Vốn ngoại trở lại

MINH PHƯƠNG| 03/06/2010 09:56

Sau gần hai năm thu hẹp đầu tư do khủng hoảng tài chính, các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài từ đầu năm đến nay đã bắt đầu tập trung chú ý trở lại vào thị trường Việt Nam khi kinh tế toàn cầu có dấu hiệu hồi phục.

Vốn ngoại trở lại

Sau gần hai năm thu hẹp đầu tư do khủng hoảng tài chính, các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài từ đầu năm đến nay đã bắt đầu tập trung chú ý trở lại vào thị trường Việt Nam khi kinh tế toàn cầu có dấu hiệu hồi phục. Điều này cũng dễ hiểu khi các quỹ đầu tư đã và đang đẩy nhanh tiến độ việc huy động vốn để đầu tư vào Việt Nam.

Rầm rộ lập quỹ mới

Mở đầu là Công ty Quản lý quỹ Vietnam Asset Management (VAM) đã phối hợp với Công ty Quản lý quỹ Hong Leong của Malaysia thành lập một quỹ mở để đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Quỹ này dự kiến trong tháng đầu tiên sẽ huy động được 31 triệu USD nhưng ngay trong tuần đầu tiên đã huy động được 40% số vốn dự kiến.

Quỹ đầu tư quân tâm nhiều đến lĩnh vực giáo dục

Ông Nguyễn Xuân Minh, Tổng giám đốc VAM, cho biết, quỹ thứ hai này của Công ty nhắm đến các NĐT cá nhân, chỉ cần có 300USD là đã có thể đầu tư vào Việt Nam. Cũng theo ông Minh, sau những lần nói chuyện với các NĐT tại năm, sáu thành phố của Malaysia, ông nhận thấy những NĐT nước ngoài, kể cả NĐT cá nhân, rất quan tâm đến Việt Nam. Vì vậy, kết quả huy động vốn rất khả quan.

Tương tự, ông Chris Freund, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Mekong Capital, cho biết, công ty này cũng đang huy động vốn từ các thị trường Mỹ, châu Âu, châu Á để thành lập quỹ mới đầu tư vào các công ty tư nhân tại Việt Nam. “Quỹ mới có tên MEF III sẽ có số vốn dự kiến là 150 triệu USD và nhắm đến các công ty có thể hưởng lợi từ sự tăng trưởng của nền kinh tế”, ông nói.

Nhận định về nguồn vốn nước ngoài có thể đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới, ông Chris Freund cho biết, sự quan tâm của NĐT nước ngoài đang tăng trở lại trong thời gian gần đây. “Tôi chỉ có thể nói rằng, đang có rất nhiều vốn mới từ nước ngoài đổ vào Việt Nam thời điểm này”.

Ông Nguyễn Hải Hà, Giám đốc đầu tư của MB Capital, cũng cho biết, đang trong quá trình gặp các NĐT trong và ngoài nước để huy động vốn cho một quỹ mới. Theo kế hoạch, quỹ này có số vốn khoảng 300 tỷ đồng, sẽ đóng và giải ngân sớm. Nhận xét về cách nhìn của các NĐT về thị trường Việt Nam, ông Hà nói: “Chúng tôi đã tiếp xúc và làm việc với một số NĐT, tổ chức tiềm năng trong và ngoài nước. Nhìn chung, những NĐT mà chúng tôi tiếp xúc đều có cái nhìn tích cực về Việt Nam trong dài hạn”.

Ngoài ra, Tập đoàn Tài chính Japan Asia Group, Công ty chứng khoán Aizawa (thành viên của Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo) và các đối tác Việt Nam đang chuẩn bị thành lập Quỹ Vietnam Dream, dự kiến hoạt động từ tháng Sáu với mục đích chính là thu hút nguồn vốn Nhật vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Quỹ đầu tư này có số vốn ban đầu dự kiến là 100 triệu USD. Các tổ chức tài chính Nhật và đối tác Việt Nam (Ngân hàng Quân đội, Công ty Chứng khoán Thăng Long) cũng sẽ thành lập Quỹ MB Japan Asia với mục tiêu chủ yếu là thị trường OTC. Quỹ này có quy mô ban đầu là 200 tỷ đồng và có thể tăng lên 1.000 tỷ đồng vào cuối năm 2010...

Nóng “cổ phiếu không nóng”

 Ngày 27/5, lễ ký kết hợp tác đầu tư chiến lược giữa FPT Capital và Mekong Capital vào Hệ thống Trường Quốc tế Việt Úc (VAS) (trong đó, FPT Capital nắm giữ 25%, tương đương trị giá khoảng 10 triệu USD, và Mekong Capital nắm 14%, tương đương trị giá 6 triệu USD của VAS) cho thấy, xu hướng đầu tư vào ngành giáo dục của các quỹ không còn là ý tưởng manh nha mà đã chính thức được khai mào.

NĐT nước ngoài thời gian qua vẫn duy trì trạng thái mua ròng. Ví dụ như tính từ cuối tháng Ba đến ngày 18/5, NĐT nước ngoài đã có chuỗi mua ròng 32 phiên trên thị trường chứng khoán với tổng giá trị mua ròng là 2.850 tỷ đồng, trong khi tổng giá trị mua ròng của khối này từ đầu năm đến nay vào khoảng 4.800 tỷ đồng, cao hơn so với cả năm 2009. Tuy nhiên, khi quan sát thị trường, rất dễ nhận thấy NĐT nước ngoài chủ yếu tập trung vào các cổ phiếu không tăng nóng trong thời gian vừa qua và đây là những cổ phiếu không được các NĐT trong nước dành nhiều sự quan tâm.

Ông Nguyễn Thành Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, lý giải, trong chiến lược phát triển của FPT, bên cạnh tập trung tăng trưởng những ngành nghề truyền thống là công nghệ thông tin và viễn thông, Tập đoàn coi giáo dục là lĩnh vực đầu tư quan trọng nhằm gia tăng lợi ích dài hạn của cộng đồng.

Như vậy, khoản đầu tư vào VAS là sự chuẩn bị cho một kế hoạch phát triển đột phá trong thời gian tới nhằm theo đuổi mục tiêu: đào tạo thế hệ trẻ Việt Nam đủ tri thức khoa học để có thể sánh bằng học sinh của các nước tiên tiến. Ngược lại, VAS có kế hoạch mở rộng mạng lưới hoạt động khắp toàn quốc. Còn theo TS. Thomas Lanyi, Giám đốc Đầu tư của Mekong Capital: “Nhu cầu đăng ký học ở VAS ngày càng tăng đã gây ấn tượng với chúng tôi. Như vậy, không có lý do gì ngăn Mekong Capital tiếp tục đầu tư vào ngành giáo dục”.

Không chỉ vậy, ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital, cũng cho hay, Dragon Capital dự kiến sẽ cho ra mắt một quỹ đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo, tiết kiệm điện, và phát triển bền vững.

“Mặc dù những ngành này sẽ lâu sinh lời , nhưng đây đang là xu hướng của cả thế giới và Việt Nam cũng không thể đứng ngoài, nhất là khi đang phải đối mặt với các vấn đề về môi trường”, ông nói. Ông Hải Hà trình bày quan điểm của mình: “Với dân số trẻ và thu nhập của người dân Việt Nam ngày một tăng, chúng tôi tin là nhu cầu về các dịch vụ giáo dục và y tế có chất lượng sẽ rất cao tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ dành một phần trong quỹ mới để đầu tư vào lĩnh vực này khi có cơ hội thích hợp”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vốn ngoại trở lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO