Xuất khẩu gỗ: Kỳ vọng mốc 8 tỷ USD

TRÍ MINH| 08/03/2017 03:32

Ông Huỳnh Văn Hạnh - Phó chủ tịch HAWA cho biết, xuất khẩu gỗ năm 2017 sẽ cán mốc 8 tỷ USD.

Xuất khẩu gỗ: Kỳ vọng mốc 8 tỷ USD

Phát biểu tại buổi họp báo về Hội chợ Quốc tế đồ gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam 2017 (VIFA-EXPO 2017), ông Huỳnh Văn Hạnh - Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết, xuất khẩu gỗ năm 2017 sẽ cán mốc 8 tỷ USD.

Theo ông Hạnh, VIFA-EXPO 2017 có 313 doanh nghiệp tham gia với 1.532 gian hàng, tăng 24% so với năm 2016. Đặc biệt, lượng doanh nghiệp nước ngoài đăng ký tham gia tăng đột biến với 100 thương hiệu, tăng 72% so với VIFA-EXPO 2016. Những doanh nghiệp này đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có tiềm lực ngành gỗ và công nghiệp phụ trợ khá lớn như Singapore, Mỹ, Úc, Canada, Đan Mạch, Ý...

Hiện có thêm 20 doanh nghiệp chờ tham gia VIFA-EXPO 2017 trong khi hội chợ không còn gian hàng. Những con số này cho thấy nhu cầu xúc tiến thương mại, tìm kiếm cơ hội thị trường của ngành chế biến gỗ là rất lớn.

Link bài viết

Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu gỗ gặp khó do nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn như EU giảm mạnh. Năm nay, đối thủ lớn nhất của ngành gỗ Việt Nam là doanh nghiệp gỗ Trung Quốc (chiếm 37% thị phần đồ gỗ nhập khẩu của Mỹ) bị áp thuế chống bán phá giá nên có khả năng một phần thị phần ấy sẽ dịch chuyển sang các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Đồng thời trong năm qua Việt Nam cũng đã ký nhiều hiệp định thương mại với các nước và khu vực nên ngành gỗ tới đây sẽ có thêm tiềm năng và dư địa phát triển, xuất khẩu có thể đạt 8 tỷ USD. Theo dự báo, trong năm 2017, nhu cầu tiêu thụ đồ nội thất trên toàn thế giới tiếp tục tăng. Những doanh nghiệp gỗ có chiến lược đầu tư bài bản thì khả năng bứt phá về mặt doanh số là rất cao.

Về thị trường nội địa, ông Huỳnh Văn Hạnh cho biết, từ năm 2005 đến nay, doanh thu ngành gỗ chỉ dao động quanh 22.000 tỷ đồng do nhu cầu thị trường đi xuống. Nhưng năm 2017, HAWA dự báo, doanh thu nội địa sẽ đạt khoảng 29.000 tỷ đồng. Nguyên nhân là bởi ngành bất động sản (chiếm 40% lượng tiêu thụ đồ gỗ) đã tăng trưởng trở lại, kéo theo nhu cầu thiết bị nội thất tăng theo. Đặc biệt, phần lớn doanh nghiệp bất động sản đều chọn doanh nghiệp gỗ Việt Nam là nhà cung cấp.

VIFA-EXPO 2017 diễn ra từ ngày 8 - 11/3/2017 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7, TP.HCM. VIFA-EXPO 2017 do Sở Công Thương phối hợp với Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM tổ chức.

Theo thống kê của HAWA, Ban tổ chức đã nhận được gần 1.900 khách đăng ký tham dự đến từ 94 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng gần 300 khách so với VIFA-EXPO năm trước.

Trong nhiều năm gần đây, đồ gỗ Việt Nam đã khẳng định chỗ đứng trên thị trường ở hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Nhật Bản, EU và Mỹ là những thị trường đòi hỏi kỹ thuật, chất lượng của đồ gỗ rất cao.

Ông Nguyễn Quốc Khanh - TGĐ Công ty CP xây dựng và kiến trúc AA, Chủ tịch Hội Gỗ Việt Nam cho biết, đồ gỗ nội thất Việt Nam ngày càng được khách hàng cao cấp tin dùng. Hiện nay hệ thống khách sạn 5 sao tại Việt Nam sử dụng 80% đồ gỗ nội địa.

Ông Nguyễn Chiến Thắng - TGĐ Công ty Scansia Pacific chia sẻ: "Ngành gỗ được đánh giá là một trong những ngành rất có tiềm năng để đầu tư. Uy tín của ngành gỗ đối với hệ thống ngân hàng, các quỹ đầu tư được nâng cao cũng là một trong những điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp gỗ mạnh tay đầu tư công nghệ. Hiện nhiều doanh nghiệp gỗ tại Bình Dương, Đồng Nai đã tăng cường đầu tư nhà xưởng, dây chuyền sản xuất".

Ông Thắng cho biết thêm, nhiều doanh nghiệp khi làm việc với nhà cung cấp máy chỉ dự trù mở rộng quy mô 25 - 30% nhưng thực tế họ đều mở rộng đến hơn 50%. Doanh nghiệp Scansia Pacific do ông Thắng điều hành cũng đang xây thêm một nhà máy để đáp ứng đơn hàng.

Một tin vui cho ngành gỗ là hiện nay các doanh nghiệp gỗ Việt Nam đã chiếm 52% doanh số xuất khẩu, tức đã vượt doanh nghiệp gỗ FDI vốn luôn áp đảo về lĩnh vực này. Hiện cả nước có trên 450 doanh nghiệp FDI hoạt động trong ngành chế biến gỗ, nhiều năm liền nắm giữ doanh số xuất khẩu đến 56%, nhưng đến năm 2016 chỉ còn 47%.

Ông Huỳnh Văn Hạnh cho biết: "Những kết quả bước đầu này thể hiện sự thay đổi trong chiến lược phát triển của các doanh nghiệp gỗ. Doanh nghiệp ngày càng ý thức việc muốn phát triển thì buộc phải đầu tư công nghệ để có năng suất cao và chất lượng sản phẩm ổn định. Bên cạnh đó, chính áp lực tăng trưởng đã buộc các doanh nghiệp ngành gỗ và mỹ nghệ Việt Nam phải đẩy mạnh đầu tư công nghệ hiện đại, nhà máy sản xuất có quy mô lớn để tăng lợi thế cạnh tranh".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu gỗ: Kỳ vọng mốc 8 tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO