Denim và kỳ vọng “xanh hóa” ngành dệt may

P.H| 12/06/2019 06:00

Được biết đến như chuỗi giá trị sản phẩm tương đối hoàn chỉnh của ngành dệt may, ngành hàng denim (loại vải thô, bền, được dệt đan chéo bằng 100% cotton) “made in Vietnam” ngay từ buổi sơ khai đã mạnh dạn gia nhập xu hướng xanh hóa ngành dệt may.

Denim và kỳ vọng “xanh hóa” ngành dệt may

Việt Nam đang nổi lên là nhà cung cấp denim lớn ra thế giới, do đó Triển lãm Denimsandjeans Việt Nam lần thứ tư diễn ra ngày 12 và 13/6/2019 tại TP.HCM là sự kiện để các các đơn vị trong ngành công nghiệp denim Việt Nam và đối tác gặp gỡ, hợp tác cùng phát triển. Đây là xu hướng tất yếu khi những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như CPTPP, EVNFTA ngày càng đòi hỏi nhiều hơn cam kết về sự phát triển bền vững liên quan tới con người, môi trường, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (DN).

Lợi thế vào đến top 2 thế giới về xuất khẩu hàng dệt may (năm 2018) đang là lực đẩy cho chuỗi giá trị mặt hàng denim, từ khâu dệt, nhuộm đến thiết kế, sản xuất. Cho tới thời điểm này, hàng denim Việt Nam tự tin đã đáp ứng đầy đủ quy tắc “từ sợi trở đi” khi xuất khẩu vào khu vực CPTPP.

Tuy số lượng DN sản xuất hàng denim mới chỉ khoảng 100 trên 6.000 DN dệt may tại Việt Nam, nhưng cuộc vận động tham gia Triển lãm Denimandjeans lần thứ tư với định hướng phát triển bền vững đã thu hút được hơn 40 DN từ nhiều nước trên thế giới cùng tham gia trưng bày sản phẩm. Và tất nhiên, một trong những yêu cầu bắt buộc của nhà tổ chức triển lãm là DN phải có chứng nhận về phát triển bền vững.

Do đó, Triển lãm Denim năm nay dành phần không gian đặc thù cho khu vực “My Mother Earth” - nơi trưng bày sản phẩm với quy trình may mặc không ảnh hưởng xấu đến đất đai, không khí và nước. Đó là những sản phẩm từ cotton, sử dụng hóa chất thân thiện môi trường, sử dụng nước ở mức tối thiểu và tái chế được chất thải trong quá trình sản xuất.

Hiện tại, trong số 500 triệu sản phẩm denim mà các nước xuất khẩu vào Mỹ hằng năm, lượng hàng denim mang nhãn Việt Nam mới đóng góp 24 triệu. Dù còn nhỏ bé nhưng mặt hàng denim của Việt Nam sẽ có thị trường lớn và rất tiềm năng.

Hiện Việt Nam đã có hai nhà máy dùng robot trong khâu washing (giặt giũ), là khâu có thể ảnh hưởng tới sức khỏe công nhân. Có nhà máy còn được thiết kế để sử dụng ánh sáng mặt trời tốt nhất nhằm giảm thiểu hoạt động của hệ thống máy sấy, giúp giảm phát thải khí nhà kính.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), 80% DN dệt may tại Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, dù biết “xanh hóa” ngành dệt may là rất quan trọng nhưng chưa thể dành mọi ưu tiên đầu tư cho mục tiêu ấy vào lúc này vì với quy mô sản xuất nhỏ và công nghệ chưa tiên tiến, nếu sử dụng hóa chất thân thiện môi trường thì thành phẩm sẽ rất đắt đỏ, khó mà giữ được sức cạnh tranh.

Ngay cả khi DN đã được “đả thông tư tưởng” thì hành động sau đó theo hướng phát triển bền vững cũng không hề dễ dàng bởi các khó khăn về nguồn lực. Dù vậy, trên phương diện là tổ chức dẫn dắt ngành, VITAS vẫn khẳng định phát triển bền vững là xu thế không thể đảo ngược của ngành dệt may.

Do đó, đầu tháng 7/2019 tới đây, Hiệp hội sẽ tổ chức hội thảo với sự hỗ trợ của Ủy ban An toàn may mặc toàn cầu nhằm vận động các nhà sản xuất tuân thủ hệ tiêu chuẩn và quy trình đánh giá tại Higg Index - chứng nhận về phát triển bền vững cho DN dệt may.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Denim và kỳ vọng “xanh hóa” ngành dệt may
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO