Khó khăn là “lưới lọc” tốt

TRÌNH TIÊU thực hiện| 07/08/2012 03:55

Trong bối cảnh kinh tế không thuận lợi, ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam (VN), nhận định: “Chỉ những nhà đầu tư nước ngoài có mục tiêu trung và dài hạn mới quyết định đầu tư vào VN”.

Khó khăn là “lưới lọc” tốt

Trong bối cảnh kinh tế không thuận lợi, ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam (VN), nhận định: “Chỉ những nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) có mục tiêu trung và dài hạn mới quyết định đầu tư vào VN”.

Đọc E-paper

* Theo ông, điểm nghẽn lớn nhất đối với các nhà ĐTNN vào VN hiện nay là gì?

- Bất ổn kinh tế vĩ mô luôn là một trong những vấn đề khiến các nhà ĐTNN lo ngại nhất. Mười năm qua, tăng trưởng GDP bình quân của
VN là 7,3%, lạm phát bình quân là 7,8%. Gần đây, lạm phát có dấu hiệu ở mức kiểm soát được, đồng tiền không bị phá giá liên tục, lãi suất ở mức tương đối ổn định..., đó là những yếu tố khởi điểm giúp định hướng kinh tế vĩ mô của VN.

* Nhưng VN sẽ phải cạnh tranh khốc liệt hơn trong thu hút ĐTNN?



- Tôi nghĩ, đây là một vấn đề VN phải thận trọng, không thể tiếp tục thu hút ĐTNN càng nhiều càng tốt. Vấn đề đặt ra, VN muốn thu hút cái gì, bằng chiến lược nào để có thể định vị trên thị trường thế giới?

Chúng ta không thể chủ quan nghĩ VN vẫn là điểm đến hấp dẫn nhất. Nhìn vào các thị trường Indonesia, Thái Lan hoặc các thị trường mới nổi khác, đặc biệt là Myanmar, có sự thay đổi rất nhanh. Sẽ rất khó cạnh tranh nếu VN không chủ động tìm ra vị thế để tập trung thu hút ĐTNN.

Ngoài ra, VN đang gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút lực lượng lao động chất lượng cao. Hiện nay, chi phí lao động có tay nghề cao, đặc biệt là quản lý trung và cao cấp, thì người lao động VN còn đắt hơn Thái Lan, Indonesia. Điều đó rất nguy hiểm vì lao động các thị trường khác vừa có kinh nghiệm, chi phí lại rẻ hơn VN. Một vấn đề nữa là cơ sở hạ tầng, VN tiếp tục phải thay đổi. Nếu không có sự hỗ trợ cơ sở hạ tầng sẽ rất khó cho phát triển nền kinh tế, bởi một doanh nghiệp chỉ là một thành phần trong nền kinh tế.

* Như vậy, ở cả góc độ vĩ mô, VN cũng đang phải cạnh tranh với các nước trong khu vực để thu hút ĐTNN?

- Bất kỳ nước nào cũng đặt trọng tâm là thu hút ĐTNN. Người ta hy vọng cùng với nguồn vốn ĐTNN sẽ có sự chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng trưởng kinh tế. Kinh nghiệm của Singapore, 10 - 15 năm trước họ tập trung vào ngành sản xuất điện tử, nhưng thời điểm này lại quan tâm đến các ngành liên quan đến sinh học, những ngành tập trung có giá trị chất lượng cao.

Gần đây, VN cũng đã có một số định hướng thu hút ĐTNN, khi Chính phủ chủ trương chọn lọc kỹ hơn, chỉ cho phép triển khai những dự án thuộc những ngành ít gây ô nhiễm, sử dụng nhiều lao động hoặc đưa công nghệ cao vào VN. Tuy nhiên, cùng với việc xác định trọng tâm thu hút ĐTNN, VN cần một chính sách hỗ trợ cho ngành đó phát triển, chính sách đào tạo nhân lực dài hạn hơn, chứ không phải chỉ việc mời họ vào là xong việc. Phải làm sao để khi các nhà ĐTNN cần lao động chất lượng cao thì các trường đại học đã sẵn sàng cung cấp.

* Với giải pháp ông nói, VN có thể thu hút được những tập đoàn đa quốc gia với dự án lớn trong tương lai?


- Đúng vậy. Sự chuyển dịch về chất lượng ĐTNN vào VN trong 2, 3 năm gần đây rất rõ ràng. Trước đây, trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng cao, thì hầu như tất cả các nhà ĐTNN đều muốn tham gia vào VN, bao gồm cả những nhà đầu tư ngắn hạn.

Bây giờ, trong bối cảnh kinh tế không còn thuận lợi, chúng ta thấy rõ sự phân hóa, chỉ những nhà ĐTNN có mục tiêu trung và dài hạn mới đầu tư vào VN. HSBC là ví dụ, nếu nhìn vào 85 quốc gia mà HSBC đang hoạt động trên toàn thế giới. HSBC vẫn chọn VN là 1/20 quốc gia trọng điểm để đầu tư chứ không chọn Philippines hay Thái Lan, bởi tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.

Tôi nghĩ, khó khăn là “lưới lọc” tốt, giúp VN chỉ thu hút những dự án ĐTNN chất lượng cao. Tuy nhiên, VN phải hành động để tăng tính hấp dẫn, chỉ tập trung thu hút đầu tư vào những lĩnh vực có thế mạnh, tránh đầu tư vào những dự án hướng đến mục tiêu lợi nhuận trong ngắn hạn.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khó khăn là “lưới lọc” tốt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO