GDP và các thước đo khác về thành tựu kinh tế

13/05/2015 09:09

Chúng ta đo lường kết quả các hoạt động kinh tế là để tìm ra cách thức đạt được các kết quả tốt hơn. Điều đáng tiếc là...

GDP và các thước đo khác về thành tựu kinh tế

Chúng ta đo lường kết quả các hoạt động kinh tế là để tìm ra cách thức đạt được các kết quả tốt hơn. Khi thừa nhận rằng một chỉ số nào đó sẽ phản ánh kết quả hành động thì mọi người sẽ cố gắng làm đẹp chỉ số đó bằng mọi cách.

Những điều đáng tiếc

Điều đáng tiếc là mọi chỉ số trong kinh tế đều chỉ là tương đối, nó không có quan hệ 1-1 với chính kết quả mà nó đo. Do đó, việc dùng mọi cách để làm đẹp chỉ số đôi khi lại làm cho chính kết quả mà chỉ số đó đo trở nên xấu đi.

Ví dụ, nếu quá chú trọng vào việc làm tăng chỉ số GDP mà không quan tâm đúng mức đến các chỉ số khác thì hành vi thường được quan sát thấy là các nước tăng cường vay nợ để tăng đầu tư. Khi tỷ số nợ tăng vượt quá ngưỡng nhất định thì sẽ không thể vay thêm nữa và nền kinh tế sẽ lâm vào suy thoái, đổ vỡ.

Xã hội loài người rất đa dạng, nhu cầu cũng rất phong phú, do đó kết quả các hoạt động kinh tế của con người phải thể hiện trong một tổng thể nhiều mặt khác nhau, chứ không chỉ một mặt duy nhất nào đó. Mặt khác, các hoạt động kinh tế mà các chỉ số của chúng ta phản ánh thường không phải là mục tiêu cuối cùng mà chủ yếu là phương tiện để đạt được mục tiêu cuối cùng. Như vậy, nếu các chỉ số đều phản ánh tốt nhưng phần lớn xã hội không cảm thấy được sự cải thiện trong mức sống thì vấn đề chắc là nằm ở các chỉ số đó.

Thêm vào đó, khi các chỉ số quá khái quát thì nó sẽ không phản ánh được cảm nhận của một bộ phận lớn dân cư. Điều này sẽ dẫn đến tâm lý nghi ngờ các con số của chính phủ và nhiều người sẽ cho rằng các con số thống kê đã được điều chỉnh cho phù hợp với ý chí của chính phủ và không tin tưởng vào con số thống kê nữa.

Điều này đã và đang xảy ra tại các nước phát triển. Ví dụ, khi Chính phủ Mỹ công bố lạm phát chỉ 2%, rất nhiều người lại cảm nhận chi phí cuộc sống của họ rất đắt đỏ và không tin con số chỉ 2% nói trên. Điều này xảy ra vì những người nghi ngờ tiêu dùng một giỏ hàng hóa khác với giỏ hàng hóa mà Chính phủ Mỹ dùng để tính lạm phát và giỏ hàng hóa của họ tăng giá mạnh hơn giỏ của Chính phủ Mỹ.

Tương tự, không thể phủ nhận GDP là một chỉ số được dùng phổ biến nhất trên thế giới, nó cho phép xác định (một cách tương đối) tổng số giá trị tăng thêm mà nội bộ một nền kinh tế có thể sản xuất ra trong thời gian là một năm. Nó cho phép so sánh quy mô nền kinh tế của các quốc gia với nhau và so sánh mức độ tăng trưởng của mỗi quốc gia theo chuỗi thời gian.

Hơn nữa, GDP là một chỉ số khách quan, được đo lường trực tiếp chứ không dựa vào cảm nhận của mọi người thông qua các cuộc điều tra. Tuy nhiên, chỉ số GDP có rất nhiều hạn chế, việc lạm dụng chỉ số GDP như một mục tiêu cuối cùng phải hướng đến sẽ làm chính chúng ta chệch hướng khỏi mục tiêu cuối cùng thực sự, đó là nâng cao mức sống toàn xã hội.

Những hạn chế cụ thể của GDP

Thứ nhất, chỉ số tăng trưởng GDP không phản ánh sự phân chia lợi ích từ sự tăng trưởng đó cho các thành phần xã hội khác nhau. Do đó, khi khoảng cách giàu nghèo tăng lên (và đây là xu thế chung trên thế giới ngày nay) thì sự tăng trưởng GDP chỉ làm tăng mức sống của một nhóm nhỏ trong xã hội mà ít khi làm tăng mức sống của phần lớn người dân.

Trong trường hợp đó, việc thông báo tăng GDP cao sẽ tạo ra sự bất mãn xã hội. Hơn nữa, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, GDP có thể tăng nhanh mà không cần tăng thêm lao động. Khi GDP tăng nhưng người lao động không có việc làm thì sự bất công càng cao.

Thứ hai, GDP chỉ đo lường các giá trị do hoạt động kinh tế tạo ra và được ghi nhận hoặc ước tính theo sổ sách kế toán. Nó không đo lường được các ngoại ứng mà các hoạt động kinh tế mang lại.

Ví dụ, một nhà máy xử lý quặng đi vào hoạt động làm tăng GDP nhưng nó cũng phá hủy dòng sông và cánh rừng cạnh đó mà không được phản ánh vào GDP. Như vậy, nếu quá chú trọng vào GDP như là chỉ số của mọi chỉ số thì quá trình tăng trưởng trong ngắn hạn đôi khi phải trả giá bằng chất lượng môi trường sút giảm, cơ hội tăng trưởng trong tương lai bị tước đoạt ngay lúc này.

Thứ ba, ngay cả xét trên tổng thể thì GDP cũng phản ánh không chính xác sự gia tăng phúc lợi tổng thể của nền kinh tế. Ví dụ, nếu một nước không có hệ thống giao thông công cộng tốt, người dân phải sử dụng xe cá nhân để di chuyển, GDP sẽ tăng lên do người dân chi cho xăng dầu nhiều hơn, cho xe cộ nhiều hơn; nhưng phúc lợi thì giảm do tắc đường, do tăng ô nhiễm môi trường, do người dân không được nghỉ ngơi (đọc sách, nghe nhạc...) trong quá trình di chuyển mà phải làm một việc không được tính vào GDP là lái xe.

Thứ tư, sự cải thiện mức sống thường bao gồm gia tăng sự lựa chọn tiêu dùng của người dân. GDP làm tăng thu nhập nhưng giỏ hàng hóa mà người dân có thể lựa chọn không thay đổi thì sự gia tăng thu nhập không làm chúng ta sống tốt đẹp hơn.

Ví dụ nếu GDP tăng nhưng trong nước không có các dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa chất lượng đáp ứng nhu cầu của người dân thì sự gia tăng thêm thu nhập đó không làm cho chất lượng cuộc sống tăng lên. GDP tăng lên, người dân sẵn sàng mua sữa cho con mình nhưng không thể mua trong nước vì sợ mua phải sữa độc thì cũng không làm cho chất lượng cuộc sống tăng lên.

Cần có chỉ số nghèo đa chiều

Tương tự, chỉ số giảm nghèo cũng không nên tính theo mức thu nhập thuần túy mà cần phải xét đến các chỉ số nghèo đa chiều. Theo số liệu Khảo sát mức sống hộ gia đình 2012 thì trong số các trẻ em từ 6-14 tuổi không đến trường, có tới 66% trẻ thuộc các hộ không nghèo. Các em thoát nghèo thu nhập nhưng sự gia tăng về thu nhập đó đã không chuyển hóa thành giá trị cuộc sống là được tiếp cận dịch vụ giáo dục và y tế.

Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nghèo thành thị giảm từ 25,1% trong năm 1993 xuống 3,3% trong năm 2008, cho thấy rằng nghèo thu nhập không còn là hiện tượng lan rộng ở khu vực thành thị nữa. Tuy nhiên, đô thị hóa nhanh và tình trạng di cư từ nông thôn ra thành thị những năm gần đây có liên hệ với những vấn đề cấp bách, bao gồm nhà ở không đủ tiêu chuẩn, nước sạch và vệ sinh, ô nhiễm, hạn chế trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và an sinh xã hội... đặc biệt ở nhóm lao động di cư nghèo và lao động khu vực không chính thức.

Kết quả là, tỷ lệ các nhóm dân thành thị phải đối diện với thiếu thốn về nhiều mặt trong cuộc sống thay vì thu nhập thấp đang gia tăng. Kết quả Khảo sát nghèo đô thị năm 2009 chỉ ra rằng trong khi tỷ lệ nghèo thu nhập ở Hà Nội và TP.HCM rất thấp (1,27% và 0,31%,) thì một bộ phận lớn người dân ở hai thành phố này đang phải đối diện với nhiều thiếu thốn khác như chăm sóc y tế, thực phẩm sạch, an ninh, giáo dục con cái...

Sau hơn 30 năm đổi mới, chúng ta cần phải có bộ chỉ số đầy đủ hơn, phản ánh tốt hơn mức sống của người dân để có cái nhìn toàn diện hơn đối với nền kinh tế. Chúng ta không nên “thần thánh hóa” chỉ số GDP mà cần có cái nhìn cân bằng hơn đối với xã hội.

Những chỉ số cần có không chỉ bao gồm các chỉ số truyền thống như GDP, GNI, nợ công, thâm hụt cán cân vãng lai, thâm hụt cán cân thương mại, thâm hụt ngân sách... mà cần phải có thêm các chỉ số như thu nhập trung vị của hộ gia đình, số việc làm ròng được tạo ra trong cả hai khu vực là doanh nghiệp và kinh tế hộ gia đình, chỉ số nghèo đa chiều, chỉ số tiếp cận dịch vụ y tế và giáo dục...

>Thu hút đầu tư nước ngoài: Nhìn từ chỉ số PCI
>Ra mắt chỉ số tổng thu nhập đầu tiên của Việt Nam
>
Lý lẽ của chỉ số
>Giá tăng cao, chỉ số CPI thấp: Hãy cảnh giác
>
Quý 2/2015: Kinh tế sẽ ổn định, lạm phát thấp, GDP tăng trưởng tốt
>GDP năm 2015 đặt mục tiêu tăng trưởng 6,2%

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
GDP và các thước đo khác về thành tựu kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO