Trong chán, ngoài thèm

05/11/2010 07:07

Quá bi quan với thị trường, không ít nhà đầu tư đã rời sàn. Tuy nhiên, một số khác lại trong tư thế sẵn sàng nhập cuộc.

Trong chán, ngoài thèm

Quá bi quan với thị trường, không ít nhà đầu tư đã rời sàn. Tuy nhiên, một số khác lại trong tư thế sẵn sàng nhập cuộc.

Thị trường chứng khoán đang diễn ra hiện tượng lạ. Đó là tin xấu xuất hiện cũng chẳng làm giá chứng khoán giảm mạnh, tin tốt cũng không đẩy giá tăng. Ba tháng nay, các nhà đầu tư hầu như không kiếm được lời dù áp dụng chiến lược ngắn (lướt sóng) hay chiến lược dài (đầu tư giá trị). Quá chán nản với thị trường, không ít nhà đầu tư tại Hà Nội đã rời sàn. Thế nhưng, theo một số chuyên gia phân tích, đây mới là lúc nên chọn và nắm giữ cổ phiếu.

Nhà đầu tư cũ muốn bỏ sàn

Dù tài khoản đầu tư chứng khoán đang bị lỗ hơn 60%, nhưng chị Ngô Thúy Hằng, nhà đầu tư tại Sàn Chứng khoán SSI (phố Ngô Quyền, Hà Nội), vẫn không lo lắng, bởi cuối năm 2009, chị đã may mắn chuyển phân nửa vốn vào đầu tư bất động sản. Trong tổng vốn hơn 2 tỉ đồng, chị dành hơn 1 tỉ đồng mua 1 suất căn hộ chung cư 100 m2 tại Khu Đô thị Việt Hưng với giá 10,5 triệu đồng/m2. Gần 1 tỉ đồng còn lại, chị Hằng chơi chứng khoán.

Hiện nay, giá căn hộ chung cư tại Việt Hưng đã tăng lên 18 triệu đồng/m2, trong khi tài khoản chứng khoán chỉ còn hơn 200 triệu đồng do giá cổ phiếu giảm mạnh. “Tôi thấy mình còn may mắn vì đã hòa vốn trong khi nhiều nhà đầu tư khác bị lỗ nặng. Tôi đang tính rút hết tiền từ chứng khoán để chuyển sang đầu tư nhà đất”, chị nói.

Anh Ngô Việt Thắng, nhà đầu tư tại Sàn Chứng khoán Quốc tế (VIS) thì may mắn hơn. Đầu năm 2010, anh đã rút 2/3 số tiền từ tài khoản chứng khoán để góp vốn mua hơn 5 lô đất giãn dân (70 m2/lô) tại quận Long Biên với giá 22 triệu đồng/m2. Không ngờ giá chứng khoán giảm mạnh, còn khoản đầu tư đất thì lãi khá lớn. Anh Thắng cho biết đang đợi thị trường phục hồi để bán sạch cổ phiếu, chuyển sang đầu tư nhà đất.

Không chỉ anh Thắng, chị Hằng, mà nhiều nhà đầu tư tại các sàn chứng khoán Hà Nội đều có ý định bỏ sàn để chuyển sang đầu tư vàng, USD hay bất động sản.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Long, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán An Bình, cho rằng, các nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ việc rời bỏ thị trường này để sang thị trường khác. Bằng chứng là năm 2008, có nhiều nhà đầu tư từ sàn chứng khoán ồ ạt chuyển sang sàn vàng, nhưng vì không có kinh nghiệm, nên phần lớn đã bị thua lỗ. “Nên chuyên tâm vào một thị trường. Giá chứng khoán đã bị giảm sâu trong một thời gian dài. Đây là thời điểm mua vào khá an toàn. Tôi nhận thấy cơ hội phục hồi của thị trường không còn xa”, ông nói.

Nhà đầu tư mới nhập cuộc

Ông Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Đầu tư của một quỹ bảo hiểm lớn tại Hà Nội, cho biết, Công ty vừa quyết định giải ngân vào thị trường chứng khoán, bởi giá cổ phiếu đã về mức hợp lý. Đồng thời, một số đối tác liên doanh nước ngoài cũng đang ngỏ ý muốn thông qua Công ty để đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Động thái trên cũng khiến ông Đức lấy làm khó hiểu, nhất là trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới còn nhiều bất ổn. “Có thể họ nắm được thông tin về dòng vốn và triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam, nên mới tỏ ý tham gia”, ông nói.

Một dấu hiệu tích cực khác là cuối tuần qua, Hội nghị Các nhà đầu tư VinaCapital 2010 đã thu hút hơn 90 nhà đầu tư nước ngoài tham gia, cao hơn gấp đôi so với năm ngoái. Theo ông Don Lam, Tổng Giám đốc VinaCapital, điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang chú ý đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo lý giải của ông Andy Hồ, Giám đốc Đầu tư của VinaCapital, trước hết là giá nhiều loại cổ phiếu blue-chip tại Việt Nam đang ở mức thấp. Đây là cơ hội tốt để các quỹ giải ngân. Thứ 2 là tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn ở mức cao (mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2011 - 2015 mà Chính phủ đặt ra là 7 - 7,5%/năm). Thứ 3 là từ đầu năm đến nay, chỉ số VN-Index đã giảm 28%, trong khi các thị trường chứng khoán châu Á lại tăng hơn 30%. Vì thế, ông cho rằng, quý IV năm nay là thời điểm tốt để giải ngân đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Còn ông Lê Trung Dũng, chuyên viên phân tích thuộc Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thì cho rằng, thị trường lình xình đã khá lâu và triển vọng cũng không mấy khả quan do kinh tế vĩ mô còn bất ổn. Do đó, khá nhiều nhà đầu tư nhỏ đã rời bỏ thị trường. Giá cổ phiếu vì thế mà liên tục giảm mạnh. Trong 2 tháng qua (tháng 9 và 10), những mã cổ phiếu trước đó tăng nóng đã giảm khá mạnh. Chẳng hạn như AAA (Công ty Cổ phần Nhựa và Môi trường xanh An Phát) giảm 59%; LTC (Công ty Cổ phần Điện nhẹ Viễn thông) giảm 48%; V15 (Công ty Cổ phần Xây dựng số 15) giảm gần 40%. Còn các cổ phiếu blue-chip thì có mức giảm giá trung bình 15-20%.

Điều đáng mừng là từ nửa cuối tháng 10, thị trường đã xuất hiện một số nhà đầu tư cá nhân mới tham gia. Tuy số vốn họ bỏ vào thị trường không lớn, nhưng đây là dòng tiền thực sự. Điều này sẽ hỗ trợ giá chứng khoán không giảm sâu trong trường hợp thị trường xuất hiện tin xấu.

Ngoài ra, sau đợt cắt lỗ ồ ạt trong 2 tuần đầu tháng 10, hầu như chưa ai dám quay trở lại sàn. Điều này có nghĩa là số nhà đầu tư đứng ngoài cầm tiền nhiều hơn các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu. Nói cách khác, có một lượng cầu mạnh đang chờ đợi VN-Index phục hồi là nhảy vào thị trường.

“Tôi cho rằng, đây là lúc thích hợp để các nhà đầu tư cũ chọn lọc và nắm giữ cổ phiếu tốt. Bởi lẽ, nếu thị trường bất ngờ có tin tốt xuất hiện thì việc mua vào các cổ phiếu này sẽ rất khó khăn. Đối với các nhà đầu tư mới, đây là thời cơ tốt để nhảy vào thị trường”, ông Dũng, SHS, nhận xét

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trong chán, ngoài thèm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO