Chuyện về chiếc áo địa chợ Đông Ba

PHI TÂN| 03/02/2019 01:00

Tôi hay ghé lầu hai chợ Đông Ba (Huế) và gặp những người thợ may bình dân ở đây. Từ nhỏ, tôi đã thấy họ ngồi đó, bận rộn vá may. Gần như cả đời những người thợ này gắn bó với nghề may.

Chuyện về chiếc áo địa chợ Đông Ba

Bác Chúc tóc bạc trắng, từ năm 14 tuổi đã ngồi may ở chợ Đông Ba với một người thầy dạy may. Chiến tranh liên miên nhưng bác vẫn không bỏ nghề. Bác đã trở thành người thợ già nhất, ngồi may lâu năm nhất ở lầu hai chợ Đông Ba. Bác Chúc chỉ may loại áo địa, là áo dài của đàn ông mặc trong những dịp lễ tết, cưới hỏi.

Khách hàng biết tiếng đều đến tận nơi để bác Chúc đo may trực tiếp. Nhưng cũng có lúc mấy tiệm may nổi tiếng ở Huế như Mỹ Lệ, Tân Hiệp... có khách hàng đặt may loại áo này thường chuyển cho bác gia công. Hồi trước nghề may áo địa khá thịnh hành, sau này khách hàng thưa dần.

Bác Chúc tâm sự: "Đã qua tuổi bát thập, hơn 60 năm làm nghề nhưng trời cho sức khỏe, mắt còn sáng, lưng còn thẳng. Bác ngồi đây ngày kiếm vài chục ngàn đồng, khỏi phải phiền con cái". Với tôi, hình ảnh bác Chúc - người thợ già ngồi ở lầu hai chợ Đông Ba như một nét xưa cũ quý giá mà Huế còn giữ được.

Từ việc may áo địa của bác Chúc, tôi lại nhớ đến chuyện của một cụ già đáng kính. Cụ hỏi tôi rằng tại sao trong những dịp lễ tết, thanh niên Việt Nam không mặc áo dài truyền thống. Tôi chưa thấy bè bạn cùng trang lứa mặc áo dài đen, đội khăn đóng bao giờ nên không biết trả lời cụ thế nào cho phải phép.

Ở quê, nếu ngót nghét ngũ tuần là bắt đầu có vai vế trong họ, trong làng, đi đứng nói năng phải dè chừng, ăn mặc cũng phải chỉnh tề hơn. Ở quê mà mặc áo dài đen, quần trắng, thêm cái khăn đóng trên đầu nữa khi đi chạp, đi kỵ hay lễ lạt, hiếu hỷ thì ra dáng hẳn. Tất nhiên là sẽ được ngồi mâm trên, được thưa trình.

Nhưng có lỡ mê ca mấy bài bolero thì phải nén cảm xúc chứ cầm micro đứng giữa thiên hạ thì hơi kỳ. Đó là chuyện giữa làng. Còn tại gia thì những người chưa già lắm mà có bộ đồ truyền thống thường là những người chủ gia đình. Tôi nhớ hồi trước mỗi khi nhà có kỵ hay cúng quảy, ba tôi thường mặc chiếc áo lam. Sau này khi có cháu nội, ông mới sắm áo dài đen, quần trắng, khăn đóng.

Tôi là con trai trưởng, là cháu đích tôn nhưng lớn lên đi học rồi xa làng. Mọi chuyện gia tiên, họ làng đều do thằng em trai út đảm nhận. Mỗi khi nhà có cúng kỵ, tôi lúng túng không biết sửa soạn ra sao. Nói thì nói rứa chứ vài năm nữa cũng phải sắm áo địa để về làng. Truyền thống mà, quay lưng sao được!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chuyện về chiếc áo địa chợ Đông Ba
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO