Nhiều địa phương đang triển khai các chương trình chuyển đổi hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất (gọi chung là hộ kinh doanh) thành doanh nghiệp nhằm thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ.
Đọc E-paper
Kinh doanh dưới hình thức hộ có những ưu thế như các thủ tục pháp lý đơn giản, được nộp thuế khoán, bộ máy quản lý gọn nhẹ nên tiết giảm rất nhiều chi phí gián tiếp. Tuy nhiên, khi muốn mở rộng quy mô thì mô hình này gặp hạn chế về huy động vốn và khó đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng lớn. Lúc đó, để đảm bảo phát triển kinh doanh, cần chuyển đổi sang các loại hình doanh nghiệp.
Nhưng trên thực tế, hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi khá phổ biến, một phần do nghĩa vụ của doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh nhiều hơn so với hộ, như các giấy phép về môi trường, thủ tục cho thuê đất, thủ tục kê khai, quyết toán thuế, một phần khác do e ngại các cuộc thanh tra, kiểm tra; cũng có trường hợp chủ hộ kinh doanh e ngại các quy định khi thành lập doanh nghiệp...
Kết quả khảo sát 50 cơ sở sản xuất, kinh doanh tại TP.HCM cho thấy có khoảng 73% hộ kinh doanh không có ý định chuyển mô hình hoạt động theo hình thức doanh nghiệp.
Chấp nhận kinh doanh dưới hình thức hộ là biểu hiện của ngại rủi ro khi phát triển lớn. Tâm lý này cũng dễ hiểu và dễ thông cảm bởi chưa có sự chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để nâng cao hiệu quả hoạt động khi chuyển lên doanh nghiệp. Điều kiện đó bao gồm ý tưởng kinh doanh lớn, kiến thức và kỹ năng quản trị doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ cộng sự, khả năng huy động vốn, cách thức quản trị. Trong đó, ý tưởng kinh doanh lớn và định hướng kinh doanh sau khi chuyển đổi ảnh hưởng nhất đến quyết định chuyển đổi.
Không có một phương thức làm ăn nào phù hợp với mọi thời đại vì môi trường kinh doanh luôn thay đổi, luôn xuất hiện thời cơ và thách thức mới. Hộ kinh doanh muốn phát triển quy mô nhằm tận dụng thời cơ mới cần nắm được kiến thức và kỹ năng nhạy bén với thị trường để định hướng ý tưởng kinh doanh lớn hơn, cụ thể là về sản phẩm, dịch vụ, công nghệ, phương thức marketing, bán hàng và mô hình tổ chức vận hành.
Hay nói cách khác, ý tưởng kinh doanh lớn là nhân tố quyết định lựa chọn loại hình doanh nghiệp. Nếu hộ đang kinh doanh với quy mô nhỏ mà chuyển đổi sang hình thức doanh nghiệp trong khi chưa định hướng được ý tưởng lớn thì chỉ làm gia tăng thêm chi phí, gây thêm khó khăn trong kinh doanh. Thực tế cho thấy nhiều hộ kinh doanh tốt nhưng khi mở rộng thì thất bại.
Vì thế, có nhiều ý kiến cho rằng nên duy trì sự ổn định của kinh tế hộ. Thay vào đó, các chính sách nên tập trung vào khởi nghiệp, khuyến khích thành lập doanh nghiệp sẽ phù hợp hơn.
Nhưng thực tế cho thấy các ý tưởng kinh doanh từ khởi nghiệp thường thành công rất thấp, bởi vì người khởi nghiệp lần đầu chưa có kinh nghiệm vận hành mô hình kinh doanh nên khó dự báo và xử lý rủi ro, chưa thiết lập được các mối quan hệ với khách hàng, nhà cung cấp nên khó quản trị vốn lưu động, khó xác định được chi phí và dự báo dòng tiền hợp lý để xây dựng kế hoạch kinh doanh.
Trong khi đó, doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ sẽ ít gặp khó khăn về các vấn đề ấy, vì thế mà khả năng thành công sẽ cao hơn so với người mới khởi nghiệp. Do vậy, chủ trương chuyển đổi hộ sang doanh nghiệp là phù hợp.
>>"Hương và hoa" của kinh doanh nhỏ lẻ
Để thúc đẩy tiến trình phát triển hộ kinh doanh lên doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, trước hết Nhà nước cần tạo cơ hội giúp hình thành ý tưởng kinh doanh lớn. Trọng tâm của các cơ hội đó là động lực về cầu, nghĩa là tạo ra nhu cầu để họ có thể nhận diện được ý tưởng và định hướng phát triển, từ đó từng bước tích luỹ tiền bạc và kế hoạch chuyển đổi lên doanh nghiệp. Tức phải có quá trình chuyển đổi cả về sản phẩm, dịch vụ, công nghệ và vận hành doanh nghiệp.
Có nhiều cách để Chính phủ có thể kiến tạo cơ hội cho doanh nghiệp khởi xướng các chương trình, dự án hấp dẫn, như tham gia giải quyết các vấn đề gay gắt nhất hiện nay là chống ngập, xử lý rác thải, xây dựng cầu đường... Theo đó doanh nghiệp lớn đảm nhận vai trò thầu chính, doanh nghiệp mới chuyển đổi đảm nhận vai trò thầu phụ. Các dự án do Chính phủ khởi xướng không nhất thiết dùng ngân sách nhà nước mà tạo ra nhu cầu để hấp dẫn doanh nghiệp.
Để chuyển đổi hộ kinh doanh, việc cải cách hành chính liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Những nhà hoạch định chính sách cần đặt mình vào vị trí của người kinh doanh để xây dựng cơ chế quản lý sao cho đơn giản nhất, từ thủ tục đăng ký thành lập, kê khai, nộp thuế, đến các thủ tục xin cấp phép, bảo hiểm phá sản...
Cuối cùng, cần thực hiện các chương trình phổ cập kiến thức quản trị cho chủ hộ kinh doanh về thị trường. Lâu nay, các chương trình đào tạo nhân lực chủ yếu tập trung vào nhóm , ít đề cập đến hộ kinh doanh. Các kiến thức phổ cập cho hộ kinh doanh cần đề cập đến thủ tục pháp lý trong kinh doanh, quản trị tài chính thường thức, tài chính cá nhân, nhân lực, marketing, bán hàng.
Chuyển đổi từ kinh doanh hộ sang doanh nghiệp là một chủ trương đúng, khả năng thành công cao hơn so với doanh nghiệp khởi sự, bởi vì hộ kinh doanh đã có kinh nghiệm kinh doanh, có đối tác. Vấn đề còn lại là tìm cách chuyển đổi sao cho thật thuận lợi, đặc biệt là mang lại hiệu quả kinh tế cao.