![]() |
Chiến tranh đi qua, chị trở về với bao bộn bề của cuộc sống vùng biển bãi ngang. Không chịu khuất phục trước cái đói, cái nghèo, qua bao đêm trăn trở chị đã tìm ra cách làm giàu trên chính quê hương mình. Chị được người dân nơi đây gọi là “bà đỡ”, là “Bà Phường nước mắm”...
![]() |
Chị Phường đang đo độ chuẩn của nước mắm |
Theo con đường đất đỏ về xã biển Ngư Thủy Nam tìm gặp chị, thay vì hỏi “Chị Phường cán bộ phụ nữ” thì hỏi “bà đỡ” hay “Bà Phường nước mắm”, từ già tới trẻ ai cũng biết. Sinh ra trong một gia đình ngư dân nghèo, những năm chiến tranh, chị tham gia vào Đại đội Pháo binh gái Ngư Thủy, cùng các o, các chị trong làng biển này làm nên kỳ tích đi vào lịch sử của cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc: trong vòng 100 ngày, Đại đội Pháo binh gái Ngư Thủy đã bắn cháy ba tàu chiến của Mỹ. Với chiến công đó, Đại đội được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.
Những năm 1980, khi đường về Ngư Thủy chưa có, hải sản bà con đánh bắt được không biết tiêu thụ ở đâu. Mang lên trung tâm huyện bán thì cá đã ươn vì phải đi bộ qua những đồi cát chứ không có đường đất như bây giờ. Tư thương về mua lại ép giá. Thế là sản phẩm đánh bắt được không đủ để cho bà con đổi lấy hạt gạo...
Là một cán bộ phụ nữ phong trào, chị khăn gói vào Nam, ra Bắc tìm kế sách làm ăn. Trở về chị mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị làm lò sấy. Kể từ đó, bao nhiêu hải sản ngư dân trong xã đánh bắt được đều được cơ sở của chị thu mua bằng giá thị trường. Tiền lãi có được chị lại mạnh dạn đầu tư cho các hộ gia đình nghèo mua ngư cụ. Từ đó, ngư dân nghèo vừa có vốn sản xuất, vừa có nơi tiêu thụ sản phẩm đánh bắt được. Cơ sở ngày một ăn nên làm ra, chị tuyển dụng thêm hàng chục người có hoàn cảnh khó khăn, tạo việc làm với thu nhập ổn định cho họ.
Tuy nhiên, mọi việc không phải bao giờ cũng thuận buồm xuôi gió. Chị theo nghề chế biến mực khô xuất khẩu được hơn bảy năm thì phải ngưng vì nguồn mực không đáp ứng đủ nhu cầu. Thế là chị lại chuyển nghề. Năm 2000, Ngư Thủy Nam có đường đất đỏ nối với quốc lộ 1A. Điều kiện giao thông đã có, chị lên trung tâm huyện mua gạo, mì chính và những vật dụng phục vụ đời sống hàng ngày về “bán chịu” cho bà con ngư dân. Chị kể: “Nhiều người phải đến tận nhà kêu họ và cho họ nợ, vì vào những lúc biển động dài ngày, họ không ra biển được nên không có cái ăn. Họ không dám mua thiếu vì ngại. Vẫn còn nhiều người chưa trả hết tiền cho vay để mua ngư cụ”... Đến mùa đi biển, sau khi bán được cá họ mang tiền đến trả cho chị. Nhiều người coi chị như chị em ruột thịt, đi biển về có con cá, con mực ngon họ thường mang cho và cái tên “bà đỡ” cũng ra đời từ đó.
Khi có một số chương trình, dự án hỗ trợ phụ nữ vùng ven biển được triển khai, chị mừng rỡ vì đã có điều kiện để thực hiện ước mơ của mình. Chị bỏ ra hàng chục triệu đồng để gầy dựng 5 tổ chế biến nước mắm tại các thôn, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho gần trăm lao động nữ. Nỗ lực của chị và mọi người trong xã đã có kết quả. Các cơ quan kiểm định từ địa phương đến trung ương đều công nhận chất lượng nước mắm do chị em làng biển làm ra có chất lượng cao. Tuy vậy, cần phải mất một thời gian nữa mới khẳng định được thương hiệu nước mắm của Ngư Thủy có đứng vững trên thị trường hay không.
Những đổi thay về kinh tế hiện tại của Ngư Thủy Nam có một phần công sức không nhỏ của chị, người phụ nữ đã sống hết mình, hết lòng với người làng biển mà không một chút vụ lợi cho riêng mình. Chính vì vậy mà bà con ví chị như “bà đỡ” của người nghèo vùng biển bãi ngang này.