"Vỡ nợ quốc gia" là không có cơ sở

Q. CHI thực hiện| 17/12/2009 08:23

Giá trị tiền đồng của Việt Nam (VND) giảm 5,4% so với USD. Sự giảm giá này góp phần làm dịu thị trường ngoại hối, nâng sức cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế...

Giá trị tiền đồng của Việt Nam (VND) giảm 5,4% so với USD. Sự giảm giá này góp phần làm dịu thị trường ngoại hối, nâng sức cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù những điều chỉnh trong chính sách tiền tệ vừa qua đã đúng hướng, nhưng vẫn còn không ít lo ngại về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong thời gian tới. Chúng tôi có cuộc trao đổi với TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright tại Việt Nam về vấn đề này.

* Khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, hầu hết các nước trên thế giới đều giữ nguyên, hoặc cắt giảm lãi suất ngân hàng, nhưng Việt Nam lại đi ngược xu thế chung. Theo ông, nguyên nhân chính của vấn đề này là gì?

- Đúng vậy, thường thì khi kinh tế suy giảm, lạm phát thấp và chính phủ cần kích thích kinh tế thì không có lý do gì để tăng lãi suất. Tuy nhiên, không giống các nước khác, mặc dù nền kinh tế Việt Nam chưa thực sự hồi phục, nhưng đã xuất hiện một số dấu hiệu của bất ổn, như lạm phát quay trở lại và thâm hụt cán cân thanh toán ngày một tăng.

Trước thực tế này, hành động vừa qua của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể xuất phát từ hai động cơ: Một là, NHNN muốn phát tín hiệu rằng, chính sách tiền tệ (đặc biệt là tín dụng) đang được thắt chặt. Hai là, NHNN muốn khuyến khích người dân giữ VND vì khi lãi suất VND tăng, chênh lệch lãi suất giữa VND và USD sẽ được nới rộng, người dân sẽ cảm thấy giữ VND có lợi hơn so với giữ USD hay vàng. Điều này giúp giảm sức ép lên tỷ giá vốn đang khá căng thẳng hiện nay. Có vẻ như NHNN bắt đầu tăng ưu tiên cho ổn định vĩ mô, và theo tôi đây là một định hướng chính sách cần thiết tại thời điểm này.

* Một số tổ chức kinh tế nước ngoài nhận định, Việt Nam đang có những đặc điểm kinh điển của khủng hoảng ở thị trường mới nổi và các nhà đầu tư phải mua bảo hiểm chống lại một cuộc "vỡ nợ quốc gia". Theo ông, đánh giá này có cường điệu quá không?

- Nhận định này không có cơ sở, ít nhất là trong ngắn hạn. Nợ nước ngoài của Việt Nam hiện nay bằng khoảng 30% GDP, trong đó nợ ngắn hạn chưa tới 1% GDP (theo số liệu của IMF) và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài hằng năm là khoảng 3 tỷ USD - tất cả đều vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, nợ ngoại tệ của khu vực doanh nghiệp trong thời gian qua tăng nhanh, trong khi dự trữ ngoại hối của NHNN lại vẫn tiếp tục giảm sút từ 23 tỷ USD cuối năm 2008 xuống còn khoảng 16 tỷ USD (tương đương với 12 tuần nhập khẩu) và VND vẫn đang chịu sức ép giảm giá là những dấu hiệu đáng lo ngại.

* Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với vấn đề thâm hụt mậu dịch lớn và dai dẳng, áp lực phá giá đồng tiền ở mức cao. Theo ông, giảm thiểu áp lực này bằng những biện pháp nào là hợp lý?

- Những nguyên nhân cơ bản gây áp lực giảm giá VND như lạm phát, thâm hụt cán cân thanh toán và dự trữ ngoại hối giảm sút vẫn còn. Sức ép do người dân chuyển từ VND sang vàng và USD cũng rất lớn. Về phía doanh nghiệp, do được hỗ trợ lãi suất 4% cho các khoản vay vốn lưu động bằng VND, cộng thêm nguy cơ giảm giá của đồng tiền, nên tâm lý muốn găm giữ USD của các doanh nghiệp là điều dễ hiểu.

Thị trường ngoại hối luôn căng thẳng gây sức ép giảm giá VNĐ - Ảnh Quý Hòa

Đặc biệt là ở Việt Nam, phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu đồng thời cũng nhập khẩu, nên khi có ngoại tệ, họ không muốn bán lại cho ngân hàng, mà để dành để nhập nguyên liệu. Những điều này khiến cầu USD luôn ở mức cao, trong khi cung USD lại giảm do những nguồn ngoại tệ chính như đầu tư nước ngoài, xuất khẩu, kiều hối và du lịch đều giảm.

Hệ quả là thị trường ngoại hối luôn căng thẳng, gây sức ép liên tục giảm giá VND. Để giải quyết tình trạng này, NHNN phải thắt chặt chính sách tiền tệ, dừng hỗ trợ lãi suất 4%, và đưa ra những định hướng chính sách rõ ràng, hỗ trợ thông tin kịp thời và chính xác.

* Trong thời gian vừa qua có rất nhiều tin đồn gây tâm lý hoang mang. Theo ông, làm thế nào để Nhà nước hạn chế được những tin đồn thổi tiêu cực này?

- Tin đồn thường xuất hiện trong môi trường thiếu thông tin và niềm tin. Khi thiếu thông tin chính thống, người ta buộc phải sử dụng các nguồn thông tin khác. Trong bối cảnh này, việc thiếu niềm tin khiến những thông tin tưởng chừng phi lý nhất cũng có đất sống, không những thế còn được đám đông khuếch đại và phát tán rất nhanh.

Nhiều doanh nghiệp nói với tôi là trong thời gian qua, họ có cảm giác như bị “sốc” bởi sự thiếu minh bạch, không nhất quán và “quay ngoắt 180 độ” của chính sách, khiến họ trở tay không kịp. Cổ nhân có câu “một lần thất tín, vạn sự bất tin” nhưng sẽ không bao giờ muộn để khôi phục niềm tin, và đây cũng đồng thời là cách lấy lại sức mạnh và hiệu lực cho chính sách vĩ mô của Nhà nước, điều mà Chính phủ rất cần để có thể đưa nền kinh tế vượt qua những thách thức hiện nay. Để làm được điều này, một thái độ thực sự cầu thị, một hệ thống chính sách đúng đắn, nhất quán và một cơ chế giao tiếp thông tin chính xác, kịp thời với người dân, với thị trường là những điều kiện tiên quyết.

Trong những năm đầu thập niên 1990, Việt Nam là một nước nợ lớn, tổng nợ cao hơn nhiều lần so với tổng thu nhập quốc dân. Tổng nợ năm 1990 là 23,27 tỷ USD , trong khi tổng thu nhập quốc dân (GNI) là 6,06 tỷ, cho thấy sự khủng hoảng về khả năng thanh toán nợ của Việt Nam. Tuy nhiên, nhờ kinh tế tăng trưởng nhanh nên từ nửa sau thập niên 1990, tổng thu nhập quốc dân đã tăng lên liên tục cộng với việc giảm nợ và xóa nợ của một số nhà tài trợ, đặc biệt là Nga với những khoản nợ để lại từ thời Liên Xô cũ, nên tổng nợ giảm liên tục, đến năm 2000 chỉ còn 11,586 tỷ USD và chỉ bằng 1/3 so với tổng thu nhập. Khả quan đối với phát triển kinh tế, Việt Nam đã nhận được nhiều khoản vay phát triển mới, đặc biệt là vốn ODA từ Nhật Bản, WB và ADB. Đến năm 2005, dù tổng nợ đã tăng lên gần 20 tỷ USD nhưng cũng chỉ bằng khoảng 40% tổng thu nhập quốc dân. Nợ nước ngoài của Việt Nam trong thời gian qua ở khoảng bằng 30 - 33% GDP (theo WB, năm 2009, nợ nước ngoài của Việt Nam là 26,8 tỷ USD, chiếm 30,2% GDP).


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Vỡ nợ quốc gia" là không có cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO