp hơn giá thành.

Lỗ kinh doanh điện rồi lại phân bổ số lỗ này vào giá bán điện cho dân thì liệu có hợp lý không? Trước đây, Chính phủ kiềm giá điện là vì người tiêu dùng, giờ lỗ lại phân bổ vào giá điện thì việc giữ giá điện vì người tiêu dùng trước kia không còn ý nghĩa?

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng: EVN chỉ có một mặt hàng kinh doanh duy nhất là điện thôi. Theo thị trường, họ mua đắt thì bán đắt, mua rẻ thì bán rẻ. Vì đảm bảo an sinh xã hội, kiềm chế lạm phát thời gian qua nên giá điện đã phải bán thấp hơn giá thành. Để tiêp tục đầu tư sao cho đủ điện, để EVN tồn tại được thì phải có hướng tháo gỡ.

Năm 2011, dự kiến EVN còn lỗ hơn năm 2010. Nếu không xử lý khoản lỗ này, không có giải pháp điều chỉnh thì EVN sẽ vỡ nợ.

Liệu trong việc xin tăng giá điện có lợi ích nhóm ở đây, thưa ông?

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng: Tôi chưa thấy rõ lợi ích nhóm trong giá điện hiện nay. Rõ ràng, chúng ta đang hình thành giá điện mà làm sao người tiêu thụ cuối cùng chấp nhận được, do đó, giá bán điện hiện nay mới đang thấp hơn giá thành sản xuất.

Thưa ông, để chậm các dự án nhiệt điện dẫn tới thiếu điện thì trách nhiệm đó thuộc về ai?

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng: Rõ ràng, các dự án nhiệt điện than mà vào tiến độ kịp thời thì sẽ giảm được việc phải phát điện chạy dầu, giá thành sản xuất điện sẽ thấp đi. Các ban quản lý dự án của EVN, Bộ Công Thương và Chính phủ cũng nhìn thấy đây là một điểm yếu, không chỉ là ở ngành điện mà ở công tác đầu tư xây dựng cơ bản.

Nhiều lý do đã được bàn luận như năng lực nhà thầu, năng lực chủ dự án... Chừng nào dự án điện còn chậm thì phần nào cũng sẽ ảnh hưởng giá thành điện. Trong thời gian tới, chúng tôi cho rằng công tác quản lý dự án điện sẽ tốt hơn.

Không tăng giá không biết trông vào đâu

Nói về khoản lỗ và hướng xử lý, ông Phạm Lê Thanh - Tổng Giám đốc EVN cho rằng, hơn 10.000 tỷ đồng lỗ kinh doanh điện có phải là lợi ích nhóm không? Ai đứng ra để chịu lợi ích lỗ này? Chúng tôi không có lợi ích nhóm. EVN và Bộ Công Thương chấp nhận lỗ 10000 tỷ đề giữ mặt bằng giá điện.

Bảo EVN trả nợ cho 2 Tập đoàn PVN, TKV thì EVN lấy đâu ra, chỉ có mỗi kinh doanh điện. Giờ không tăng giá điện thì không trông vào đâu. Có người nói vui bảo bán 1 nửa tòa nhà để bù lỗ, trả nợ, thế thì năm sau bán gì?

Năm ngoái, chúng ta mất 6 tỷ kWh thủy điện do hạn hán. Phải chi ra 4.000 tỷ đồng mới chạy được 1 tỷ kWh phát từ dầu diesel. Như vậy, mỗi 1kWh dầu thì lỗ 3.000 đồng, phát 1 tỷ kWh bằng dầu thì lỗ 3.000 tỷ đồng.

Điều đúng là chúng ta phải trả lại đúng giá điện thật của nó, đúng giá thị trường. EVN kinh doanh điện bị lỗ hơn 10.400 tỷ đồng, nhưng cộng chênh lệch tỷ giá lỗ 15.000 tỷ dồng.

Nếu hạch toán đúng, toàn bộ chênh lệch lỗ này được tính vào giá thành điện thì với giá điện hiện nay, mỗi một kW EVN sẽ lỗ 300 đồng. Nghĩa là mức giá bán bình quân hiện là 1.061 đồng/kWh, nếu tính đủ thì phải cộng thêm 300 đồng/kWh nữa.

Chính phủ hiện hỗ trợ 30.000 đồng/kWh cho người nghèo, nhưng ở chính sách hiện nay, EVN đã bù lỗ 300 đồng/kWh cho mọi hộ. Nhà nào dùng 1 triệu tiền điện thì nghĩa là đã được bù lỗ 300.000 đồng.

Giá lỗ khiến EVN không huy động được vốn. Các nhà tổ chức tài chính nhìn vào bảng cân đối tài sản, nếu thấy lỗ là sẽ dừng giải ngân. Sắp tới, đặc biệt ở miền Nam nếu không cấp tập đầu tư thì từ năm 2013 sẽ xảy ra thiếu điện nghiệm trọng.

Chúng tôi đang đứng trước bài toán, lỗ, mất cân đối tài chính và khó khăn khi huy động nguồn lực tham gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Không tăng giá: EVN sẽ vỡ nợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO