Giá xăng tăng nhanh, giảm chậm: Lỗi do... cơ chế

11/05/2012 09:02

Doanh nghiệp tính họ đang có lãi 1.100 đồng/lít xăng, Bộ Tài chính tính chỉ có 828 đồng/lít...”, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết tại buổi trao đổi với báo chí ngày 10/5.

Giá xăng tăng nhanh, giảm chậm: Lỗi do... cơ chế

“Doanh nghiệp tính họ đang có lãi 1.100 đồng/lít xăng, Bộ Tài chính tính chỉ có 828 đồng/lít...”, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết tại buổi trao đổi với báo chí ngày 10/5.

Ông Thỏa cho biết, Bộ Tài chính đã cân nhắc rất kỹ trước khi ban hành quyết định vừa giảm giá xăng dầu 300-500 đồng/lít vừa tăng thuế nhập khẩu 2-3% đối với các mặt hàng xăng dầu.

Người dân không hài lòng khi giá xăng chỉ giảm 500 đồng/lít

Thực tế, một số phương án đã đề xuất là vào thuế 100% hoặc giảm giá 100% hoặc vừa giảm thuế vừa giảm giá. Theo chỉ đạo của Chính phủ, phương án được duyệt phải vừa phù hợp với tình hình vừa cân đối hài hòa các lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

* Có sự khác biệt nào trong cách tính giữa doanh nghiệp và Bộ Tài chính không?

CPI sẽ giảm hơn 0,244%

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, xăng dầu chiếm tỉ trọng 3,2% trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Với mức giảm 500 đồng/lít xăng, mức tác động trực tiếp (vòng I) lên CPI khoảng 0,0697%. Cộng với những tác động gián tiếp (vòng 2) lên các mặt hàng sử dụng xăng dầu thêm khoảng 0,17% (vòng I nhân với 2,5 lần) thì việc giảm 500 đồng/lít xăng sẽ giúp CPI giảm hơn 0,244%, nếu giả định các yếu tố khác không đổi.

- Công thức tính giá chung thống nhất được nêu trong Nghị định 84. Còn doanh nghiệp tính họ lãi 1.100 đồng/lít xăng không biết họ tính như thế nào.

Theo số liệu của chúng tôi, nếu tính 30 ngày, từ ngày 9/4 đến 8/5, so với bình quân 30 ngày trước đó, giá các loại xăng dầu thành phẩm giảm từ 2,78-4,69%.

Cách tính 20 ngày, tức từ ngày 20/4 đến 8/5, thì bình quân các loại xăng dầu thành phẩm giảm từ 1,86-5,18%.

Căn cứ vào các thông số hiện hành (tỉ giá, thuế nhập khẩu 0%, chi phí lưu thông, lợi nhuận định mức...) và tính 30 ngày thì giá cơ sở thấp hơn giá hiện hành đối với xăng là 828 đồng/lít, diesel là 616 đồng/lít.

Còn theo phương án tính 20 ngày thì chênh lệch giá cơ sở thấp hơn giá bán là 1.100 đồng với xăng, diesel là 702 đồng/lít.

* Sao Bộ Tài chính không giảm giá tối đa cho người tiêu dùng mà lại giảm nhỏ giọt chỉ 300-500 đồng/lít xăng, dầu?

- Quan điểm điều hành giá xăng dầu là đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chúng ta phải khôi phục dần mức thuế nhập khẩu vì đã giảm về 0% từ rất lâu. Theo khung thuế, xăng 20% và diesel 15%, nhưng lần này ta mới tăng được 2%. Việc giảm giá bán lẻ xăng dầu cũng thực hiện chủ trương điều hành là đảm bảo các nhóm lợi ích.

Bên cạnh đó, việc tăng thuế nhập khẩu là nhằm giảm bù ngân sách cho chênh lệch thuế của dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn (Tập đoàn dầu khí VN - PVN). Theo quy định của hợp đồng liên doanh đầu tư dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, với mức thuế cam kết bao tiêu là 7%, nếu thuế nhập khẩu thấp hơn bao nhiêu thì ngân sách nhà nước phải bù bấy nhiêu.

Mặt khác, khi giá dầu thế giới xuống thấp, ta phải khôi phục dần thuế để có nguồn lực tài chính tiếp tục thực hiện bình ổn giá khi giá thế giới cao. Dự báo từ nay đến cuối năm, vào mùa đông, nhu cầu dầu tăng thì giá xăng dầu có thể nhích lên. Việc khôi phục thuế cũng nhằm chuẩn bị nguồn lực để lúc ấy có thể có thêm công cụ kết hợp để bình ổn giá.  

* Có ý kiến cho rằng do dư luận, báo chí gây áp lực thì bộ mới có quyết định giảm giá xăng dầu?

- Tôi khẳng định việc giảm giá phải căn cứ vào các yếu tố hình thành giá chứ không thể căn cứ vào tâm lý. Bởi giá xăng dầu trong nước của VN phụ thuộc 70% vào giá xăng dầu thế giới. Xăng dầu thế giới tăng giảm là tín hiệu ta phải xem xét, vì đây là một nhân tố hình thành giá quan trọng không thể bỏ qua.

* Xin ông cho biết việc sửa đổi cách tính giá xăng dầu tại Nghị định 84?

- Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính để xem xét sửa đổi bổ sung những điểm không còn phù hợp. Bước đầu, Bộ Tài chính đề nghị tập trung vào việc xem xét công thức tính giá, trong đó cần xem lại cách tính giá bình quân trong 30 ngày, 20 ngày hay 10 ngày.

Nhưng rõ ràng quy định 30 ngày dự trữ lưu thông để điều chỉnh giá là có những bất cập, do vậy tới đây sẽ phải sửa. Tần suất điều chỉnh giá cũng phải xem xét lại. Thời gian qua, vì kiềm chế lạm phát, chúng ta kéo dài thời gian điều chỉnh là 30 ngày, trong khi Nghị định 84 quy định 10 ngày.

* Sắp tới, quy định chiết khấu hoa hồng cho các đại lý có được sửa đổi?

- Mức chiết khấu hoa hồng đại lý thời gian qua rất lộn xộn. Theo quy định thì các doanh nghiệp đầu mối thỏa thuận với các đại lý, do vậy tạo cạnh tranh rất gắt giữa các doanh nghiệp đầu mối. Có thời điểm doanh nghiệp này chiết khấu mức 500 đồng/lít, nhưng doanh nghiệp khác nâng lên 800 đồng, thậm chí 1.000 đồng/lít để giành giật khách hàng. Vì vậy, tới đây cần phải xem xét quy định bằng tỉ lệ, cơ chế hay nguyên tắc để quản lý việc thỏa thuận chi phí chiết khấu này.

Cần khôi phục niềm tin người dân

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng việc tăng thuế nhập khẩu, giảm giá nhỏ giọt ở các mặt hàng xăng dầu là không phù hợp với quy luật kinh tế. Hai lần tăng giá gần nhất, giá xăng đã tăng thêm 3.000 đồng/lít. Nay có điều kiện để giảm mà chỉ giảm quá ít do dành để tăng thuế nhập khẩu thì người dân sẽ mất niềm tin. “Tôi cho rằng khôi phục niềm tin cho người dân còn quan trọng rất nhiều so với việc tăng thu thuế về ngân sách từ nguồn xăng dầu” - ông Doanh nói.

Một số chuyên gia cho rằng trong khi những bất hợp lý trong cách tính giá cơ sở xăng dầu vẫn chưa được sửa đổi, thay vì vội vàng tăng thuế nhập khẩu ở thời điểm này, Bộ Tài chính nên gộp phần thuế vào để thực hiện giảm giá nhiều hơn ở tất cả mặt hàng xăng dầu. Theo các chuyên gia, một trong những khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải đương đầu hiện nay là sức mua kém, hàng tồn kho nhiều. Do đó, cứu doanh nghiệp không chỉ bằng giãn thời gian nộp thuế mà còn cần có biện pháp kích cầu tiêu dùng trong dân, giảm giá xăng dầu để góp phần giảm chi phí sản xuất.

Nhiều doanh nghiệp vận tải bày tỏ bức xúc rằng mức giảm lần này chẳng tác động gì nhiều lên giá cước vận chuyển. Theo ông Tuấn - giám đốc một công ty vận tải có hơn 10 đầu xe container (sử dụng dầu DO) chạy khu vực TP.HCM - Bình Dương và Đồng Nai, mức giảm 300 đồng/lít đối với dầu DO chỉ làm giảm chi phí giá thành vỏn vẹn 0,5-0,6%. Bà Hồng Vân, chủ một doanh nghiệp tư nhân ngành vận tải container ở TP.HCM, cho biết hầu hết doanh nghiệp vận tải hàng hóa ở TP.HCM sẽ không thực hiện giảm cước dịch vụ do giá xăng dầu giảm quá ít, chưa tác động nhiều đến giá thành vận chuyển của các doanh nghiệp.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, khoảng một tuần gần đây nhiều doanh nghiệp đầu mối đã tăng chiết khấu cho đại lý bán lẻ. Bà Lê Mạnh Nữ Vinh Sơn, chủ doanh nghiệp tư nhân Vinh Sơn - chuyên bán lẻ các mặt hàng xăng dầu ở Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết hiện nhận được chiết khấu khoảng 500 đồng/lít chưa bao gồm phí vận chuyển. Ông S., phụ trách phòng kinh doanh xăng dầu một công ty thương mại ở TP.HCM, cũng cho biết từ đầu tuần này chiết khấu đã được tăng lên 550-650 đồng/lít tùy mặt hàng xăng dầu và doanh nghiệp đầu mối. Mức này cao gấp ba lần so với thời điểm trước khi tăng giá xăng ngày 20/4.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giá xăng tăng nhanh, giảm chậm: Lỗi do... cơ chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO