Chính phủ kiến tạo phát triển: Bài học từ Nhật Bản

LÊ QUỐC ANH - Đại học Kinh tế Quốc dân (HẢI VÂN ghi)| 08/06/2017 06:49

Tạo dựng "chính phủ kiến tạo phát triển" là định hướng hoạt động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2020 nhằm kiến tạo phát triển đất nước.

Chính phủ kiến tạo phát triển: Bài học từ Nhật Bản

Tạo dựng "chính phủ kiến tạo phát triển" là định hướng hoạt động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2020 nhằm kiến tạo phát triển đất nước. Nhiệm vụ ấy không dễ thực hiện trong điều kiện hiện nay, nhưng hướng phấn đấu đó lại là trợ lực quan trọng cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.  

Đọc E-paper

Thuật ngữ chính phủ kiến tạo phát triển (Developmental Government), nhà nước kiến tạo phát triển (Developmental State) lần đầu tiên được nhà nghiên cứu Chalmers Johnson đưa ra từ năm 1982 khi nghiên cứu về sự phát triển thần kỳ của kinh tế Nhật Bản giai đoạn 1951-1973. Trong những nguyên nhân tạo ra sự "thần kỳ, ấy ông nhận thấy vai trò của mô hình chính phủ thứ ba.

Đó là chính phủ nằm giữa hai mô hình chính phủ điển hình của thời kỳ này (chính phủ điều chỉnh ở các nước theo mô hình kinh tế thị trường tự do và chính phủ kế hoạch hóa tập trung quan liêu ở các nước phủ nhận vai trò kinh tế thị trường. Điểm nhấn của mô hình chính phủ kiến tạo phát triển là coi trọng vai trò của thị trường, nhưng không tuyệt đối hóa mà là chủ động, tích cực can thiệp hợp lý để định hướng thị trường).

Nhiều nước trên thế giới đã chuyển dần sang mô hình chính phủ thứ ba. Song, đa số các nền kinh tế, kể cả các cường quốc, cả vài nước từng có chính phủ kiến tạo, vẫn đầy bất ổn. Điều này khiến người ta nhận ra rằng các chính phủ trong mô hình thứ ba không phải tất cả đều tốt đẹp, mà hầu hết chỉ là "chính phủ xoay xở, đối phó". Chính phủ kiến tạo chỉ phát huy tác dụng trong một giai đoạn nào đó và chỉ ở các nước có đủ các điều kiện cần thiết.

Có nhiều quan điểm về chính phủ kiến tạo phát triển. Nhìn lại chính phủ của Thủ tướng Ikeda Hayato của Nhật Bản (1960 - 1964) - một trong ba chính phủ kiến tạo điển hình của châu Á, cùng chính phủ của Park Chung-hee của Hàn Quốc (1961 - 1979) và Chính phủ Trung Quốc thời Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách kinh tế (1978 - 1987), có 5 đặc điểm lớn:

Một, có lãnh đạo đủ tầm nắm quyền điều hành, chủ động cải cách mạnh mẽ từ "xoay xở, đối phó" sang "kiến tạo phát triển". Hai, có một chủ thuyết phát triển mới, khoa học, làm kim chỉ nam cho đầu tư chiến lược. Ba, có cách thức mới để thực hiện chủ thuyết đó. Bốn, quá trình thực thi chủ thuyết phát triển phải tận dụng được các nguồn lực. Năm, nhận được sự hưởng ứng nhiệt thành của doanh nghiệp và người dân. Đạt được 5 chuẩn mực cao này là điều rất khó đối với mọi chính phủ.

>>11 nhân vật đang kiến tạo nên tương lai châu Á

Điểm nhấn ở chính phủ kiến tạo phát triển của Nhật Bản là thực hiện kế hoạch tăng gấp đôi thu nhập, mà một trong những việc làm đầu tiên của Thủ tướng Ikeda Hayato là giải tán các Zaibatsu (tài phiệt - chỉ những tập đoàn công nghiệp - tài chính lớn) đang hoang tàn. Đây là giải pháp đa tác dụng: giải quyết điểm nghẽn của nền kinh tế, lấy chỗ để doanh nghiệp tư nhân đầu tư, thu tiền nhà nước về để đầu tư chỗ cần, tăng hiệu quả chung, tạo việc làm và biến những xưởng máy nghèo nàn thành các doanh nghiệp năng động, phục vụ chiến lược xuất khẩu.

Thế nhưng từ năm 1986, khi Chính phủ Nhật thời kỳ này không còn kiểm soát được nền kinh tế, đã không can thiệp mạnh để xử lý nợ xấu, thì hoạt động của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ. Những tồn tại này đã biến nền kinh tế Nhật Bản từ "gã khổng lồ" trong những năm 1970 - 1980, thành "chú lùn khiêm tốn" sau này.

Nền kinh tế Việt Nam - một nền kinh tế phát triển chưa vững chắc với tỷ lệ nợ công và bội chi cao, muốn đột phá trong phát triển phải có liệu pháp đột biến, trong đó phải dám "tấn công" vào các vấn đề gốc từng gây nhiều rào cản, nhất là những điểm nghẽn cơ chế, dòng vốn chảy lệch, điểm tụ vốn không hiệu quả, "vật cản" ngăn các chính sách tốt đi vào cuộc sống, "điểm đen" tham nhũng...

Do đó, có 3 việc Chính phủ nước ta phải đẩy mạnh giải quyết để thực sự trở thành chính phủ kiến tạo phát triển. Đầu tiên là tập trung giải quyết nhanh, gọn, cơ bản các nút thắt của nền kinh tế, dành ưu tiên giải quyết nợ xấu, đầu ra cho nông sản, cải cách mạnh hơn thủ tục hành chính. Cạnh đó, đầu tư có trọng điểm để nâng cấp hạ tầng, phải giải quyết được vấn đề nguồn vốn tín dụng đủ cung cho thị trường với giá hợp lý, giữ tỷ giá trong tầm kiểm soát. Cuối cùng, từng bước xây dựng chính phủ kiến tạo phát triển với 5 đặc điểm rút ra từ bài học của Nhật Bản.

Sau nhiều năm loay hoay "xoay xở - đối phó", Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2020 của nước ta đang nỗ lực phấn đấu trở thành chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động vì doanh nghiệp. Đó là con đường đầy khó khăn bởi nền kinh tế, xã hội còn quá thấp so với yêu cầu, nhiều tồn tại trong hệ thống chính trị khó có thể khắc phục trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, các nỗ lực của chính phủ có thể tạo ra tiền đề cho nước ta giải quyết nhanh những vấn đề nội tại để phát triển.

>>Mỹ có còn là động cơ chính của cỗ máy kinh tế toàn cầu?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chính phủ kiến tạo phát triển: Bài học từ Nhật Bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO