Để làm giàu từ biển

ĐOÀN ANH THƯ - HOÀI THƯƠNG NGUYỄN| 07/11/2012 02:13

Mặc dù đã bắt "đúng bệnh" của kinh tế biển Việt Nam, nhưng một số đề án phát triển kinh tế biển được đưa ra gần đây lại không phải là những giải pháp hữu hiệu, do chưa bám sát được tình hình và nhu cầu thực tế của người dân.

Để làm giàu từ biển

Mặc dù đã bắt "đúng bệnh" của kinh tế biển Việt Nam, nhưng một số đề án phát triển kinh tế biển được đưa ra gần đây lại không phải là những giải pháp hữu hiệu, do chưa bám sát được tình hình và nhu cầu thực tế của người dân.

Đọc E-paper

Sức mạnh "bó đũa"

Thời gian gần đây, trước tình hình ngư dân gặp nhiều bất lợi trong việc ra khơi, cả Trung ương lẫn các tỉnh - thành đã có nhiều hoạt động tích cực giúp người dân vượt qua khó khăn.

Điển hình là Đà Nẵng với việc ban hành Quyết định số 7068 ngày 29/8/2012 nhằm hỗ trợ người dân đóng tàu hậu cần đánh bắt hải sản xa bờ. Hay kế hoạch của tỉnh Phú Yên về việc cam kết cho người dân vay tiền để đóng tàu cùng với những chính sách hỗ trợ xăng dầu, bảo hiểm cho ngư dân.

Tuy nhiên, những biện pháp này vẫn còn rời rạc, thiếu liên kết và đồng bộ khiến hiệu quả đem lại không cao. Ngư dân vẫn còn gặp phải nhiều rắc rối và khó khăn bởi các thủ tục hành chính, quy trình kiểm duyệt chất lượng tàu thuyền...

Không những thế, khi dòng vốn về chậm khiến thời gian giải ngân các hồ sơ cũng bị chậm lại, chưa kể đến một số trường hợp bị trả lại hồ sơ vì không đủ yêu cầu. Cụ thể là trường hợp của tỉnh Phú Yên chỉ có khoảng 260 hồ sơ được giải quyết trên tổng số 1.000 trong năm 2012.

Bên cạnh đó cũng cần kể đến những dự án sâu sát hơn với tình hình người dân. Đáng chú ý nhất là dự án Movimar của Chính phủ trong vấn đề giám sát các hoạt động đánh bắt của tàu cá, quản lý các vùng đánh bắt cũng như nguồn lợi hải sản ở Việt Nam.

Bằng công nghệ vệ tinh Movimar được tài trợ bởi nguồn vốn ODA của Chính phủ Pháp, tỉnh Kiên Giang đã thí điểm lắp đặt thiết bị này cho những tàu cá có đủ điều kiện.

Theo ông Trần Chí Viễn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang, Kiên Giang là tỉnh có số tàu được lắp thiết bị vệ tinh nhiều nhất cả nước và dự kiến đến cuối năm 2012 là 400 chiếc.

Bên cạnh tạo nguồn lực, một phương án cũng rất hữu hiệu và cần thiết hiện nay là việc liên kết tạo sức mạnh cho ngư dân. Bởi không đơn thuần chỉ là cấp vốn rồi khuyến khích người dân ra khơi là được. Người dân cần có người "chung vai sát cánh" trước "gió to sóng cả”, và đặc biệt là mối nguy hiểm từ nguy cơ tranh chấp với các tàu cá nước ngoài.

Do đó, việc ra đời một hiệp hội bảo vệ các doanh nghiệp nghề cá nhỏ và vừa sẽ có những lợi ích lâu dài, bền vững. Giải pháp này sẽ đáp ứng được nhu cầu của ngư dân và các doanh nghiệp về hai mặt. Thứ nhất, về mặt "đối ngoại", hiệp hội sẽ là nơi kết nối giữa các doanh nghiệp và Nhà nước.

Đại diện cho hiệp hội có thể kiến nghị với Nhà nước những chủ trương, chính sách cần thay đổi nhằm giúp đỡ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời cũng sẽ giúp bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân và các doanh nghiệp trong trường hợp có xảy ra tranh chấp với tàu cá của các quốc gia khác trong khu vực biển thuộc quyền khai thác của Việt Nam.

Thứ hai, về mặt "đối nội", bản thân các doanh nghiệp trong hiệp hội sẽ hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau học hỏi các phương thức bảo quản, sản xuất và kinh doanh mới, thống nhất phương hướng hoạt động để tiến tới phát triển chung cho các doanh nghiệp.

Mô hình "kiềng ba chân" Hàn Quốc

Sự phát triển vững chắc của ngành công nghiệp thủy sản Hàn Quốc được lý giải bằng mô hình "kiềng ba chân" gắn kết chặt chẽ: ngư dân - làng chài - đánh bắt, tạo ra một hệ thống hiệu quả nhằm hỗ trợ toàn diện cho ngư dân.

Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ vốn và trang thiết bị để ngư dân hành nghề, xây dựng các kênh cung cấp thông tin cần thiết cho ngư dân (thông tin thời tiết, ngư trường tiềm năng...) cho ngư dân và đảm bảo liên lạc giữa ngư dân với làng chài, đồng thời cũng chú trọng các biện pháp an toàn cho người dân khi ra khơi đánh bắt (mua bảo hiểm cho ngư dân và tàu cá, thường xuyên đưa các lực lượng tuần tra bảo vệ...). Nhờ đó, nghề cá có thể phát triển mạnh, nuôi sống được ngư dân xứ Hàn.

Tại Việt Nam cũng đã xuất hiện nhiều mô hình tổ đoàn kết đánh bắt, hợp tác xã đánh băt xa bờ và dịch vụ thủy sản, ban đầu đã đem lại những kết quả tốt.

Điều cần làm là tiếp tục nhân rộng những mô hình này và đẩy mạnh hơn sự liên kết giữa những tổ chức này với chính quyền địa phương để kịp thời hỗ trợ cho ngư dân khi cần thiết. Mặt khác, cần đầu tư để cải thiện chất lượng cuộc sống cho ngư dân khi ra khơi đánh bắt dài ngày (xây dựng hệ thống y tế, tàu hậu cần...).

Huy động tài lực để thực hiện những phương án này có lẽ không quá khó, bởi qua thực tế các chương trình kêu gọi đóng góp giúp đỡ cho ngư dân như "Tấm lưới nghĩa tình"... cho thấy rất nhiều "tấm lòng vàng" sẵn sàng "bám biển" cùng ngư dân. Tuy nhiên, cần phải thực hiện những phương pháp này một cách đồng bộ để có được những hiệu quả thiết thực hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Để làm giàu từ biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO