Cần có cơ quan tài phán và chế tài

HẢI VÂN thực hiện| 27/07/2011 00:32

Gia nhập WTO, Việt Nam chưa cam kết phương thức “hiện diện thể nhân”. Vì vậy, PGS. Hoàng Thọ Xuân Viện Nghiên cứu Chính sách Thương mại cho rằng, việc tư thương Trung Quốc vào Việt Nam thu mua thực phẩm đã vi phạm quy định của WTO.

Cần có cơ quan tài phán và chế tài

Gia nhập WTO, Việt Nam chưa cam kết phương thức “hiện diện thể nhân”. Vì vậy, PGS. Hoàng Thọ Xuân. Viện Nghiên cứu Chính sách Thương mại,  cho rằng, việc tư thương Trung Quốc vào Việt Nam thu mua thực phẩm đã vi phạm quy định của WTO.

* Hy vọng từ tháng 7 trở đi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn tăng, nhưng biên độ sẽ giảm dần gần như tiêu tan. Thực tế CPI tháng 7 tại TP.HCM đã tăng lên 1,07%, sau 2 tháng giảm. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Chỉ số tháng 7 chưa như mong muốn, bởi chúng ta đang chịu áp lực tăng giá - phát sinh từ thực hiện chính sách tiền tệ, thắt chặt tín dụng. Những tác động này làm cho chi phí đầu vào tăng lên, khiến hàng hóa không những khan hiếm mà giá còn đắt lên.

Cùng lúc, thị trường bị tác động bởi 3 yếu tố. Thứ nhất, các DN kinh doanh, sản xuất (SX) hàng tiêu dùng chịu lãi suất trên 20%, không thể có hàng hóa rẻ được. Thậm chí, nhiều DN không thể tiếp tục SX với mức lãi suất đó.

Thứ hai, giá nhập khẩu nguyên liệu thiết yếu phục vụ SX các mặt hàng xuất khẩu phải chịu “lực đẩy” của thị trường thế giới. Thứ ba, SX trong nước khó huy động nhân công do mức thu nhập không bù đắp được chi phí sinh hoạt của người lao động.

* Giá thực phẩm tăng mạnh là một trong những yếu tố làm CPI tháng 7 tăng. Trong bối cảnh đó, ông nhận định thế nào về đường đi của thực phẩm tươi sống ?

Chưa kể đến thói buôn bán “té nước theo mưa”, những yếu tố nói trên cộng lại, đã tạo thành bối cảnh xã hội, thành tâm lý chung, tất cả đều tăng giá. Trong nhóm thực phẩm, thịt lợn tăng giá dữ dội.

Có nhiều ý kiến trái chiều, nhưng người ta thống nhất có 3 nguyên nhân. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ ý kiến do khôi phục chăn nuôi không phải là chuyện ngày một, ngày hai.

Loại ý kiến thứ hai nói, do ta nhập khẩu lượng thịt lợn khá lớn, mỗi tháng mấy ngàn tấn. Một loại ý kiến khác cho rằng, nguyên nhân chính làm thiếu thực phẩm là do ta xuất sang Trung Quốc (TQ) qua đường tiểu ngạch nhiều quá.Yếu tố xuất qua đường tiểu ngạch, tôi không nói đây là nguyên nhân chính làm giá thực phẩm tăng cao, nhưng là vấn đề rất lớn.

* Nhưng chuyện tư thương Trung Quốc vào Việt Nam thu mua thực phẩm không phải là vấn đề mới?

Không mới, nhưng mọi việc đã quá đà. Báo chí đưa tin, thương lái TQ đứng giữa chợ Bắc Giang thu mua vải, vào tận ruộng ở Vĩnh Long thu mua khoai, thậm chí họ tạm trú tại địa bàn, mở kho đóng gói hàng hóa, chuyển về nước. Họ thu mua tất cả các loại nông, lâm, thủy sản, thịt gia súc, gia cầm. Thậm chí, họ mua cả cá lóc với giá rất cao - cái mà ta không biết họ mua để dùng vào việc gì.

Việc tư thương TQ gom hàng hóa, tác động trực diện vào cung hàng hóa, cầu tiêu dùng trong nước bị giảm mạnh. Mặt bằng giá tăng lên do nhà SX bị mua đắt ngay từ gốc. Các quy hoạch kinh doanh, hệ thống phân phối và SX sẽ dần bị phá hỏng. Chúng ta đã xây dựng những hệ thống phân phối, xuất khẩu lớn trên cả nước, với những mô hình hiện đại “Từ trang trại đến bàn ăn”... cuối cùng lại thua “đội quân du kích”.

* Nguyên nhân về căn bản đã được xác định, nhưng giải quyết như thế nào mới là vấn đề?

Gia nhập WTO, Việt Nam mới chỉ cam kết 3 phương thức: Một là dịch vụ qua biên giới. Hai là tiêu dùng ngoài lãnh thổ. Ba là hiện diện thương mại. Còn phương thức thứ tư: “hiện diện thể nhân”, Việt Nam chưa cam kết. Tức là, ta chưa cho phép những cá nhân, thể nhân nước ngoài vào lãnh thổ VN để cung cấp dịch vụ, bán buôn, bán lẻ... hàng hóa. Như vậy, việc thương lái TQ vào Việt Nam thu mua hàng hóa là phi pháp, ta có quyền xử lý.

Tuy nhiên, nếu chỉ nói anh không được phép vào trang trại của tôi để thu mua hàng hóa thì không giải quyết được vấn đề. Muốn xử lý, các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương phải thống nhất được: Cơ quan nào là cơ quan tài phán, sẽ dùng chế tài gì để xử lý, để cưỡng chế.

* Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần có cơ quan tài phán và chế tài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO