Kế toán không chuẩn mực, Việt Nam khó hút vốn

QUỲNH VŨ| 26/09/2012 09:48

Mong muốn của các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài đối với thị trường Việt Nam được thể hiện rõ là “họ muốn thấy các chuẩn mực kế toán, kiểm toán và quản trị doanh nghiệp mới và cải tiến, được phát triển một cách tích hợp hơn”.

Kế toán không chuẩn mực, Việt Nam khó hút vốn

Theo nghiên cứu mới nhất do Hiệp hội Kiểm toán và Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA) và Grant Thornton (công ty quốc tế trong lĩnh vực kiểm toán và tư vấn tại Việt Nam) thực hiện, mong muốn của các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài đối với thị trường Việt Nam được thể hiện rõ là “họ muốn thấy các chuẩn mực kế toán, kiểm toán và quản trị doanh nghiệp mới và cải tiến, được phát triển một cách tích hợp hơn”.

Đọc E-paper

Từ trước đến nay, khi dòng vốn FDI hay FII sụt giảm, người ta thường đưa ra lý do khủng hoảng kinh tế thế giới hoặc nền kinh tế vĩ mô Việt Nam không mấy sáng sủa để giải thích cho sự việc mà chưa lần nào “đặt NĐT vào trọng tâm của hệ thống tài chính” để giải thích.

Như vậy, với nghiên cứu này có thể xác định được nguyên nhân chính xác chứ không chung chung đổ lỗi cho khủng hoảng như trước đây. Nói như ông Ken Atkinson, Giám đốc Điều hành Grant Thornton Việt Nam, đã có rất nhiều đề xuất, giải pháp và nhiều “miếng vá” được đưa ra nhằm chỉnh sửa những vấn đề về khuôn khổ báo cáo tài chính nhưng kết quả vẫn không như NĐT kỳ vọng. Hơn nữa, sự chắp vá trong cách đưa ra các giải pháp và sự thất bại trong việc đặt NĐT làm trung tâm của quá trình cải cách hiện nay đã khiến các NĐT, doanh nghiệp và các nhà tư vấn vẫn cảm thấy không chắc chắn về thị trường này.

Tương tự, bà Lê Thị Hồng Len, Trưởng đại diện ACCA, cho rằng, sở dĩ NĐT nước ngoài không muốn rót vốn vào Việt Nam thời điểm này là vì các số liệu báo cáo tài chính doanh nghiệp công bố khác biệt rất nhiều so với các con số báo cáo của các tổ chức nghiên cứu độc lập. Cụ thể, ngoài việc thiếu thông tin phù hợp, NĐT còn phải đối mặt với những tiêu chuẩn tài chính toàn cầu rời rạc. Xét về mặt cá nhân, những người soạn thảo chuẩn mực thường làm tốt công việc của họ, nhưng mỗi người lại có xu hướng xem xét vấn đề từ quan điểm riêng của mình. Vì vậy, điều này làm tăng rủi ro trong các khoản đầu tư của họ, đặc biệt là khi hầu hết các NĐT đều quản lý những danh mục đầu tư toàn cầu.

Là NĐT quốc tế, ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành VinaCapital, thừa nhận những hạn chế này tại Việt Nam. Trong quá trình tiếp xúc, phần lớn các NĐT đều muốn các công ty đại chúng cung cấp nhiều dự báo và thông tin hơn nhằm giúp các nhà phân tích tạo ra và đánh giá dự báo. Các thông tin tài chính cần phải minh bạch và đáng tin cậy, nhưng các DN Việt Nam chưa làm được. “Đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, khi đọc báo cáo các ngân hàng đưa ra, chúng tôi hoàn toàn yên tâm để kêu gọi đầu tư, nhưng khi so sánh với những số liệu báo chí đăng tải thì các con số hoàn toàn khác xa, sự thiếu nhất quán này khiến NĐT cảm thấy không yên tâm để đầu tư”, ông Andy Ho nói.

Bàn về vấn đề này, ông Đặng Thái Hùng, Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán trực thuộc Bộ Tài chính, cũng thừa nhận, hiện nay Việt Nam đã có hệ thống VAS và được đưa vào sử dụng nhưng suốt thời gian qua hệ thống này thể hiện rất nhiều khiếm khuyết. Chẳng hạn, đối với chuẩn mực đã ban hành theo thông lệ quốc tế nhưng phiên bản VAS tại Việt Nam đã có từ năm 2000. Và đến nay, trong 10 năm phát triển, nền kinh tế thị trường đã có rất nhiều thay đổi, như thị trường tài chính phát triển, các công cụ tài chính phát sinh..., nhưng hệ thống này vẫn không được chỉnh sửa, bổ sung.

Ngoài ra, hệ thống chuẩn mực kế toán của Việt Nam còn bị chi phối bởi các văn bản hành chính khác. Vậy, việc cần thiết hiện nay là phải bổ sung chuẩn mực kế toán liên quan ở các ngành đặc thù theo thông lệ quốc tế thì mới thu hút được vốn từ các NĐT. Tuy nhiên, ông Hùng cũng nói thêm, Bộ Tài chính đã nhìn thấy những lỗ hổng này nhưng để giải quyết thì không thể nào thực hiện ngay, mà những điều này vẫn nằm trong định hướng của Bộ Tài chính từ nay đến năm 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kế toán không chuẩn mực, Việt Nam khó hút vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO