Tại Hội thảo "Phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Niềm tin và giải pháp" vừa diễn ra ngày 30/11/2022 do Tạp chí Tài Chính Doanh Nghiệp tổ chức, nhiều chuyên gia đã đề xuất các giải pháp để gỡ bỏ "nút thắt" về pháp lý liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp (DN)
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, kênh huy động vốn qua trái phiếu, cùng kênh tín dụng và kênh cổ phiếu, đã đóng vai trò quan trọng trong khai thông nguồn vốn cho sự phát triển của DN Việt. Ông phân tích: "Ngay từ tháng 3/2022, thị trường trái phiếu DN (TPDN) chậm lại nhằm chờ đợi Nghị định sửa đổi 153/NĐ-CP/2020, với mục tiêu bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư cũng như nâng cao chất lượng của thị trường vốn.
Trong bối cảnh đó, tổng giá trị phát hành TPDN 9 tháng đầu năm 2022 giảm 43,5% so với cùng kỳ, còn 248.603 tỷ đồng. TPDN Việt Nam năm 2022 tập trung vào ngân hàng và DN bất động sản. Do đó, nếu cần 'giải cứu' thị trường TPDN, đồng nghĩa với 'cứu' trái phiếu của DN bất động sản"
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phát biểu tại hội thảo |
Ở góc độ pháp lý, Phó chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA) Phạm Ngọc Hưng nhận định: "Các nhà đầu tư khi chưa hiểu biết rõ về trái phiếu và đơn vị phát hành sẽ dễ 'ngậm trái đắng'. Bên cạnh đó, một số đơn vị phát hành che giấu thông tin và mục đích thật sự của việc phát hành trái phiếu. Thông tin về tài sản bảo đảm của DN phát hành mập mờ khiến nhà đầu tư cũng mơ hồ.
Không những thế, cần xét đến vai trò môi giới của ngân hàng và công ty chứng khoán. Họ môi giới với mục đích sinh lời thì phải chịu trách nhiệm khi cung cấp thông tin không đầy đủ cho khách hàng. Về điều này, cần hành lang pháp lý chặt chẽ hơn. Một vấn đề hết sức quan trọng là vai trò của cơ quan quản lý nhà nước (như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán nhà nước…) trong việc giám sát kiểm tra hoạt động phát hành trái phiếu cần được nâng cao".
Luật sư Phạm Ngọc Hưng chia sẻ về góc độ pháp lý |
Để giải tỏa áp lực trái phiếu đáo hạn, ông Mã Thanh Danh - Chủ tịch Công ty CP Tư vấn Quốc tế (CIB) đề xuất 3 nhóm giải pháp:
Một, DN nên liệt kê tài sản còn lại gì. Với DN đang kinh doanh tốt nhưng trái chủ yêu cầu mua lại trái phiếu thì nên dùng nguồn tiền mặt để mua lại, giúp giải tỏa bớt áp lực. Nếu không đủ tiền, DN có thể đi vay thêm hoặc thế chấp một phần trái phiếu với lãi suất cao hơn để vay tiền mua.
Bên cạnh đó, với tình hình kinh doanh ổn định, DN có thể thương lượng trực tiếp với trái chủ để họ chờ đến hạn. Trường hợp trái chủ nhất quyết yêu cầu mua lại, DN có thể thương lượng để trái chủ chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu. Vừa qua, Citi Bank đã đồng ý chuyển đổi trái phiếu Novaland thành cổ phiếu NVL với giá 85.000đ/cổ phiếu, trong khi thị giá NVL chỉ hơn 20.000đ/cổ phiếu.
Hai, với các DN có tài chính không đủ mạnh hoặc kinh doanh kém khả quan, yêu cầu mua lại trái phiếu thực sự là áp lực không nhỏ. Vì vậy, DN cần chuẩn bị một kế hoạch tái cấu trúc rõ ràng để thương lượng với trái chủ. Nếu không được, DN buộc phải bán các tài sản mình đang có để thanh toán cho các trái chủ, chẳng hạn như bán đất đai, thương hiệu, hệ thống phân phối…
Ba, DN cần tính đến phương án tham gia thị trường mua bán nợ. Tuy nhiên, các công cụ mua bán nợ tại thị trường Việt Nam hiện vẫn chưa phổ biến, đồng thời, nếu có một thị trường trái phiếu thứ cấp hoạt động bài bản, thì các trái chủ khi cần bán lại sẽ giao dịch trực tiếp trên thị trường này, giảm bớt áp lực cho DN.