Cung An Định được vua Khải Định cho xây dựng vào năm 1918, tọa lạc bên bờ sông An Cựu (vốn tên là sông Lợi Nông, được đào dưới thời vua Thiệu Trị), nay mang số 97 đường Phan Đình Phùng, thành phố Huế. Tại vị trí này từ năm Thành Thái 14 (1902), Phụng Hóa Công Nguyễn Phúc Bửu Đảo (tức vua Khải Định về sau) đã lập phủ, đặt tên là phủ An Định.
Bí ẩn những bức tranh cổ
Năm Khải Định thứ hai (1917), vua mới dùng tiền riêng cải tạo phủ lại thành cung. Sau đó, cung An Định trở thành tiềm đế của Đông Cung Thái tử Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại về sau). Đến năm 1975, bà Từ Cung đã hiến cung An Định cho chính quyền cách mạng.
Rất nhiều thắng cảnh ở Huế là đề tài chủ yếu trong các bức bích họa ở lầu Khải Tường |
Cung An Định quay mặt về hướng nam, phía sông An Cựu. Cung có địa thế bằng phẳng, tổng diện tích mặt bằng 23.463m2, chung quanh có khuôn viên tường gạch dày 0,5m, cao 1,8m, trên có hàng rào song sắt bao bọc. Khi còn nguyên vẹn cung có khoảng 10 công trình, gồm bến thuyền, cổng chính, đình Trung Lập, lầu Khải Tường, nhà hát Cửu Tư Đài, chuồng thú, hồ nước...
Trải qua thời gian và sự tàn phá của chiến tranh, đến nay cung chỉ còn lại ba công trình khá nguyên vẹn là cổng chính, đình Trung Lập và lầu Khải Tường. Cổng chính làm theo lối tam quan, hai tầng, trang trí bằng sành sứ đắp nổi rất công phu. Đình Trung Lập nằm phía trong cửa, kết cấu kiểu đình bát giác, nền cao. Trong đình có đặt bức tượng đồng vua Khải Định, tỷ lệ bằng người thật, đúc từ năm 1920.
Lầu Khải Tường nằm phía sau đình Trung Lập, là công trình kiến trúc chính của cung An Định. Tên Khải Tường (nghĩa là nơi khởi phát điềm lành) là do vua Khải Định đặt. Lầu gồm ba tầng, xây bằng các vật liệu mới theo kiểu lâu đài châu Âu, chiếm diện tích tới 745m2, được trang trí rất công phu, đặc biệt là phần nội thất của tầng một với các bức bích họa có giá trị nghệ thuật cao.
Cùng với các công trình kiến trúc khác thời Khải Định, như lăng Khải Định, lầu Kiến Trung, cửa Hiển Nhơn..., cung An Định được xem là một đại diện tiêu biểu của phong cách kiến trúc Việt Nam trong giai đoạn tân - cổ điển (Néo - Classique).
Trải qua 80 năm tồn tại, tác động vô thức của việc quản lý và sử dụng đã làm nội thất cung An Định cùng những bức bích họa xuống cấp trầm trọng. Toàn bộ 3.610m2 tranh và họa tiết trang trí trên trần và tường ở cả ba tầng của lầu Khải Tường đều bị bong tróc, ố màu, hoặc bị các lớp vôi quét tường làm cho trở thành phế tích.
Tuy vậy, giới nghiên cứu lịch sử, hội họa vẫn luôn hy vọng sẽ “giải mã” được sự ra đời của sáu bức bích họa hiện còn tại An Định. Theo các nhà nghiên cứu, sự phong phú, đa dạng về mô-típ trang trí và màu sắc ở những bức bích họa này rất hiếm thấy trong nội thất các lâu đài cổ ở châu Âu, ở Việt Nam chỉ thấy duy nhất trong cung An Định.
Những bức bích họa này được vẽ bằng sơn dầu trực tiếp lên các mảng tường, có khung gỗ ốp chung quanh được viền, chạm khắc hoa mai, lá sen cách điệu rất đẹp. Những nét vẽ trong tranh tinh xảo, ảnh hưởng phong cách châu Âu, song lại mô tả phong cảnh Việt Nam. Đây thật sự là một cuộc hội ngộ độc đáo của văn hóa phương Tây và văn hóa truyền thống Việt Nam.
Nhiều người đã thử đi tìm lời giải cho câu hỏi ai là tác giả đích thực của sáu bức bích họa vô giá này, và trong các bức bích họa đó, phong cảnh nào ở các di tích Huế được thể hiện trên nền vẽ, nhưng cuối cùng vẫn chưa thể tìm được. Kiến trúc sư Phùng Phu, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho rằng, vì cung An Định do Khải Định xây dựng khi mới lên ngôi, lúc đó ông vua này chưa xây lăng, nên không phải vẽ phong cảnh lăng Khải Định, mà có thể là vẽ một phủ đệ nào đó có tầm quan trọng đặc biệt với triều đình và bản thân nhà vua (?!).
Họa tiết trong nội thất cung An Định |
Còn TS. Trần Đức Anh Sơn khẳng định, có thể những bức tranh đó là vẽ lăng Khải Định khi đang ở dạng phác thảo trên bản vẽ. Như thế mới đúng trật tự tôn ti, thứ tự các lăng vua. Vì lúc khánh thành cung An Định, vua Khải Định 33 tuổi, đã bắt đầu cho thiết kế lăng. Sở dĩ bức họa không giống với lăng Khải Định hiện nay, vì sau chuyến đi Pháp về, nhà vua đã cho thay đổi thiết kế lăng theo kiểu phương Tây, đồ sộ hơn.
Còn về câu hỏi ai là tác giả của sáu bức tranh lại càng khó tìm ra câu trả lời hơn. Theo các tác giả trong sách Mỹ thuật thời Nguyễn trên đất Huế (NXB Hội Nhà văn, 1992) thì những tác phẩm hội họa này là của họa sĩ Lê Quang Duyệt. Còn sách Mỹ thuật Huế (đã dẫn) thì lại cho rằng, đây là tranh của các họa sĩ Việt Nam đương thời (tức đầu thế kỷ XX) như Lê Duy Hiến, Tôn Thất Sa...
Bừng sống màu thời gian
Nhận thấy “một báu vật nhân văn đang kêu cứu”, từ 2002 - 2008, ông Thomas Ulbrich, Phó chủ tịch Hiệp hội Trao đổi Văn hóa Leiniz - CHLB Đức, đồng thời là tình nguyện viên làm việc tại Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, đã thúc đẩy thực hiện dự án bảo tồn, phục hồi sáu bức tranh nằm trong sảnh chính lầu Khải Tường.
Dự án được Bộ Ngoại giao Đức, thông qua Đại sứ quán tại Hà Nội, đồng ý tài trợ 20.000USD để thực hiện giai đoạn 1 (từ tháng 3 - 6/2003). Sau đó, Hiệp hội Trao đổi văn hóa Đông Tây hội ngộ tiếp tục tài trợ thêm 444.810,7 euro để tiến hành giai đoạn 2 dự án “bảo tồn, phục hồi nội thất và đào tạo cán bộ kỹ thuật tại cung An Định”.
Qua hơn năm năm tiến hành bảo tồn, trùng tu, sáu bức bích họa và nội thất ở cung An Định được phục hồi theo phương pháp phục hồi hoàn nguyên, sử dụng các chất bảo quản nhằm ngăn chặn những tác hại của môi trường. Công nghệ của các lớp sơn, thành phần hóa học của bột màu và chất dung môi, tất cả đều được gửi mẫu về Đức để nghiên cứu, phân tích.
Từ những kết quả có được, việc phục hồi được tiến hành với công đoạn đầu tiên là gia cố lớp sơn mỏng bằng keo polyacrylic, kế đó chùi sơ bằng cọ mềm và bọt biển chuyên dụng. Bước tiếp theo là dùng xà phòng trung tính anionic tensid làm rõ lớp sơn gốc còn lại trên tường...
Sau khi hoàn tất các công đoạn này, một lớp keo acrylic được tô vào những chỗ màu bị mất, rồi dùng màu nước chấm sửa lên bề mặt theo những phương pháp kỹ thuật rigatino. Có cả thảy năm bước trong quy trình phục hồi các bức bích họa này: bóc tách, làm sạch bề mặt; sao chép, nhân bản họa tiết; tu bổ nền họa tiết; xác định chất liệu, màu của họa tiết gốc và tiến hành phục chế trực tiếp tranh và họa tiết. Trong quá trình phục hồi, có những hóa chất chuyên dụng phải đem từ Đức qua. Những bức tranh này sau khi được phục hồi hoàn nguyên đã hiện lên sáng rõ lạ lùng...
“Điều đáng nói là có 13 sinh viên vừa tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Huế cùng tham gia công việc trùng tu. Họ vừa học vừa làm và đó sẽ là những chuyên gia trùng tu bích họa cổ đầu tiên của Việt Nam”, bà Andrea Teufel, trưởng nhóm chuyên gia người Đức nhận trách nhiệm bảo tồn, trùng tu tại cung An Định, đánh giá.
Hiện nay, toàn bộ những bức bích họa quý giá bị che lấp bởi nhiều lớp vôi màu do bàn tay vô tình của con người quét chồng lên, đã bừng sống trở lại. Phục hồi, bảo tồn nội thất và đào tạo cán bộ kỹ thuật tại cung An Định chính là chúng ta đang giữ gìn một tài sản vô giá.